“Lá phổi xanh” ở Gáo Giồng

NHỊ TRIỀU 20/07/2013 19:13

Trong chuyến “hành phương nam”, chúng tôi được Công ty Điện lực Đồng Tháp đưa đi tham khu du lịch sinh thái Gáo Giồng -  “lá phổi xanh” của vùng Đồng Tháp Mười, ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Bất chợt trong tôi vang vọng câu thơ của Bảo Định Giang được lưu truyền rộng rãi đến độ nhiều người lầm tưởng đấy là ca dao: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.

Xuất phát từ TP.Cao Lãnh, vượt qua quốc lộ 30 chừng 17km, rẽ vào tỉnh lộ 843 chật hẹp, ngoằn ngoèo, nhưng được thâm nhập nhựa phẳng phiu, hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi đến khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, nói theo cách nói của dân địa phương là vườn chim Gáo Giồng. Nơi đây nổi tiếng là “ốc đảo xanh” với cảnh quan thiên nhiên quyến rũ, đặc trưng cho vùng đất trũng Đồng Tháp Mười. Đập vào mắt tôi là dân cư vùng này thưa thớt, nhà ở dọc đường, phía trước là sông, phía sau là những cánh đồng “cò bay thẳng cánh”. Với chủ trương “dân ở tới đâu có điện tới đó”, khu vực này dù ở cách xa thành phố tỉnh lỵ, song Công ty Điện lực Đồng Tháp vẫn kéo điện tới, dù mỗi trạm biến áp mono chỉ thắp cho vài chục hộ dân. Nhờ có điện mà khu du lịch sinh thái Gáo Giồng mới thu hút mỗi năm hàng chục nghìn du khách; các trạm bơm điện nơi đây cũng hoạt động tích cực ngày đêm dẫn thủy nhập điền. Việc mưu sinh của người dân khá thuận lợi, bởi chỉ cần bước ra đồng là có cái ăn, nhưng nhà cửa lại tuyềnh toàng, che lợp sơ sài. Hầu như nhà nào cũng có ghe, xuồng phòng bị cho mùa nước nổi, mùa nắng thì phục vụ khách du lịch…

Chèo thuyền thăm rừng tràm giữa trưa hè nắng cháy.                                                                                                                                   Ảnh: NHỊ TRIỀU
Chèo thuyền thăm rừng tràm giữa trưa hè nắng cháy. Ảnh: NHỊ TRIỀU

Đến khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, nếu đứng ở một góc rừng thì chỉ nhìn thấy toàn cây lá và một khúc sông đào, không thể cảm nhận hết vẻ đẹp của ốc đảo. Vì thế ngay tại bìa rừng, người ta làm một đài quan sát cao hơn 30m, được lắp ghép bằng những thanh sắt to bản chắc chắn. Đứng trên đài cao quá tầm ngọn cây cao nhất, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi mới thấy hết vẻ đẹp của rừng. Thi thoảng những đôi chim vỗ cánh bay đi tìm mồi, chúng tôi vội lia máy ảnh ghi lại những bức hình đẹp nhất.

Một cô gái tuổi chừng mười tám, giọng Nam Bộ ngọt xớt làm hướng dẫn viên cho chúng tôi biết, rừng tràm Gáo Giồng có diện tích khoảng 1.700ha, trong đó có 250ha rừng nguyên sinh, với những bưng trấp, lung, bàu đầy sen, hoa súng, lau sậy, cà na, gáo v.v... Cách đây khoảng 30 năm, một đơn vị bộ đội đến giúp dân đào những con kênh, rộng 6 - 10m, sâu 1 - 2m, chia cắt các cánh rừng thành từng tiểu khu, vừa tiêu nước mùa lũ vừa giữ nước mùa cạn, nhất là hỗ trợ hữu hiệu cho công tác phòng chống cháy rừng. Cây cối nơi đây quanh năm xanh tốt. Đặc biệt, một sân chim rộng gần 40ha với nhiều loài chim sinh sống như trích mồng đỏ, cồng cộc, le le, diệc, vịt trời. Nhiều nhất vẫn là cò trắng, số lượng hơn cả chục nghìn con. Cô hướng dẫn viên lấy làm tiếc là đoàn đi vào buổi trưa, các loài chim đều bay đi kiếm ăn ở xa, xẩm tối mới về tổ. Không thể chờ xem chim về tổ, chúng tôi đành leo lên những chiếc xuồng ba lá, mỗi xuồng 3 - 4 người, được các cô gái trẻ, đồng phục bà ba màu hồng nhạt, đưa xuồng lướt đi trên những con rạch nhỏ, vào sâu trong các cánh rừng. Tiếng cười nói râm ran làm những con nhan điển với cái cổ thon dài đang bơi lặn bắt cá, giật mình tung cánh bay lên, những con cá lóc, cá chốt, cá lăng cũng chui ra khỏi đám rong reo, quẫy đuôi lặn mất.

Cô hướng dẫn viên cho biết, do chúng tôi đi vào mùa hè nên không thể thấy tận mắt vẻ đẹp rừng tràm vào mùa nước nổi. “Trên các cánh đồng vừa thu hoạch, hàng nghìn cánh cò trắng bay lượn trên nền tràm xanh. Các loài chim khác cũng quy tụ về đậu ken dày trên các ngọn cây. Gáo Giồng đẹp nhất vào mùa nước nổi, lúc ấy nơi đây trở thành một ốc đảo, rực lên màu vàng hoa điên điển, màu tím hoa súng, màu hồng hoa sen, màu xanh của rừng tràm…” - cô hướng dẫn viên nói.

Sau hơn một tiếng đồng hồ bồng bềnh trên kênh rạch giữa nắng trưa gay gắt, nhưng đi giữa trời nước mênh mông nên chúng tôi không thấy nóng. Mọi người ai cũng mệt nhoài và đói meo. Vừa bước chân lên bờ rạch, chúng tôi được chiêu đãi một bữa cơm trưa đạm bạc tại một nhà hàng dựng sơ sài bằng cây, lợp lá dừa nước trên một khoảng ruộng ngập nước bỏ hoang. Các món ăn hoàn toàn lạ lẫm với chúng tôi. Dù không phải mùa nước nổi, nhưng theo các anh trong ban quản lý rừng tràm, bữa ăn vẫn toàn là những món ăn dân dã, là hương vị của mùa nước nổi phong phú và hấp dẫn. Món khai vị là những ly rượu đặc sản - rượu nếp pha với mật ong nguyên chất lấy từ rừng tràm. Tiếp theo là món cá lóc nướng trui quấn bằng lá sen non kèm theo bún tươi và những loại rau đặc sản mà chỉ ở vùng Đồng Tháp Mười mới có. Rồi nào là cháo cò, cháo rắn hầm đậu xanh, rắn bông súng nướng lửa than, chuột đồng rô-ti, cơm huyết rồng hấp lá sen, canh chua bông điên điển, ốc lác hấp tiêu v.v...

Món ăn ngon, lạ miệng, vừa ăn vừa nghe đờn ca tài tử giữa khung cảnh hoang sơ của “ốc đảo” Gáo Giồng thật không có gì thú vị hơn. Với tôi thế là mãn nguyện, bởi được mở tầm mắt về một vùng đất mà trước đây chỉ biết qua sách vở, phim ảnh... Thưởng thức xong bữa cơm trưa, tôi ngả mình trên chiếc võng đong đưa dưới mái nhà lá đơn sơ, đón gió mát và để cảm nhận sự thanh bình ở một vùng quê mà chỉ cách đây mấy chục năm đã từng là chiếc nôi cách mạng, với hình ảnh những cô du kích áo bà ba đen, khăn rằn, nón tai bèo, chèo xuồng ba lá luồn lách qua những con rạch nhỏ hoang sơ để vào chiến khu đi chiến đấu. Bất giác tôi nhớ lại bài hát về Tiểu đoàn 307 với ca từ hùng tráng đã từ lâu đi vào lòng người “Ai đã từng đi qua sông Cửu Long giang, Cửu Long giang sóng trào nước xoáy... Đã chiến đấu bao năm ròng chiến đấu với bao thành tích huy hoàng. Trận Tháp Mười trận Mộc Hóa vang tiếng đồn với trận La Bang. Lưỡi gươm vung với cánh tay sắt, đầu giặc rụng, nổ súng đồng đồn giặc vỡ tan...”..

NHỊ TRIỀU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Lá phổi xanh” ở Gáo Giồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO