Ký ức bếp nghèo

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 19/01/2023 08:49

(VHQN) - “Nắng chiều đã tắt ngoài hiên/ Trong gian bếp nhỏ mẹ hiền làm cơm…”. Bài học thuộc lòng thời tiểu học bắt đầu từ hai câu ấy lại hiện lên, khi tôi nhìn bức ảnh cũ của cái bếp nhỏ ở quê. Tôi cũng có một gian bếp như vậy suốt thời thơ ấu…

Một góc bếp. Ảnh: L.T.K
Một góc bếp. Ảnh: L.T.K

Bếp trong ngôi nhà Việt

Tiến sĩ Pierre Gourou (1900 - 1999) là nhà sử học, địa lý học có nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam, trong đó có “Nhà ở Việt Nam - miền Tây và Trung Trung Kỳ” (1936). Ông cho biết nhà là nơi thể hiện sự quan tâm về tâm linh và tín ngưỡng tôn giáo quan trọng, khiến những ai hiểu sâu đều phải biết về gia đình, xã hội và tâm hồn Việt Nam.

Trong bình đồ của ngôi nhà vùng bắc Trung Bộ: “Đầu bên trái ngôi nhà là bếp, hoặc nó chiếm một gian hoặc người ta làm thêm một gian phụ liền vào nhà và không cùng một kết cấu…”.

Vào đến đồng bằng Trung Trung Bộ: “Một lối đi bên trong nối phòng phụ nữ với nhà bếp. Bếp là ngôi nhà nhỏ vì nó được giữ gìn sạch sẽ nên có vài chi tiết thú vị, những chum nước ăn trước cửa sổ bếp, ngoài sân có một cái giếng cung cấp nước sinh hoạt…”.

Gourou dành thời gian quan sát ngôi nhà Việt Nam từ Quảng Nam đến Bình Định dưới tác động rõ rệt về địa lý và khí hậu do đèo Hải Vân tạo ra. Ông đã khảo sát những ngôi nhà nghèo ở Miếu Bông, nhà rường lợp ngói ở làng Bất Nhị và cả ở Nông Sơn, rồi vào đến Sa Huỳnh lẫn Bình Định để xác định rằng khác với đồng bằng Bắc Bộ, nơi mà vị trí căn bếp có thể thay đổi do địa hình, căn bếp trong căn nhà miền Trung đều nằm bên trái ngôi nhà chính, theo hướng nhìn ra sân và nối với nhà chính bằng một lối đi có mái.

 

“Trong quá trình Nam tiến, người Việt biết giữ thói quen xây dựng của mình và ảnh hưởng ngự trị trong bình đồ và trong kết cấu của ngôi nhà, chính là sự thống nhất của dân tộc Việt Nam…”, Gourou khẳng định.

Ngôi nhà chính thường quay về hướng nam, gồm có bàn thờ tổ tiên và đôi khi một bàn thờ cúng thần, nơi dành cho đàn ông nằm trước bàn thờ tổ tiên. Phía bên trái nhà là nơi của phụ nữ, đặt vài cái rương giữ của quý gia đình và đồ dự trữ. Theo một quy tắc tuyệt đối ở phía nam Thanh Hóa, bếp được đặt bên trái của gian phụ nữ và nối liền với lối đi có mái. Bếp hoặc nằm liền kề nhà hoặc là một nhà dựng thẳng góc với nhà chính…

Bếp trong ngôi nhà của ông tôi

Tôi rời làng năm 13 tuổi vì chiến tranh. Nhưng trong ký ức tuổi thơ tôi vẫn còn giữ nhiều hình ảnh về ngôi nhà của ông bà, xây dựng bằng khung gỗ, lợp tranh săn có từ hơn một trăm năm trước trong khu vườn chung. Ông nội bác của tôi ở trong ngôi nhà của cụ tằng, cụ cố để lại. Ông nội tôi là con thứ, nội chú là con út nên ở các ngôi nhà hai bên tả hữu và nhìn ra cái sân chung.

Trở lại với ngôi nhà ông nội bác đang ở, đó là ngôi nhà ba gian nhìn về hướng đông nam. Gian giữa là bàn thờ tổ tiên, phía trước có bộ phản để ông ngủ và đón khách vào ngày tết. Từ nhà nhìn ra, phía trong cùng gian bên phải là chiếc giường tre cho con trai nằm, có cửa sổ nhìn ra hàng tre.

Gian trái, bên trong là giường ngủ của bà và con gái, phía trước có một tủ rương bằng gỗ có bánh xe để chứa đồ dùng. Ngoài cùng gian trái là cái cửa ngạch xuống ngôi nhà ngang, có vách làm bằng phên đất, có lẽ để tránh hỏa hoạn. Trong căn nhà ngang ấy, phía sau cùng để mấy khung cửi dệt vải, có cái gác nhỏ trên hai vì kèo để chứa lương thực và phía ngoài cùng là căn bếp.

Vách đất ở căn bếp có chừa nhiều lỗ trống rộng chừng 4 tấc vuông, vừa để khói bếp thoát ra ngoài, vừa có thể nhìn ra khoảng sân chung. Phía trên bếp là cái giàn nhỏ bằng tre để gác và hong khô một ít củi tre dự phòng, nhất là mùa mưa lụt.

Chung quanh ông Táo của bếp chính, ông tôi lát một bờ đá chẻ cao hơn độ 2 tấc để mấy cái tĩn, hũ bằng sành chứa mắm muối và cả một ít hạt giống trộn chung với thầu đâu (sầu đông) băm nhỏ, phơi khô để chống côn trùng, mối mọt. Có một ống tre lớn dựng đứng cạnh bếp, ông tôi xẻ thành những lỗ miệng để các thứ linh tinh như đũa trui, đũa bếp.

Cái ống thổi lửa là ống tre nhỏ không có mắt đặt cạnh rế lót nồi cũng đan bằng tre, để tiện tay cầm lấy lúc nhen lửa. Vài chiếc gióng con đan bằng mây, móc lên giàn tre. Đó là chỗ treo các om đất, trã cá sau bữa ăn để tránh mèo chuột… Mỗi sáng tinh mơ, ông dậy thật sớm, nhen lửa nấu một nồi nước chè lá và nấu ít khoai sắn cho bữa điểm tâm, trước khi dắt trâu, vác cày ra ruộng…

Hồi tưởng căn bếp quê nhà nghèo của ông bà tôi từ trước chiến tranh mà lòng rưng rưng. Ngày xưa trong căn bếp nhỏ không còn bóng của bà, mỗi sáng ông vẫn dậy sớm, nấu nồi nước chè xanh, vài củ khoai luộc điểm tâm rồi nhìn cái ống thổi lửa và đọc hai câu thơ: “Đũa trui đũa bếp có đôi/ Cái ống thổi lửa mồ côi một mình”...

Sau này, cha tôi vẫn nhắc lại câu hát ấy và nó in đậm vào trí nhớ của tôi cho đến tận bây giờ. Tôi nhớ câu hát cũ, nhớ ngôi nhà xưa và cũng nhớ rằng, trong mỗi căn nhà, dù là sang hay hèn, chính căn bếp mãi là nơi gìn giữ hơi ấm của mỗi đời người…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức bếp nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO