Kỷ niệm với một Bí thư Tỉnh ủy (tiếp theo và hết)

PHẠM THÔNG 08/01/2013 09:31

Tháng 10.1964, xã Kỳ Anh thành lập trung đội du kích đầu tiên của xã; hơn hai phần ba là anh em binh sĩ bị địch bắt đi quân dịch nghe quê hương giải phóng bỏ ngũ về quê tham gia du kích. “Tất cả họ đều có anh, có cha chú đi tập kết miền Bắc hoặc là đảng viên cũ cả. Sống trong vòng kiềm tỏa của chúng thì phải đi lính cho chúng thôi. Gặp cơ hội họ lập tức quay về với ruột thịt, máu mủ của mình. Vùng đông Quảng Nam là vậy đó” - bác Bốn Hương nói.

  • Kỷ niệm với một Bí thư Tỉnh ủy

Tôi xin phép bác chen vào câu chuyện: “Ở sát biển, xa căn cứ nhưng cách mạng dễ bắt mối liên lạc gầy dựng cơ sở thông qua các bà, các chị bán mắm phải không bác. Họ gánh mắm đi khắp mọi miền, lên tuốt núi cao, rảo khắp các làng quê. Hồi ở nhà nghe mẹ nói đi bán mắm trên nguồn, gặp các chú các anh mãi. Có khi mẹ giấu được tài liệu đem về biển đưa cho mấy người cơ sở đọc. Có phải đó cũng là một thuận lợi phải không bác”. Bác khen, thằng con nhà nòi nói nghe được, rồi tiếp tục: “Bây giờ, địch lấn chiếm lại gần hết vùng đông, bà con mình ở dưới đó đang đối mặt với kẻ thù, còn phải chịu đựng gian khổ, hy sinh nhiều... Bác nghe báo cáo tình hình, xã nào chúng cũng đóng nhiều đồn bót, kềm dân mình cứng ngắt. Mấy năm trước, thanh niên các xã vùng đông thoát ly nhiều vô kể, bây giờ thì khó móc được một người. Thoát ly ra vùng giải phóng, chúng sẽ đốt nhà, giết cha mẹ. Mối quan hệ gia đình đã ràng buộc họ. Các đồng chí ở Đội công tác các xã vùng đông vô ra khu dồn, lên xuống đường 1 hy sinh nhiều lắm. Thiếu người bổ sung, rồi đây tuổi trẻ như các cháu có khi phải tăng cường ngược về dưới cơ sở”.

Bất giác, bác nhìn về phía đông dãy Trường Sơn, nơi ấy là đồng bằng Quảng Nam, hình như mắt bác ngấn lệ... Có lẽ, như người ta nói, bệnh nhân vào viện, nằm giường như nhau, ở đây còn là bệnh viện kháng chiến, càng không phân biệt thân phận. Vì thế, chúng tôi là lính thường mới có thể nghe bác Bốn Hương tâm sự nhiều chuyện như một người thân. Gần bác chỉ hơn một tuần lễ mà tôi tiếp thu được ở người lính già, một vị lãnh đạo cao cấp, người ở thế hệ cha chú này rất nhiều bài học. Ấn tượng về bác Bốn Hương thật là sâu sắc.

Bác ra viện, sau 2 tuần tôi cũng trở về đơn vị. Đến đơn vị, tôi lại nhận được giấy giới thiệu ra miền Bắc, do bác Bốn Hương ký. Có lẽ trong lúc nằm viện, bác đã hỏi về bệnh tình của tôi nên đã bàn với bác Hoàng Minh Hiệu - Phó Ban Giáo dục Khu 5, thủ trưởng trực tiếp của tôi, quyết định cho tôi đi bắc chữa bệnh và học tập.

Năm 1984 tôi gặp lại bác Bốn Hương tại buổi lễ truy điệu bác Vũ Thiếp (nhà thơ Vũ Dương) tại nghĩa trang liệt sĩ thị xã Tam Kỳ. Bác vẫn giản dị như thời kháng chiến. Bác hỏi thăm ông, mẹ và công tác của tôi, rồi đột nhiên nhớ về chuyện ngày xưa: “Cháu nè, thằng Tính nằm cùng với cháu một phòng tại bệnh viện năm xưa đã hy sinh trong một trận chống càn tại xã Íp (Trà Dơn) cũng vào năm 1971 đó, cháu có biết không. Tội nghiệp cháu ấy, cuộc chiến đã để lại nỗi đau cho nhiều gia đình, không thể bù đắp được. Bác chừ già rồi, các cháu còn trẻ cố mà công tác cho thật tốt nhé”. Bác chỉ tay vào hàng hàng mộ liệt sĩ trong nghĩa trang, bảo: “Cháu thấy đấy, các cháu phải sống như thế nào để xứng đáng với máu xương của đồng bào, đồng chí đã đổ xuống trong các cuộc kháng chiến vừa qua. Như anh Vũ Dương, có mặt trong hàng ngũ đấu tranh từ những ngày đầu chống Pháp, chống Mỹ, thế mà sau khi miền Nam được giải phóng vài tháng, anh mất vì di chứng của chiến tranh. Đến bây giờ, theo nguyện vọng của gia đình, Tỉnh ủy mới tổ chức cải táng mộ anh ấy về đây. Đời anh Dương trải dài theo các cuộc kháng chiến, mới hưởng hòa bình được vài tháng đã vội vã ra đi. Thật là đáng tiếc!”.

Trong những năm gần đây, có điều kiện cùng nghiên cứu thẩm định một số công trình lịch sử do Ban Tuyên giáo Quảng Nam xuất bản, tôi càng được biết thêm nhiều về bác Bốn Hương. Từ những năm 1939 - 1945, tại làng Phương Trì, xã Quế Phú chàng thanh niên Vũ Trọng Hoàng (Bốn Hương) đã hoạt động trong phong trào Thanh niên phản đế, bị bọn thực dân phong kiến cầm tù nhiều năm ở Hội An. Trong thời Việt Minh, bác là Bí thư Huyện ủy Quê Sơn, Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Quảng Nam. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ bác ở lại chiến trường miền Nam, nếm mật nằm gai, chịu đựng hy sinh, gian khổ cùng đồng bào, đồng chí suốt dọc dài 20 năm chống Mỹ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất Tổ quốc, bác giữ chức vụ Phó ban Tổ chức Trung ương Đảng mãi cho tới ngày về hưu. Những năm về già, bác sống cùng gia đình trong một ngôi nhà đơn sơ, do Nhà nước cấp tại Đà Nẵng. Nghĩ về, nhớ về cuộc đời hoạt động cách mạng của bác Bốn Hương, có lẽ giai đoạn từ năm 1963 đến tháng 9.1968, bác làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam là quãng đời để lại nhiều dấu ấn lịch sử trên quê hương đất Quảng. Tên tuổi bác Bốn Hương gắn liền với phong trào đồng khởi, mở ra giải phóng gần như toàn bộ vùng nông thôn đồng bằng Quảng Nam vào những năm 1964 - 1965. Cũng chính trong giai đoạn này, Quảng Nam nổi lên là quê hương “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Trong đó, vai trò của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là không nhỏ. Ghi nhận công lao to lớn của bác Bốn Hương, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng nhất và nhiều tặng thưởng cao quý khác.

Bây giờ, bác Bốn Hương đã trở thành người thiên cổ, nhưng bên tai tôi như luôn vọng lại lời dặn dò của ông tại nghĩa trang Tam Kỳ cách đây hơn 25 năm và cả cái thời khắc tít tắp trên dãy Trường Sơn trùng điệp năm xưa. Bác là hình ảnh của sự trọn vẹn, thanh cao mà gần gũi. Bác Bốn Hương đã có công góp phần dìu dắt nhiều thế hệ cán bộ của tỉnh Quảng Nam và của cả Khu 5 trưởng thành.

PHẠM THÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỷ niệm với một Bí thư Tỉnh ủy (tiếp theo và hết)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO