Trong ký ức của những cựu binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đang sinh sống tại TP.Tam Kỳ, vẫn lưu giữ nguyên vẹn “hào khí” làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” 60 năm trước.
Đã 60 năm trôi qua, nhưng mỗi khi có dịp nhắc nhớ về thời “hoa đỏ Điện Biên”, cảm xúc lại theo ký ức ùa về với cựu chiến binh Lê Văn Thạo (83 tuổi, trú khối phố 4, phường An Sơn, TP.Tam Kỳ). Ông Thạo kể, ông quê Yên Định, Thanh Hóa, năm 1952 tốt nghiệp Trường Quân y Liên khu 4 (Nghệ An). Cuối năm 1953, Pháp đổ quân chiếm đóng ở Điện Biên. Năm 1954, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đảm nhiệm chức vụ Tổ trưởng một tổ đón tiếp thương binh, tham gia cứu chữa cho các chiến sĩ trực tiếp cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận. Vì vậy, ông có dịp tiếp xúc và cảm nhận sâu sắc hơn về tinh thần quả cảm, sự hy sinh quên mình vì độc lập, tự do của dân tộc từ những thương binh. Ông cảm nhận, đó chính là cội nguồn làm nên sức mạnh để quân dân ta cùng vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Ông Lê Văn Thạo kể lại câu chuyện khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Nhắc lại thời điểm lịch sử của 60 năm trước, ông Thạo xúc động: “Chiến tranh diễn ra hết sức khốc liệt, điều kiện cứu chữa thương binh lúc bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Do thiếu thuốc men, cho nên việc xử lý vết thương chủ yếu bằng thuốc đỏ, kháng sinh được sử dụng rất hạn chế, thay vào đó là muối được sử dụng nhiều cho việc sát trùng vết thương. Do thiếu màn nên 4 thương binh cùng sử dụng chung một tấm màn che tránh ruồi nhặng bâu vào vết thương. Bấy giờ chỉ có bông gạc là bỏ đi, còn băng được giặt, làm vệ sinh để sử dụng lại. Khó khăn, thiếu thốn mọi mặt nhưng tinh thần của mỗi người đều chung một tâm thế cao nhất: Phải đánh thắng Pháp ở Điện Biên!”.
Bà Dương Thị Hồi với kỷ vật trong kháng chiến. Ảnh: HÀN GIANG |
Cũng theo cựu binh Lê Văn Thạo, khi đón nhận thông tin cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của ta được cắm trên cứ điểm Him Lam, ông cùng các y - bác sĩ đã vỡ òa niềm vui sướng. “Dự cảm về một chiến thắng vang dội, nhưng cái cảm xúc lúc đó đã để lại trong tôi một ấn tượng mãnh liệt, khó quên. Nó trở thành động lực luôn thôi thúc tôi phấn đấu trong suốt cuộc hành trình từ trước đến nay” - ông Thạo tâm tình.
Cơ duyên với Quảng Nam Năm 1972, ông Lê Văn Thạo vào Quảng Nam - Đà Nẵng, là cán bộ chủ chốt hoạt động trong ngành quân y. Đến năm 1975, khi đất nước thống nhất, ông xin về quê hương Thanh Hóa sinh sống, nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam lúc ấy đã thuyết phục ông ở lại. Vậy là ông về quê Thanh Hóa đem vợ con vào sinh sống tại phường An Sơn, Tam Kỳ cho đến nay. Năm 2003, ông về hưu nhưng vẫn tích cực hoạt động trong việc tìm mộ liệt sĩ đồng hương Thanh Hóa. Trong tổng số 1.020 quân kết nghĩa tình nguyện của Thanh Hóa - Quảng Nam xưa thì hầu hết đã hy sinh. Hiện các phần mộ của các liệt sĩ nằm rải rác trong ở 40 nghĩa trang trong tỉnh Quảng Nam. Ông cùng các thành viên trong Hội đồng hương Thanh Hóa tại Quảng Nam đã tìm được 295 phần mộ. Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn luôn giữ trong lòng tình yêu và nhiệt huyết, vẫn cố gắng và mong mỏi một ngày nào đó sẽ tìm ra hết các liệt sĩ đồng hương của mình đã hy sinh và ngã xuống trên mảnh đất Quảng Nam. |
Còn với bà Dương Thị Hồi (SN 1938, khối phố 5, phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ), ký ức về Điện Biên Phủ vẫn luôn theo về cùng những kỷ vật của một thời. Bà Hồi vốn quê ở Nam Định, cha mẹ hoạt động trong ngành quân khí đóng tại Cao Bằng. Bà đăng ký đi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ khi 16 tuổi. Nhắc lại những năm tháng tuổi trẻ, bà chia sẻ: “Để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, thanh niên khắp nơi hăng hái đăng ký tham gia. Thời điểm ấy, không khí thanh niên lên đường làm nghĩa vụ, phục vụ chiến dịch Điên Biên Phủ sôi nổi, mạnh mẽ như một dòng thác lớn. Hai anh trai đã lên đường tham gia chiến dịch, rồi chị gái cũng chuẩn bị đi đăng ký tham gia. Ở cái tuổi 16, tôi chưa thể hình dung đầy đủ về tính chất khốc liệt, sự hy sinh mất mát ghê gớm của cuộc chiến này, dù nhận thức rất rõ rằng nói đến chiến tranh là có tổn thất, hy sinh. Lúc ấy thấy thanh niên làng trên xóm dưới cứ nô nức, phấn khởi lên đường, tôi cũng chộn rộn lắm. Thế rồi tôi lén gia đình đi đăng ký tham gia. Thấy tôi còn nhỏ nhưng lại có quyết tâm cao nên đoàn tiếp nhận đồng ý cho tôi đi. Tôi được cho đi trước cả chị tôi, đi được khoảng 2 tháng thì chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra”.
Trong câu chuyện với chúng tôi về Điện Biên Phủ của 60 năm trước, bà Hồi tay luôn mân mê các kỷ vật gồm bi đông đựng nước, bộ dụng cụ y tế, những vật dụng luôn theo sát bà trong thời gian tham gia chiến dịch. Những kỷ vật này cũng đã có quãng thời gian dài cùng bà phục vụ công tác y tế cho đến ngày đất nước thống nhất. Bà Hồi nhớ lại, do tuổi còn nhỏ, chưa được qua đào tạo chuyên môn nên trong chiến dịch Điện Biên Phủ bà được biên chế vào bộ phận tải thương binh về tuyến sau cứu chữa, tham gia chăm sóc vết thương. Được một thời gian, bà được lựa chọn và đưa sang đào tạo tại Phân viện Quân y 7 đóng tại Cao Bằng, chuẩn bị nhân lực ngành y tế cho cuộc kháng chiến trường kỳ sau này.
Chiến tranh đã lùi xa, hòa trong dòng ký ức của những người cựu binh như ông Thạo, bà Hồi luôn thường trực một nhận thức: Dám đánh và đánh thắng một đội quân đội hùng mạnh, được trang bị các loại vũ khí hiện đại như Pháp, sau này là Mỹ không phải vì chúng ta là một dân tộc hiếu chiến. Mà vì chúng ta là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, khát vọng tự do, độc lập. Đó là lý tưởng sống mà các thế hệ cha anh đi trước đã lựa chọn, theo đuổi và cũng là hành trang gửi gắm cho thế hệ cháu con hôm nay.
HÀN GIANG