Cuối năm 1980, người dân ở cửa biển Thuận An, tỉnh Thừa Thiên Huế, kể cả bộ đội biên phòng nơi này không rời mắt khỏi nhóm thanh niên Quảng Nam đang hì hục đào chiếc tàu bị chôn lấp dưới bùn lên để sửa chữa và mang về quê. Lúc đó nhiều người tưởng chiếc tàu này rồi sẽ sử dụng để vượt biên. Nhưng đây là chiếc tàu để khai mở nghề lưới vây ở cửa biển Kỳ Hà.
Mua tàu chết
Thời điểm sau ngày giải phóng, ngư dân ở cửa biển Kỳ Hà, huyện Núi Thành chỉ chuyên làm những nghề đánh bắt nhỏ, như đi câu, giã cào… Ba anh chàng Nguyễn Đông, Nguyễn Lý, Dương Dũng năm đó đã ở tuổi 30 và thường ngồi mơ chuyện đánh bắt theo cách của ngư dân Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, từ đó phát triển dần lên tàu hiện đại. Ông Đông nhớ lại, anh em thường nói với nhau là: “Kiếm cái nghề chi để phát triển hơn, quây một phát là gom cá về, trút dưới hầm, chạy cái rẹt vô bán, thì may ra mới phát triển được, chứ loanh quanh trong lộng khó mà khá nổi”.
Vào thời điểm đó nạn vượt biên trốn đi nước ngoài còn rất nóng, rất là ở các xã ven biển của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại địa phương này có 2 chiếc tàu cá làm nghề giã cào, đi cặp để đánh bắt, nhưng bị một số thanh niên địa phương lấy một chiếc chạy sang Hồng Kông (Trung Quốc), chỉ còn 1 chiếc lẻ và không có người quản lý nên tàu bị chìm sâu dưới bùn. Tin về chiếc tàu bị phế bỏ và để lâu thì sẽ mục nát đến tai của nhóm ngư dân trẻ ở cửa biển Kỳ Hà. Vậy là anh em lên đường để cứu chiếc tàu chết.
Ông Đông nhớ lại, khi ra tới nơi thì thấy cảnh tượng cũng ngán, chiếc tàu chìm và bùn phủ lên, thân tàu tróc sơn, rêu mốc. Anh em ngư dân ở Kỳ Hà phải báo cáo chính quyền và bộ đội biên phòng về mục đích trục vớt con tàu này lên là để sửa lại, mang về quê làm nghề đánh bắt hải sản. Còn những thanh niên ở cửa biển Thuận An thì lúc đó vẫn chưa tin lời của các ngư dân Quảng Nam và nhiều người nhìn về phía con tàu rồi lại nói với ngư dân những câu nửa vời, khó hiểu…
Những ngày mùa đông ẩm ướt, mưa tuôn, nhưng nhóm thanh niên ở Quảng Nam vẫn không rời chiếc tàu suốt gần 2 tháng. Nhiều người ở địa phương đã đến trợ lực để kè phao, nâng chiếc tàu này lên khỏi mặt nước. “Lúc đó không hiểu sao mà có mấy người ở Thuận An họ nhiệt tình với mình dữ dằn. Nói chi họ cũng giúp. Có lúc là dây, phao, neo, cần gì thì có nấy, nhưng lúc trục xong tàu rồi thì họ mới nói nhỏ là có đi vượt biên thì cho họ xin 1 suất” – ông Đông cười và kể lại kỷ niệm khó quên.
Tàu sống về quê
Con tàu chết cuối cùng cũng được cứu sống trở lại và chạy về quê. Chiếc máy thủy hiệu Yanmar 82 CV được các ngư dân gọi là máy 3 lốc đầu bạc vẫn nổ giòn. Tàu nổi bật về chiều dài so với đám tàu chỉ dài chừng mươi mét ở cửa biển Kỳ Hà. Ngày đưa tàu đưa về quê, vài ngư dân đã nhắc tới chuyện đốt pháo ăn mừng có tàu lớn đi nghề lưới vây đầu tiên. Tuy nhiên những chàng ngư dân trẻ thời đó lo lắng về mô hình hợp tác có thành công hay không, nên không dám treo pháo đốt. Mọi người nhắc nhau là muốn thành công thì phải “đoàn kết, đại đoàn kết” như lời Bác Hồ thì mới duy trì được lâu, nếu không thì con tàu này sẽ lại chết một lần nữa.
Mô hình để duy trì hoạt động của tàu là nhóm hợp tác xã 10 ngư dân, tàu được đặt tên là Tam Kỳ 1, thuộc Hợp tác xã Quyết Tiến 1, do ông Dương Dũng làm thuyền trưởng. Những cuộc họp nhóm đầu tiên của các ngư dân là “đánh bắt xong, trừ phí tổn, còn chia đều lợi tức cho anh em để trả nợ, sau này có điều kiện phát triển”.
Những phiên lưới đầu tiên đánh bắt chưa thành công, các thành viên trong hợp tác xã Quyết Tiến 1 càng lo lắng. Bởi nghề lưới vây còn mới mẻ và các ngư dân đi bạn phải học cách đánh lưới, thuyền trưởng thì phải biết cách chạy cho lưới bao đàn cá, các ngư dân sử dụng mắt để quan sát cá chứ không có máy dò tín hiệu như hiện nay. “Các ông ngư dân thi nhau trổ tài quan sát mặt nước xem màu bạc bạc, trăng trắng kia là đàn cá nục, hay cá cơm suông”.
Bước sang đầu năm 1981, chiếc tàu Tam Kỳ 1 chính thức trở thành con tàu đánh bắt vượt qua tất cả tàu ở cửa biển. Cứ sáng sớm thì tàu mở biển, đến chiều trở về bến. Dù chỉ đánh bắt 1 ngày, nhưng lượng cá trên tàu sau mỗi chuyến biển đạt đến 3 - 5 tấn. Mỗi khi tàu Tam Kỳ 1 trở về thì bến cá lại nhộn nhịp mặt hàng cá nục xanh, cá chim, cá cơm. Thời điểm còn mua bán nhỏ lẻ, hàng thủy sản chủ yếu cung cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, vì vậy nếu đánh được quá nhiều cá thì đôi khi việc bán hàng cũng phải chờ.
Người dân ở cửa biển Kỳ Hà thấy tàu Tam Kỳ 1 làm nghề lưới rút quá thành công nên bắt đầu cũng rục rịch tính chuyện chuyển đổi. Thu nhập mỗi phiên biển chắc kiếm tới mấy chỉ vàng - bà con râm ran bàn tán như vậy và 10 ngư dân trong nhóm hợp tác chỉ cười. Đến năm 1982, nhóm ngư dân quyết định mua thêm 1 chiếc tàu nữa và đặt tên là Tam Kỳ 2, lúc đó thì ngư dân địa phương mới bắt đầu đoán già đoán non về thu nhập của nhóm hợp tác xã này, vì mua 1 chiếc tàu thời đó khoảng 40 cây vàng.
"Cú hích" Tam Kỳ 1
Ông Đông hiện nay đã là lão ngư dân 72 tuổi, ông luôn nhắc đến cái tên hợp tác xã Quyết Tiến 1 và cái tên này vẫn còn tồn tại trên con tàu của người con trai lớn của ông. Năm 2017, ngư dân Nguyễn Thanh Tiến, con trai của ông Đông đã đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67, chiếc tàu này được đặt tên là Quyết Tiến. Cái tên Quyết Tiến càng gợi cho ông nhớ lại những năm tháng gầy dựng nghề lưới vây trên tàu Tam Kỳ 1, sau đó phát triển tiếp tàu Tam Kỳ 2, Tam Kỳ 3.
Khi tàu Tam Kỳ 2 ra đời, ông Đông chuyển sang làm thuyền trưởng và 10 người trong nhóm hợp tác xã Quyết Tiến 1 được phân đôi, cứ nhóm 5 người quản lý và chia lợi tức từ 1 chiếc tàu. Hai chiếc tàu ra đời sau này có máy thủy lên đến 110 CV. Kỷ niệm về thời gian gần 2 tháng hì hục dưới bùn để đào chiếc tàu ở cửa biển Thuận An mang về cửa biển Kỳ Hà thỉnh thoảng vẫn được các ngư dân trong nhóm hợp tác xã kể lại. Và kỷ niệm đó cũng chính là sợi dây kết nối họ gắn bó với nhau để tiếp tục phát triển.
Năm 1985, trước thời kỳ đổi mới, nhưng ngư dân ở cửa biển Kỳ Hà đã học theo cách đánh bắt của nhóm hợp tác xã và nhanh chóng tự đổi mới, thay đổi nghề lưới. Đó là bước ngoặt của ngư dân địa phương, vì thu nhập từ nghề lưới vây tăng hơn. Một số ngư dân trong nhóm hợp tác xã Quyết Tiến 1 bắt đầu tính tới việc thành lập tàu riêng để anh em, cha con trong gia đình đi đánh bắt. Vì thời điểm đó, biển còn rất nhiều cá và nghề lưới vây đã mang lại cho họ thu nhập khá ổn định, chỉ mở mang thêm tàu thì mới có thể giúp được người thân chưa có điều kiện vào hợp tác xã.
“Cuối đời chú có tới 3 người con trai nối nghiệp, 3 chiếc tàu lớn làm nghề lưới rút. Loại lưới bây chừ thì mặt lưới cao tới 150 mét, gấp 3 lần lưới tàu Tam Kỳ 1” - ông Đông chia sẻ câu chuyện khởi nguồn nghề lưới rút ở cửa biển này vào một buổi chiều xế bóng.