Kỷ niệm Cồn Mô

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 06/01/2013 09:43

1. - Ông Ích Khiêm người làng Phong Lệ, cụ Thái Phiên người làng Nghi An xưa đều thuộc tổng Thanh Quýt cả. Xưa tổng Thanh Quýt có đến 24 xã, kéo dài ra đến sát sân bay Đà Nẵng bây giờ. Người làng Thanh Quýt, xã Thanh Quýt cũng thuộc tổng có cùng tên. Cho nên người Thanh Quýt mang giống thuốc Ba Viên từ Nghệ An đến trồng ở Cồn Mô thuộc làng Cẩm Lệ xưa thì đặt luôn tên là thuốc lá Cẩm Lệ. Đất Cồn Mô là đất cát pha nên thuốc khi vấn điếu hút luôn có tàn trắng đẹp… Có lẽ vì vậy nên chuyện bà nội anh là người Cồn Mô đã về làm dâu tận Thanh Quýt có thể giải thích được…

Ông cụ Thách nói với Quận và mấy người ngồi cùng bàn khi anh về ăn giỗ ở quê bà nội vào một ngày mưa cuối năm. Cụ nói vậy để trả lời thắc mắc của anh: Vì sao ở hai làng cách xa nhau cả chục cây số, thời xưa đi lại cũng không dễ mà hai cụ nội của anh lại nên duyên chồng vợ?

Cụ Thách ngày trẻ học chữ Nho đến năm 15 tuổi mới chuyển qua học quốc ngữ, sau mở trường dạy học ở làng. Bà nội của Quận là con gái đầu, cha cụ Thách là con trai gần út trong số 10 người con nhà cụ cố, nên cụ Thách gọi bà nội bằng cô. Hồi bà nội Quận mất sau ngày tản cư về, thì cụ Thách tóc vẫn còn để chỏm. Đất Cồn Mô nay đã nằm dưới những lớp bê tông đường băng sau 2 lần Tây rồi Mỹ xây dựng, mở rộng sân bay Đà Nẵng trong thế kỷ trước. Dân cố cựu vùng Cồn Mô giờ ở rải rác vùng ven phía nam thành phố, thuộc các khu dân cư mới tiện nghi, nhưng khu nhà cụ Thách đang ở vẫn là đất hương hỏa, những người bà con thân thuộc đều được ở gần nhau sau ngày chỉnh trang đô thị. Cụ Thách ở lại ngay trong ngôi nhà cổ có đến gần trăm rưỡi tuổi để lo việc thờ tự. Nhờ đó, những giày chạp mả, ngày giỗ các cụ cao đời, con cháu đều quy tụ tại đây…

Lời giải thích mang tính ức đoán của cụ Thách khiến Quận mất ngủ suốt đêm hôm đó. Anh nằm nhớ nhiều điều đã được nghe ông thân sinh mình kể lúc nhỏ. Những chuyện tưởng như đã bị vùi chôn bởi lớp bụi thời gian cùng những va đập trong cuộc mưu sinh…

 Làng của Quận từng có tên trong những làng đầu tiên trên đất Điện Bàn sau ngày chúa Nguyễn vào mở đất phía nam đèo Hải Vân. Ngoài một ít ruộng lúa, dân làng làm đủ thứ nghề: dệt vải, chẻ tre đan lát và trồng thuốc lá. Nghề dệt từng có sản phẩm bán cho người nước ngoài ở Hội An hồi thế kỷ XVII nay chỉ còn lại dấu vết là cái chợ Vải bên bờ sông. Nghề chẻ tre đan lát, làm rui mè kèo cột đi bán tận phố nhượng địa Đà Nẵng, nay chỉ còn trong ký ức một số người. Riêng nghề trồng và chế biến thuốc lá, tuy ngày bị thu hẹp do thị trường teo tóp dần, nhưng cái tên “thuốc lá Cẩm Lệ” trở thành một thương hiệu trong nhiều trăm năm. Cũng chính từ cây thuốc lá, người làng Thanh Quýt đã có mặt khắp nơi trên đất nước mình. Nhiều người đã trở nên các nhà công thương, các bậc trí thức sau này đều đã lớn lên từ gốc thuốc và nghề buôn bán thuốc lá Cẩm Lệ. Nhưng cái tên Cồn Mô, cuộc đất mà nhờ đó thương hiệu thuốc lá Cẩm Lệ vang danh thì chẳng còn ai nhớ. Quận cũng đã quên, nếu không có những lần về ăn giỗ ở quê bà nội và những hồi ức được kể lại từ cha, ông của anh…

Hôm sau bữa giỗ, Quận ở lại chơi với cụ Thách trọn ngày.

2. Gà vừa gáy canh ba, cha con lão Nhàn đã vội vã lên đường. Lão Nhàn kịp uống được bát nước chè xanh do vợ nấu lúc nửa khuya, còn mấy người con bụng vẫn đói meo. Họ bước ra khỏi nhà theo hàng một. Lão Nhàn lớn tuổi, chỉ mang cái bao tải đựng mấy cái cưa, đục, rựa, chàng, khoan gio mà những người thợ tre không thể thiếu, và một chiếc gióng con đựng cái nồi đất. Hai Nhã, con trai đầu vừa 16 tuổi cùng mấy thanh thiếu niên trong xóm người vác giường tre, chõng tre, hom tranh hoặc những bó tre ngâm đã chẻ ra làm hai, làm ba, những gốc tre già, mấy tấm phên lương… Từ Thanh Quýt ra đến phố Hàn, theo đường cái phải đến gần hai chục cây số. Để thu ngắn đoạn đường, họ quyết định băng ruộng. Phải đến được đầu cầu Cẩm Lệ lúc trời vừa sáng để dừng nghỉ và ăn điểm tâm. Lúc đó họ quây quần bên vạt cỏ bên đường, lão Nhàn đặt chiếc gióng con xuống, mở nắp cái nồi đất ra chính giữa. Nồi khoai lang luộc vẫn còn nóng dưới lớp lá chuối. Bữa không có khoai, thì cũng là nồi sắn luộc. Một gói muối mè gói trong mấy lớp lá chuối khô buộc lạt. Mỗi người vài củ có chừng. Ăn xong, xuống mép sông vục nước uống, xắn mép áo lau miệng và lên đường như một chương trình đã lập sẵn. Họa hoằn lắm mới thấy ai đó nói một câu. Có hôm, lính gác trên cái bót lầu ở đầu cầu thổi xíp-lê bắt dừng lại kiểm soát căn cước mới cho đi.

Phải tới ga xe lửa chợ Hàn khoảng bảy giờ sáng để giao hàng. Hôm nào đi dựng nhà, cũng phải tới nơi vào giờ đó. Thành ra chẳng ai còn biết đến cảnh vật chung quanh, mặc dù từ Cẩm Lệ qua chùa Bà Quảng là đoạn đường đất thoáng rộng, hai bên là những nhà vườn xanh tốt, người đi lại gồng gánh lúc hừng sáng đã bắt đầu đông dần…

    Cả nhà lão Nhàn đến bảy tám miệng ăn, tính luôn con cái và mấy đứa em. Nhưng chỉ có chưa đầy hai sào vừa ruộng lúa vừa đất thổ trồng màu. Nên cũng như nhiều người trong làng, lão làm quần quật mà miếng ăn vẫn thiếu trước hụt sau. Hết làm ruộng là đi mua tre về đóng giường, đan phên. Có ai ngoài Hàn làm nhà, lão huy động thêm vài anh em trong xóm vác tre đến tận nơi, làm kèo dựng cột, lợp tranh, thưng phên tại chỗ, xong việc mới quay về… Đến tháng mười âm lịch, sau ngày chạp mả ông bà, lại đi vay mượn tiền mua phân, thuê đất, chuẩn bị gieo cây con cho mùa thuốc lá.

Người làng Thanh Quýt đi thuê đất khắp nơi, ở những vùng có phù sa ven sông hoặc đất thịt pha cát phù hợp với cây thuốc. Từ Ngân Câu, Cẩm Hà dưới vùng cát ven biển đến Phú Chiêm, Cầu Mống ven sông Thu Bồn. Từ Diệm Sơn, Châu Lâu dọc sông La Thọ đến cả Yến Nê, Thủy Tú tận ngoài Hòa Vang. Nhưng chỉ có đất Cồn Mô mới cho thuốc tốt, đượm khói, tàn trắng và cuối cùng là bán được giá hơn cả.  Nhưng không phải ai cũng có đất hoặc thuê được đất Cồn Mô. Cho nên vào mùa thuốc lá, người làng Thanh Quýt tản mác khắp nơi. Có khi năm bảy ngày mới trở về nhà. Ngày ra đồng, tối ngủ nhờ những nhà trong xóm cận kề. Lắm khi mang theo gạo, mắm, nhờ người ta nấu giúp để đến bữa vào ăn. Người ngợm ai nấy trong mùa thuốc lá đều đen sì vì phơi sương dầm nắng, có kẻ nói đùa rằng mỗi khi về nhà vợ con nhìn mãi không ra!

   Nhiều lúc quá mệt nhọc mà cái nghèo vẫn bám theo, lão Nhàn từng hát nghêu ngao mà chua chát: Gánh cực mà đổ lên non/ Còng lưng chạy xuống cực còn đuổi theo.

Trong đám đồng lứa, có kẻ hát lại:

Cây khô nhúng nước cũng khô/ Phận nghèo đi đến nơi mô cũng nghèo…

3. Vụ thuốc lá trước đó 18 năm, Nhàn thuê được ba sào đất Cồn Mô, quyết định vay mượn đổ vào làm một mùa sống mái, may ra có được chút đỉnh để cưới vợ. Cha mẹ ông tuy nghèo, nhưng thấy đứa con trai lớn đã ngoài hai mươi nên từng nhờ các ông bà mai tìm cho một vài mối.

Ra Cồn Mô, Nhàn gửi gạo và ngủ nhờ lại nhà một gia đình đầu xóm. Nhà nghèo đông con, nhưng rất tốt bụng. Tuy là nhà tranh vách đất nhưng ở giữa một rừng cây chay xanh nghịt nên mỗi lần từ đám thuốc trở về, Nhàn thường ngả lưng lên chiếc võng dây dừa mắc trên hai cây chay cho đến khi cô con gái chủ nhà gọi dậy ăn cơm. Để trả ơn, Nhàn “nhờ” cả hai người con trai đầu của chủ nhà ra đồng phụ giúp và trả công… Cùng cảnh nghèo, cùng làm chung công việc nên chẳng cần nhiều thời gian, họ dễ dàng thân thiết, chia sẻ nhiều tâm sự… Cô con gái phụ giúp người mẹ bán trầu cau ở chợ thường về sớm để nấu ăn. Thỉnh thoảng, có ít khoai, đậu trong vườn cô thường nấu mang ra ruộng cho các “ông anh” ăn nửa buổi…

Một hôm, hai người anh bận việc, chỉ có Nhàn đang lặt nhánh, bắt sâu ngoài ruộng thuốc, cô gái cũng ra phụ giúp và nói nửa đùa nửa thật: “Biết đâu mai mốt học được nghề”. Lúc đó, Nhàn đùa lại:

- Biết đâu… mai mốt về làm dâu làng tui!

Trong lúc cô gái đỏ mặt vì xấu hổ, Nhàn nắm lấy tay cô và đọc: Gió đưa trái mướp cù queo/ Lấy chồng Thanh Quýt tuy nghèo mà vui…

Cô nhìn anh bằng một ánh nhìn rất lạ, giật tay khỏi tay anh rồi bỏ chạy về nhà. Từ hôm đó, trong bữa ăn, Nhàn thấy cô thường nhìn lén mình và ít nói hơn…

 Xong một mùa thuốc kéo dài 4 tháng ở Cồn Mô, trả được nợ, Nhàn còn thừa ra đủ đưa cho mẹ mua sắm lễ vật đi hỏi vợ, người mà ngày nay cả xóm vẫn yêu mến gọi là mụ-Nhàn-trầu-cau. Mụ Nhàn được thừa hưởng gánh trầu cau của mẹ từ Cồn Mô khi theo về quê chồng. Gánh trầu cau ấy kĩu kịt trên vai người phụ nữ chịu thương chịu khó ấy suốt 25 năm trời, mỗi ngày đi và về cả hai cái chợ - chợ mai và chợ chiều - cách nhau hơn chục cây số.

Lão Nhàn từ khi có gia đình, vẫn gánh vác kèo cột, phên tre ra Hàn mỗi sáng sớm, nhưng khi về lúc nào cũng cõng thêm gánh vỏ cây chay từ Cồn Mô quê vợ. Người ta đồn rằng chính vỏ chay đất Cồn Mô mới làm cho miếng trầu cau của mụ Nhàn đỏ thắm hơn vỏ chay của vùng khác. Năm hồi cư về lại làng cũ sau Hiệp định Genève, mụ Nhàn lâm trọng bệnh và qua đời, để lại cho lão 9 đứa con nheo nhóc, đứa nhỏ nhất chỉ vừa biết đi. Khóc thương vợ, lão Nhàn kể lể: “Chính cái chất vỏ chay xứ đất Cồn Mô và sự tảo tần của mụ đã giúp gia đình này đỡ đi phần cơ cực. Vậy mà…ông trời cũng đoản hậu!”.


Chiều hôm sau, trước khi chia tay cụ Thách, Quận nói:

- Cháu là đích tôn của bà nội cháu. Hai ông bà ở xa nhau vậy mà hồi xưa lại lấy được nhau là chuyện ít có. Nếu không có sự giải thích về lịch sử và địa lý rành rọt của cụ, cháu đã không thể nhớ và hiểu được cuộc đời khổ nhọc của ông bà mình ngày xưa. Vậy nên hứa với cụ, sang năm cháu lại thăm Cồn Mô…
- Ừ, tôi sẽ chờ cháu.

Cụ Thách vừa nói vừa mỉm cười.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỷ niệm Cồn Mô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO