Sự biến chuyển rõ rệt từ tâm thế của địa phương để phát triển du lịch khi Đề án phát triển du lịch huyện Núi Thành giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với những tính toán dài hơi và căn cơ mở ra nhiều cơ hội cho vùng đất phía nam tỉnh...
Từ một đề án
Không chờ đợi một cách thụ động, Đề án phát triển du lịch huyện Núi Thành giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của huyện là một bước đệm để vừa phát huy nội tại, vừa tạo những tiền đề tiếp theo cho ngành du lịch. Hàng loạt giải pháp cụ thể đã được vạch ra, mang tính đồng bộ và căn cơ hơn trước đây. Cùng với việc đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch, Phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) huyện Núi Thành tham mưu UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân về phát triển du lịch, đồng thời quảng bá chủ động tiềm năng du lịch của địa phương. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất phục vụ du lịch tại các khu vực có các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử.
Tại biển Rạng - khu bãi tắm nổi tiếng, huyện đầu tư 4,5 tỉ đồng để xây dựng nhà điều hành, trạm quan sát, khu tắm nước ngọt, bãi để xe, nhà vệ sinh công cộng và thành lập ban quản lý, đội cứu nạn cứu hộ. Một điểm du lịch khá hấp dẫn khác, được nhiều người biết đến là hố Giang Thơm (Tam Mỹ Tây) cũng đã được đầu tư hơn 3,5 tỉ đồng để xây dựng cầu, đường giao thông, bãi để xe, nhà vệ sinh, bia danh thắng… Ngoài ra, hàng loạt công trình đầu tư tại các điểm di tích, danh thắng như Chùa Hang (Tam Nghĩa), nghĩa địa cá Ông (Tam Hải), di tích đình Khương Hội (Tam Hiệp), đình Xuân Mỹ Đông (Tam Hòa) được đầu tư từ hàng trăm triệu đồng đến nhiều tỉ đồng để xây dựng, cải tạo cảnh quan, trồng cây xanh…
Theo Phòng VH-TT huyện Núi Thành, ngoài những địa chỉ du lịch mang tính địa phương, tỉnh cũng đã thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô, tầm cỡ phục vụ cho du lịch trên địa bàn huyện. Đây là một tiền đề hết sức quan trọng, khi các doanh nghiệp đã bắt đầu “để mắt” đến Núi Thành như một điểm đến tiềm năng. UBND tỉnh có chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Bắc, tháp Giữa thuộc khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ (Tam Xuân 1) với tổng mức đầu tư 12,6 tỉ đồng; dự án tu bổ, nâng cấp nhà trưng bày, thư viện cộng đồng và đường vào Khu lưu niệm Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công (Tam Xuân 1) được xây dựng với tổng vốn đầu tư 76 tỉ đồng…
Đánh thức ngành du lịch
“Điểm nghẽn” trong hành trình làm du lịch ở Núi Thành bấy lâu là số lượng khách sạn, nhà hàng phục vụ khách du lịch còn quá khiêm tốn. Nhưng nay thì đã khác, nhìn thấy được lợi thế của ngành này, nhiều doanh nghiệp bắt đầu tiên phong xây dựng các công trình khách sạn lưu trú, nâng cấp sửa chữa những cơ sở lưu trú cũ để phục vụ cho du lịch với kinh phí có thể lên đến hàng chục tỉ đồng. Ông Phạm Văn Nên - Trưởng phòng VH-TT huyện, chia sẻ, thực hiện đề án phát triển du lịch, địa phương đã nỗ lực triển khai đồng bộ các nội dung, trong đó quan tâm đến công tác xã hội hóa tại các điểm du lịch, xây dựng cơ chế quản lý, phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức xã hội, doanh nghiệp, doanh nhân để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch. “Chúng tôi cũng đang tập trung xây dựng, phát triển và định hình các sản phẩm du lịch, tiến tới cải thiện môi trường du lịch, thu hút nhiều du khách đến với Núi Thành” - ông Nên nói.
Ba năm triển khai đề án, du lịch Núi Thành đã có những biến chuyển đáng mừng, củng cố niềm tin cho địa phương trong hành trình chạm tới giấc mơ du lịch. Các loại hình sản phẩm du lịch cũng được đa dạng như du lịch Làng Tranh (Tam Hải), du lịch biển (Biển Rạng - Tam Quang, Bãi Rạn - Tam Tiến); du lịch sinh thái (hố Giang Thơm, Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa, suối Nà Nghệ…), du lịch nhân văn… Bên cạnh đó, Núi Thành còn có những sản phẩm du lịch mang giá trị văn hóa phi vật thể như hát bả trạo, lễ hội cầu ngư, lễ cầu mùa, hội đua thuyền, lắc thúng…
Bước đầu, địa phương đã xã hội hóa các dịch vụ cho cộng đồng dân cư tham gia khai thác dịch vụ du lịch. Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, qua hơn nửa chặng đường thực hiện đề án, ngành du lịch địa phương có nhiều khởi sắc. “Lượng khách du lịch đến Núi Thành tăng lên đáng kể, góp phần phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân tại các điểm du lịch. Thời gian đến, huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu đề án theo hướng tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, thực hiện tốt công tác đảm bảo môi trường du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ. Đồng thời, quy hoạch tập trung vào một số điểm, không gian du lịch cụ thể có điểm nhấn trên địa bàn, có cơ chế ưu đãi, khuyến khích các tập thể, cá nhân đầu tư đóng góp và huy động nguồn lực trong xã hội phát triển ngành du lịch huyện Núi Thành” - ông An nói.