Tháng 5.1971, tôi bị ốm phải đi điều trị ở Bệnh viện 1 của Khu ủy 5. Đây là bệnh viện tuyến cao nhất khu 5, nhưng là bệnh viện kháng chiến, không đóng mãi chỗ ổn định nên nhà ở, phòng bệnh rất tạm bợ. Nói là phòng bệnh chứ thực ra đó là lán trại làm bằng cây rừng, lợp lá nón, lá kè, buộc dây mây, dây rừng, không có giường, người bệnh phải nằm võng cá nhân. Tôi nằm cùng phòng với anh Tính, lính D10 (Tiểu đoàn 10 - bảo vệ khu ủy). Chúng tôi nằm viện được vài hôm thì có một thủ trưởng độ 50 tuổi, dáng người tầm thước đến thăm chơi. Trên chiến khu, người ở tuổi 50 là già rồi. Vì ở rừng núi vô cùng gian khổ, người lớn tuổi không đủ sức leo dốc, vượt đèo, chịu đói, chống chọi với sốt rét... Bác này lớn tuổi mà còn ở chiến trường, chắc là một thủ trưởng lớn lắm đấy. Tôi thấy bác rất quen, hình như đã gặp ở đâu đó rồi. Thoáng nghĩ vậy, nhưng không dám hỏi, tôi chào và mời bác ngồi vào cái băng làm bằng hai khúc cây rừng đã bóc sạch vỏ. Chưa ngồi, bác đã lên tiếng: “Bác thấy hai chàng trai trẻ vào nằm viện, thích bọn trẻ các cháu nên đến thăm chơi. Bác cũng là bệnh nhân, nằm ở gần bên đây. Các cháu quê ở đâu? Đau chi mà vào viện?”. Anh Tính nhanh hơn, trả lời trước: “Cháu ở Thái Bình, vào Nam được 3 năm rồi. Cháu sốt rét nhiều, ảnh hưởng gan. Vào đây điều trị gần một tháng, đến nay đã đỡ rồi”. Bác động viên anh Tính rồi quay sang hỏi tôi: “Còn cháu quê ở đâu, bao nhiêu tuổi mà nhìn còn nhỏ thế?”. “Thưa bác cháu quê ở Kỳ Anh”.
Tôi chưa kịp nói thêm, bác hỏi ngay: “Cháu ở thôn nào?”. “Dạ ở Tỉnh Thủy”. Ông lại hỏi: “Ở Tỉnh Thủy, thế cháu có biết ông Vọng không?”. Tôi trả lời: “Cháu là cháu ngoại của ông Vọng”. “Thế chị Phẩm là gì của cháu?”. “Dạ, là mẹ cháu”. Lúc này tôi mới nhớ rõ, tháng 11.1964, sau trận lụt lớn bác ấy này đã về ở lại nhà mình 2 ngày. Tôi kề tai anh Tính: “Bác ấy là ai? Ở D10, anh hay đi bảo vệ cán bộ chắc biết nhiều thủ trưởng”. Anh Tính nói nhỏ: “Cậu không biết à, bác Bốn Hương đấy”. Tôi giật mình. Bác Bốn Hương mà tôi từng nghe là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, bây giờ là Khu ủy viên, Phó ban Tổ chức khu 5. Nhưng quê mình ở tận dưới biển kia, lúc ấy là vùng giải phóng mới mở ra, địch ở tứ bề mà một Bí Thư Tỉnh ủy như ông lại lặn lội về đến đó, thật là mạo hiểm. Bọn địch biết được tin này thì có đánh trốc cả thôn Tỉnh Thủy, cả xã Kỳ Anh chúng cũng làm để bắt cho được một “cán bộ cộng sản” quan trọng nhất tỉnh. Lúc đó cả làng chắc chưa có hầm bí mật, nếu có thì rất ít và tôi cũng không biết được. Riêng nhà tôi chỉ có hầm tránh pháo còn sơ sài, chưa có hầm bí mật. Thế mà ông Tuân, ông Hảo cán bộ xã vẫn bố trí bác ở lại.
Tôi còn nhớ hồi ấy bác bận bộ quần áo bà ba ni-phân màu xanh rêu, mang khẩu súng ngắn nhỏ xíu, anh bảo vệ mang cây súng tiểu liên. Bây giờ tôi mới nghĩ ra anh ấy là bảo vệ, chứ hồi đó làm chi biết bác có bảo vệ đi theo. Mọi việc đều hết sức bí mật. Mẹ tôi cũng chỉ cảm nhận bác là cán bộ lớn, nhưng ở cấp nào thì cũng là điều bí mật. Mẹ tôi thấy cán bộ từ trên núi cao về biển, bà nấu cơm không ghế khoai, mua cá thu về kho dọn, bác và anh cận vệ ngồi ăn chung với toàn gia đình. Ngẫm ra tôi thấy tự hào về mẹ mình, tình hình địch ta như vậy mà các đồng chí lãnh đạo địa phương tin tưởng mẹ, bố trí cán bộ cao cấp của tỉnh trú chân tại nhà.
Tôi ngưỡng mộ nhìn bác, bác tiếp tục ân cần: “Hồi đó bác thấy chị Phẩm có 3 đứa con nhỏ. Cháu thoát ly bao giờ, hai đứa kia giờ ở đâu, cháu có biết tin gì về gia đình, quê hương không? Ở dưới đó bây giờ ác liệt lắm, Kỳ Anh, Tỉnh Thủy và cả vùng đông Tam Kỳ, Thăng Bình, địch lấn chiếm lại cả rồi. Nghe nói bọn biệt lập ác dữ lắm. Không biết ông bà và mẹ cháu thế nào rồi?”. Tôi báo cáo: “Ba chị em nhà cháu đã thoát ly hết, năm 1969 thằng em út của cháu đã hy sinh. Tội nghiệp, nó hy sinh lúc mới tròn 15 tuổi. Chị Hai thoát ly cùng lượt với cháu, chị công tác ở Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam, hiện nay được cho đi miền Bắc chữa bệnh và học tập. Từ 1965 đến 1968 cháu còn liên hệ được gia đình. Cuối 1968 đến nay, quê bị địch tái chiếm, cháu đứt luôn liên lạc, không biết mẹ và ông bà chạy đi đâu, sống chết thế nào không rõ”. Bác vỗ vai tôi động viên: “Cháu là con của gia đình cơ bản, cố gắng mà phấn đấu, cuộc kháng chiến này chắc còn lâu dài, còn hy sinh, mất mát nhiều, nhưng nhất định chúng ta sẽ chiến thắng, quê hương, đất nước sẽ được giải phóng, sẽ độc lập và thanh bình. Lúc đó các cháu sẽ là thế hệ cán bộ xây dựng lại quê hương, đất nước”.
Những năm 1964 - 1965, cả khu 5 đẩy mạnh phong trào đồng khởi. Tháng 9.1964, ta mở chiến dịch nổi dậy giải phóng gần như toàn bộ vùng duyên hải Quảng Nam. Từ đông Duy Xuyên chạy mãi vào tới đông Tam Kỳ. Chiến dịch vừa mở ra vài tháng, bác Bốn Hương sốt ruột, muốn đi vùng đông để thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Đồng thời nắm thực tế tình hình cách mạng, thực tế chiến trường để cùng với các đồng chí trong Ban Thường vụ có sách lược, chiến lược thích hợp chỉ đạo phong trào trong tỉnh. Có đồng chí trong Thường vụ, trong Văn phòng Tỉnh ủy bàn lui, lo bác đi vùng sâu dài ngày khó bảo đảm an toàn. Bác thì quyết tâm, anh em bảo vệ cũng hăng hái lắm. Mấy đứa ở vùng đông càng thích. Vì các cậu có thể tranh thủ về thăm nhà.
Hồi xuống ở nhà ba mẹ tôi, bác Bốn Hương đã đi một lèo hết các xã ven biển mới mở ra. Đầu tiên vượt đường I, khúc ngoài cống Ba, Phú Phong; qua Đồng Tràm, băng bãi cát đến Bình Giang. Từ đây đi đò chợ Bà vượt sông Trường Giang sang Bình Dương, vào Bình Đào, Bình Hải, Bình Nam rồi mới tới Kỳ Anh...
Nằm tại vùng đông cả mươi ngày. Đến đâu cũng nhìn thấy nhân dân phấn khởi, khí thế, bác Bốn Hương đều được đồng bào chân tình che giấu đùm bọc. Mới giải phóng ra, thanh niên vùng đông ở 2 huyện Thăng Bình, Bắc Tam Kỳ thoát ly cả nghìn người. Phong trào cách mạng ở Kỳ Anh, Bình Dương dẫn đầu toàn tỉnh về nhiều mặt.
Kể lại chuyến đi vùng đông, bác Bốn Hương còn phân tích cho anh em trẻ như tôi rằng: “Dân mình đã bị địch đàn áp nhiều năm, khi họ đã vùng dậy thì khí thế ngút trời. Tình hình cách mạng ở vùng đông phát triển mạnh là nhờ đã có gốc rễ từ 9 năm kháng chiến chống Pháp. Đảng viên cũ còn ở lại khá nhiều, địch đàn áp, họ nằm yên, có thời cơ là vùng đứng dậy ngay. Số người đi tập kết đông. Cán bộ, đảng viên ở miền biển dùng ghe chạy vào Quy Nhơn, lên tàu ra miền Bắc thuận lợi hơn người miền núi. Ở đâu có đảng viên cũ nhiều, nhiều gia đình, dòng họ có người đi tập kết, thoát ly thì lực lượng nòng cốt cách mạng càng mạnh”.
(Còn nữa)
PHẠM THÔNG