Kỳ nhân sử quái chiêu

VŨ ĐỨC SAO BIỂN 19/02/2015 15:55

Năm 1990, tôi đang làm tổ trưởng phóng viên báo Công An thành phố Hồ Chí Minh. Một ngày tháng 11, tôi có được niềm vui vì một người khách đến thăm.

Khách trông chừng hơn sáu mươi tuổi, tóc muối nhiều hơn tiêu, khuôn mặt tinh nhanh, đeo đôi mắt kiếng trắng mà một bên gọng đã gãy phải lấy dây thun cột vào lỗ tai. Khách mặc một bộ áo quần cũ màu đất, chân mang đôi giày bố, vai đeo một cái túi. Ông nói giọng Quảng Nam rặt ròng, nghe rất sướng lỗ tai. Khách nói với các em bảo vệ muốn gặp đích danh “Quoảng Noam loãng moạn Vũ Đức Sao Biển; không gặp, không về!”. Em bảo vệ hớt ha hớt hải chạy lên phòng tôi, báo “Anh ơi, có một ông già nào có vẻ khùng khùng, muốn gặp anh”. Tôi nhìn xuống sân và nói “Em lễ phép mời ông ấy lên”. Ông chính là nhà thơ Bùi Giáng danh tiếng, nhãn hiệu thi ca được cầu chứng tại tòa thượng thẩm! Đời thật quái kiệt, tôi đi tìm ông mãi mấy chục năm mà không gặp; bây giờ, ông lại tìm đến gặp tôi.

Bùi Giáng và Dê tím hoa cà - tranh sơn dầu của Đinh Cường.
Bùi Giáng và Dê tím hoa cà - tranh sơn dầu của Đinh Cường.

Tôi bái xuống một cái thật sâu theo phong cách của nhà nho… nhỏ kính trọng nhà nho lớn, nói bằng giọng Duy Xuyên chánh cống con cò hương: “Em kính chào anh hỉ. Thưa anh, em là thằng Sao Biển đây”. Nhà thơ có vẻ bằng lòng, cười ha hả dù trước đó, ông nổi nóng múa may cự cãi với các em bảo vệ. Tôi nhờ một em gọi hộ ba ly cà phê đá và một gói thuốc 555. Tôi đưa lão niên Bùi thi sĩ vào phòng làm việc của mình và báo qua điện thoại cho anh Huỳnh Bá Thành có Bùi thi sĩ đến! Huỳnh Bá Thành mừng quá, chạy qua ngay.

Mọi việc diễn ra khá ngộ nghĩnh. Nhà thơ Bùi Giáng có nhã ý đi… khiếu nại. Ông muốn hỗ trợ anh em cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ điều hành giao thông trong thành phố nên tình nguyện xuống đường điều khiển, phân tuyến chỉ luồng cho xe chạy. Tuy nhiên, cách múa và những thủ hiệu của ông ra hình như là quá… mới mẻ. Một số bà con chạy xe gắn máy ở Xóm Gà và Lăng Ông Bà Chiểu không biết ông là ai nên không tuân thủ! Họ cứ chạy loạn lên. Ông huýt còi, bảo bà con dừng xe cho ông hướng dẫn lại nguyên tắc giao thông đường bộ nhưng bà con chỉ cười trừ rồi… chạy mất. Vả chăng, ông không có quyền phạt họ vì  không có cuốn biên lai ghi phạt nào.

Nhà thơ Bùi Giáng phản ánh lại tình trạng mất trật tự đó với báo chúng tôi. Ông nói: “Yêu cầu ông Huỳnh Bá Thành với ông Sao Biển đưa nội dung phản ánh khiếu nại này lên báo Công An thành phố”. Tôi nói: “Dạ phải rồi. Việc kiểm tra giao thông đường bộ mà anh phản ánh với báo Công An thành phố là hoàn toàn đúng luồng, đúng tuyến. Em xin mời anh uống cà phê, hút thuốc và xin nghiêm túc lắng nghe ý kiến của anh”.

Huỳnh Bá Thành có vẻ là nhà báo biết tiếp thu ý kiến của… nhân dân Bùi Giáng. Anh cười, nói: “Thưa anh, xin thay mặt bà con ở Xóm Gà và khu Lăng Ông Bà Chiểu quận Bình Thạnh, em và thằng Sao Biển nhận… khuyết điểm với anh. Được biết anh phát huy quyền làm chủ tập thể, có nhã ý hỗ trợ cán bộ chiến sĩ cảnh sát giao thông điều khiển phương tiện đi lại, em rất mừng. Tuy nhiên, anh phải giữ gìn sức khỏe để phục vụ nhân dân lâu dài. Em mong anh một tuần chỉ múa tay điều khiển giao thông một lần thôi, và chỉ nên múa buổi sáng khi trời còn mát mẻ. Buổi trưa nắng gắt, anh cứ nằm nhà nghỉ một chút cho khỏe để buổi chiều còn đi chơi”.  

Bùi thi sĩ quay lại hỏi tôi: “Đúng không, ông Sao Biển?”. Tôi cũng thưa: “Thưa anh, đúng quá đi mất. Lực lượng cảnh sát giao thông trước nay ít có nhà thơ, hoặc có nhà thơ thì cũng ít có tác phẩm. Anh là một nhà thơ nổi tiếng mà tình nguyện tham gia lực lượng kiểm soát giao thông là quá tốt rồi. Tuy nhiên, anh đã trên lục tuần, cũng qua tuổi hưu trí; sự nghiệp cứ để đàn em gánh vác. Mỗi tuần, anh múa một buổi cũng đã là một đóng góp lớn lao cho thành phố. Anh hãy dành thì giờ rảnh rỗi ngồi chỗ mát kiếm chút rượu uống, hút vài điếu thuốc cho thơm râu rồi lấy giấy bút làm thơ; thơ càng quái chiêu càng tốt. Đó, mình phát tiết tinh hoa theo hướng nớ mới sướng!”.

Nhà thơ Bùi Giáng nghe bùi lỗ tai, vỗ đùi cười ha hả. Nhưng ông cũng thận trọng nói: “Có ai đăng thơ tôi đâu?”. Tôi trả lời ngay: “Anh nói cái chi hay rứa? Bút danh Bùi Giáng của anh đứng trên tờ báo nào là làm thơm cho tờ báo đó. Anh cứ làm những bài thơ tình thật đẹp trong dịp xuân đến; đưa cho em đăng  báo nào rồi đến gặp em nhận nhuận bút uống rượu”.

Huỳnh Bá Thành xin phép ông về phòng làm việc. Còn lại mình tôi, ông nói thêm với tôi về quan điểm thi ca của mình. Cứ theo ông, ai cũng xúm vào khen thơ chữ Hán của Đường - Tống bát đại gia mà quên rằng thơ chữ Hán của những nhà thơ Việt Nam ta hay không kém. Theo ông, thơ Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ cũng chỉ ngang ngang cỡ Bắc hành tạp lục hay Long thành cầm giả ca của Nguyễn Du mà thôi. Ông chê Trang Tử thiếu khiêm tốn, viết Nam Hoa kinh chỉ khoảng ba chục ngàn chữ mà đã cho công trình của mình là tinh hoa của triết học phương Nam (!?). Ông ca ngợi Khổng Tử sáng tác rất nhiều; san định Thi, Thư và hình thành cả một hệ thống triết lý Nho gia rầm rầm như vậy mà vẫn khiêm tốn nói “Ta chỉ thuật chứ không viết ra cái mới” - Ngã thuật nhi bất tác.

Nghe Bùi Giáng lý luận, tôi mới thấy được công lực thâm hậu của ông. Nội lực Bùi Giáng nửa dương cương, nửa âm nhu; nửa chính nửa tà nhưng liên miên bất tuyệt như nước trường giang tuôn chảy. Chiêu thức của ông quái dị, khinh linh, tiêu sái; phong phú đến vô cùng vô tận. Tôi hình dung, nếu kẻ đối địch với ông sử một ngàn chiêu; ông sẽ sử một ngàn lẻ một chiêu.

Ông luôn luôn ra chiêu trước, đánh vào bất kỳ phương vị nào của đối phương. Ông vừa nói, hữu chưởng vừa vỗ xuống trên bàn bình bình; vận công có khi chí dương, có lúc chí nhu. Nội lực dương cương hay âm nhu của ông đều có thể làm tan bia vỡ đá. Cũng may là chiếc bàn làm việc của tôi bằng gõ đỏ; nếu nó được làm bằng loại chất liệu giả gỗ như hôm nay thì e rằng đã sụm bà chè rồi.

“Có thằng không biết con… chim gì hết về Sigmund Freud - ông tổ của ngành tâm phân học, cũng bày đặt viết văn đưa Freud ra mà chửi bới. Freud thì đã dính dáng gì tới thuyết hiện sinh? Ngu chi mà ngu lạ ngu lùng”  - Bùi Giáng phát chiêu. Có khi, ông thu chưởng lại thành quyền; có khi, ông xòe chưởng ra, biến bàn tay thành đao, sử đao pháp. “Có thằng không biết con… cừu gì về chữ Hán, cũng bày đặt nói chuyện Háng với Nách. Người ta viết “Vọng mĩ nhân hề, thiên nhất phương” thì chữ mĩ nhân đó là để chỉ nhà vua chứ đâu phải là con gái đẹp. Vậy mà dám dịch ra là “Nhớ em xinh đẹp chừ, trời một phương”. Chữ đó tôi gọi là chữ Háng!”.

Tôi phải sử dụng Miên chưởng mềm mại và phép Tứ lạng bát thiên cân (Bốn lạng đẩy ngàn cân) của phái Võ Đang để hóa giải từng chiêu từng thức của ông. Ấn chứng võ công một hồi, ông có vẻ mệt, thở phì phì rồi cười tồ tồ. Tôi đọc thơ… của ông cho ông nghe. Ấy là những bài thơ mà tôi thuộc từ khi còn học trung học. Ông có vẻ dịu dàng, ngồi nghe thơ của mình, vò đầu bút tóc khen hay (?) luôn miệng. Tôi gọi cái đó là phép “Mượn hoa hiến Phật”.

Từ đó, ông Bùi Giáng có vẻ thân cận với tôi. Vài ba tháng, ông đến chơi một lần, uống cà phê và đàm đạo. Cuối năm, khoảng tháng 11 dương lịch, ông tìm đến tôi và đưa cho mấy bài thơ. “Tôi có mấy bài thơ mới, thơ mộng lắm Sao Biển nghe” - ông nói. Tôi nói nịnh để cho ông sướng: “Thưa anh, bài thơ mô của anh cũng thơ mộng hết. Bài này em sẽ đăng trên báo xuân, anh hỉ?”. Và cứ vậy, những bài thơ của ông xuất hiện trên các báo xuân Công an thành phố, Thanh niên, Pháp luật thành phố một cách trang trọng ở những trang ốp-sét bốn màu, có khi kèm theo ảnh ông, có khi kèm hình minh họa.

Bây giờ thì Bùi Giáng không còn làm thơ nữa. Mỗi năm khi trời sắp sang xuân, tôi lại nhớ ông, nhớ những bài thơ xuân tươi đẹp của ông. Con người ấy thật lạ, trong lý luận hay trong thơ ca, quái chiêu nào cũng “chơi” được. Một lần ông đưa tôi bài thơ có tựa đề “Người con gái mặc quần”. Tôi đọc, cho dàn trang và in ra bông để duyệt ngay. Một anh cự tôi “Ông lạ thiệt, sao có chuyện mặc quần, mặc áo vào báo xuân”. Tôi cự lại “Anh đọc kỹ đi chứ đừng liếc cái tựa”. Anh nọ đọc rồi khen “Hay! Hay thiệt tình!”. Bạn biết không, bốn câu cuối của bài thơ rất quái chiêu và cũng rất thần tình: “Người con gái hôm nay mặc quần rách/ Vì hôm qua đã mặc chiếc quần lành/ Lành và rách cả hai đều trong sạch/ Bởi vì lành và rách cũng long lanh”. Mấy ai có được cái tứ thâm hậu như  thơ Bùi Giáng?

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ nhân sử quái chiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO