Kỳ tích mở đường

TRẦN CÔNG TÚ 01/02/2022 08:45

(Xuân Nhâm Dần) - 25 năm sau ngày tái lập, hệ thống giao thông Quảng Nam đã phát triển vượt bậc, đảm đương sứ mệnh lưu thông “mạch máu” kinh tế - xã hội.

Cầu Giao Thủy. Ảnh: QUỐC HUY
Cầu Giao Thủy. Ảnh: QUỐC HUY

Năm 1997, hạ tầng đường bộ của Quảng Nam có khoảng 253km quốc lộ (QL), 602km tỉnh lộ (ĐT), 1.087km đường huyện (ĐH) và 3.015km giao thông nông thôn (GTNT). Tuy nhiên, cả tỉnh lúc bấy giờ mới có vỏn vẹn 20% là mặt đường nhựa, chủ yếu là QL và một phần ĐT, còn lại toàn là mặt đường đá, đường đất.

“Thời điểm ấy ở tỉnh lỵ Tam Kỳ, đường sá chỉ có 6 ngã ba, chưa có ngã tư nào. Nhìn chung, hạ tầng giao thông khi mới tái lập tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân” - ông Lê Văn Hinh, nguyên Giám đốc Sở GTVT kể lại.

Trước thực trạng trên, Sở GTVT đã tham mưu lãnh đạo tỉnh bố trí cho ngành 300 triệu đồng để thực hiện quy hoạch lại hệ thống GTVT. Quy hoạch đến đâu thì cắm mốc đến đó và tỉnh giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo quản lý chặt chẽ, nếu không sẽ bị kỷ luật.

Quá trình lập quy hoạch, Sở GTVT chủ trương giữ cho được hiện trạng sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà, các tuyến đường thủy nội địa. Ngành còn tham mưu kiến nghị Bộ GTVT cho nối dài QL hiện hữu, nâng một số tuyến ĐT lên thành QL; chuyển về trung ương trực tiếp quản lý nhiều tuyến đường thủy.

Ông Lê Văn Hinh nhớ lại, quy hoạch tỉnh lỵ Tam Kỳ dự tính lần lượt hình thành tổng cộng 107 ngã tư. Nhưng nguồn lực ở đâu mà đầu tư cho hạ tầng GTVT nói chung và Tam Kỳ nói riêng là bài toán khó. Giải pháp trước mắt là lấy đất đổi hạ tầng. Nghĩa là, đất nằm hai bên đường đã quy hoạch sẽ được bán, nguồn thu tập trung đầu tư mở đường.

Với cách làm trên, đường Hùng Vương mở ra đúng mặt cắt quy hoạch rộng 48m, tỉnh còn dành quỹ đất bố trí làm Quảng trường 24.3. Không lâu sau, lần lượt nhiều tuyến đường khác tại tỉnh lỵ mở ra, như Nguyễn Văn Trỗi, Trần Phú, Trần Quý Cáp, Lý Thường Kiệt…

Sở GTVT còn tham gia góp ý, góp phần hình thành Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy về chương trình phát triển GTNT, miền núi. Ngày 13.4.2001, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 19 về quy chế quản lý tài chính đối với kiên cố hóa kênh mương và GTNT (hay còn gọi là Cơ chế 19).

Nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - ông Võ Hồng chia sẻ, Cơ chế 19 đã huy động sức mạnh tổng hợp và được đông đảo nhân dân hưởng ứng, đóng góp sức người, sức của theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Chỉ trong vòng 3 năm 2001 - 2003, toàn tỉnh đã bê tông hóa được hơn 2.000km, kỳ tích trên tạo tiếng vang lớn trong cả nước.

Ông Lê Văn Hinh nhìn nhận, diện mạo Quảng Nam có được như ngày hôm nay đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Từ khi mới tái lập, tập thể Tỉnh ủy đã đưa ra những quyết sách đúng đắn khơi thông “huyết mạch” nền kinh tế. Nhìn lại 25 năm trước, giao thông ngay cả trung tâm tỉnh lỵ vẫn còn khó khăn, thì nay đã kết nối đến vùng sâu vùng xa, tạo cơ hội phát triển cho nhiều vùng đất xứ Quảng...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ tích mở đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO