Hôm nay (1.4) là ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam. Cách đây 54 năm, cũng vào ngày này Bác Hồ đã về thăm làng cá Cát Bà – Cát Hải (Hải Phòng), để lại lời nhắn gửi cho muôn đời sau rằng “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”.
Hành trình “làm chủ” biển của dân tộc ta thật quá nhiều sóng gió, gian nan. Năm 1974, Trung Quốc đưa quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, nơi mà dân tộc ta đã thực thi chủ quyền liên tục nhiều thế kỷ trước. Năm 1988, Trung Quốc lại tổ chức lấn chiếm nhiều bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa, và ngày 14.3 đã nã pháo vào tàu của ta đang giữ đảo Gạc Ma. Trong trận Gạc Ma năm ấy, đã có 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh, đặc biệt là hình ảnh của Thiếu úy Trần Văn Phương trước khi ngã xuống đã hô lớn: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”.
Có bao nhiêu lá cờ trên 3.000km bờ biển, hơn 4.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn nhỏ của nước ta là bấy nhiêu máu xương anh linh thấm đỏ. Để thực sự “làm chủ” biển, những con tàu và những lá cờ đã vượt lên sóng gió, mang thông điệp của một đất nước khao khát hòa bình nhưng cũng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ sinh mệnh chủ quyền của Tổ quốc. Và, lá cờ ấy đã được trao truyền, tiếp tục được tô thắm với hành trình phát triển hướng ra biển. Một chương trình kinh tế biển đã xác định đến năm 2020, nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, kinh tế biển đóng góp 53 – 55% tổng GDP của cả nước. Trong đó có phần đóng góp quan trọng của ngành đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu.
Không ai ngây thơ tin rằng hành trình ra biển sẽ chỉ có nụ cười thân thiện trong bối cảnh tranh chấp biển Đông đang nổi sóng. Những hiểm nguy đang rình rập ngư dân ta trên biển hàng ngày. Vụ việc tàu Trung Quốc nã súng bắn cháy cabin tàu cá QNg 96382 TS của ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động nghề cá bình thường tại khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa vừa qua là chỉ dấu cho thấy mức độ vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Đặc biệt như lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị: “Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam”.
Lá cờ Tổ quốc cắm trên tàu cá QNg 96382TS trải qua một trận sóng gió nhưng đã được giữ vững bởi những ngư dân dũng cảm. Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã được trao cho những người trẻ tuổi, chủ tàu Bùi Văn Phải và thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh, như một sự tiếp nối thật diệu kỳ khúc tráng ca của biển. Nhưng mặt khác sứ mệnh giữ gìn chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc sẽ tiếp tục đặt nặng lên vai của thế hệ trẻ hôm nay.
NGUYỄN ĐIỆN NAM