Lại chuyện khai thác vàng trái phép

NGUYỄN DƯƠNG 05/12/2013 13:40

Bất chấp sự nỗ lực của các lực lượng chức năng trong việc tổ chức truy quét, đẩy đuổi, hàng chục lán trại làm vàng trái phép vẫn mọc lên dọc theo con sông Quế Phương (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh).

Ồ ạt khai thác

Mới sáng tinh mơ tiếng động cơ từ những chiếc xe chở quặng đã rền vang cả một đoạn đường. Anh bạn chỉ đường cho chúng tôi lắc đầu nói: “Đấy là những chiếc xe đặc dụng để chuyên chở quặng vàng. Không còi, không biển số, chỉ còn trơ khung và bộ máy, cứ thế mà chạy. Có gặp công an thì vứt xe chạy, rồi lại bỏ ra năm bảy trăm ngàn đồng mua lại…”. Những chiếc xe này cõng trên mình gần cả sáu, bảy chục ký quặng, dưới sự điều khiển của những tài xế “lụa” nên vẫn băng băng giữa con đường đầy bùn đất, trơn tuột.

Các hầm chứa cyanua để lọc, tách vàng.                                                                                                                                                            Ảnh: N.DƯƠNG
Các hầm chứa cyanua để lọc, tách vàng. Ảnh: N.DƯƠNG

Dạo một vòng quanh sông Quế Phương, Bồng Miêu, những lán trại làm vàng trước đây đã bị cơn lũ vừa qua cuốn phăng, chỉ còn trơ lại hầm bãi, xơ xác. Nơi này trước đây là “thiên đường” làm vàng của cả người dân bản địa cũng như dân ngoại tỉnh. “Nhiều lắm, cứ nhìn những lán trại còn lại là đủ biết mức độ như thế nào rồi. Công an có truy quét thì chạy, khi rút thì lại vào, cứ thế chẳng bao giờ có thể kiểm soát hết được…” - người dẫn đường cho biết. “Vậy giờ sao không thấy một bóng người? Hay là lũ vừa qua cuốn trôi hết rồi, giờ không làm nữa?” – chúng tôi hỏi. Người dẫn đường tiếp lời: “Ông nhầm rồi. Giờ công an truy quét nhiều, họ rút vào nơi vắng vẻ hơn, kín đáo hơn chứ không ngang nhiên như trước nữa”.

Theo chân người dẫn đường, chúng tôi đột nhập vào một bãi vàng nằm lọt thỏm giữa rừng keo, ngay góc khuất của khúc sông mà người dân nơi đây gọi là sông Quế Phương. Hơn 20 người vẫn miệt mài với công việc đào đãi của mình mà không hề biết đến sự có mặt của chúng tôi. Bãi vàng được xây dựng một cách bài bản với hệ thống bể lắng, hầm ủ cyanua rất lớn. “Ở đây, người ta lấy vàng cám nên phải có cyanua để tách quặng, qua bể lọc rồi mới lắng được vàng. Cứ 2 bể cyanua thì có 1 hầm để lấy vàng… Khúc sông này giờ bói không ra một mống cá. Chất cyanua nồng nặc đến thế thì người cũng chết chứ huống hồ gì cá?” – người dẫn đường nói.

Cứ cách một khúc sông lại thấy lều lán được dựng lên. Từng tốp người vẫn miệt mài với giấc mơ vàng của mình. Phương tiện của họ được đẩy sâu vào rừng keo, mỗi xe có một chiếc rựa, để khi cơ quan chức năng có phát hiện, hỏi thì bảo là đi làm rẫy. “Ở đây chuyện làm vàng thường thôi. Nhà nhà làm vàng, người người làm vàng. Đuổi chỗ này họ đi chỗ khác. Cái bãi vàng các anh vừa vào là nơi giáp ranh của 2 xã, bên này sông là địa phận của xã Tiên Lập của huyện Tiên Phước, phía bên kia lại là địa phận của xã Tam Lãnh. Công an bên này đuổi thì chạy qua bên kia. Bên kia đuổi thì lại về bên này” - chị V.T.T, thôn 3, xã Tiên Lập cho biết. Cũng theo chị, bãi vàng ở đây còn được gọi là bãi Bộng, là nơi tập trung nhiều người khai thác nhất, bởi ở đây được sự “bao che” của rừng keo, lại là góc khuất của khúc sông, ít người để ý. Cao điểm, có ngày từ 40 – 50 người đổ bộ vào để đào đãi vàng trái phép.

Khó quản lý

Không chỉ ở những khúc sông Quế Phương mà ngay ở trên ngọn núi Kẽm, việc khai thác vàng trái phép vẫn diễn ra một cách ngang nhiên. Ông Thịnh, chủ bãi giữ xe ngay dưới chân núi Kẽm cho biết: “Giờ người làm vàng, làm keo, rồi người của một công ty khai thác khoáng sản công nghiệp ra vào tấp nập, vàng thau lẫn lộn, không biết đường nào mà lần cả chú ạ. Chúng tôi chỉ trông giữ xe máy cho họ thôi, chứ không biết được thực sự họ đang làm gì…”.

Được biết Công ty Tập đoàn Khoáng sản công nghiệp là đơn vị được cấp phép tận thu quặng của Công ty TNHH Khai thác Vàng Bồng Miêu, nghĩa là những quặng vàng mà Công ty Bồng Miêu thải ra thì công ty này được phép chở về và xử lý. Nhà máy của công ty được đặt ngay dưới chân núi Kẽm, vậy nên việc ra vào của các chuyến xe chở quặng lại càng khó kiểm soát hơn.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Trung úy Nguyễn Hoàng Cầu - Phó đồn Công an Tam Lãnh cho biết: “Cứ một tuần, anh em chúng tôi tổ chức lên núi truy quét một lần, nhưng hôm nay truy quét, đập phá chỗ này, “vàng tặc” tìm cách lẩn trốn chỗ khác. Họ thay đổi địa điểm khai thác liên tục, không bắt được tận tay nên rất khó xử lý. Chúng tôi chỉ còn cách đập phá máy móc, tiêu hủy dụng cụ khai thác. Từ đầu năm đến nay, Đồn Công an Tam Lãnh đã bắt quả tang hai đợt vận chuyển gần 100kg cyanua, một vụ vận chuyển 30 cây thuốc nổ, 100 kíp nổ và hơn 50m dây cháy chậm lên bãi vàng, thu giữ hàng trăm chiếc xe máy vận chuyển quặng trái phép…”.

Theo ông Nguyễn Thanh Tứ - Trưởng Công an xã Tiên Lập, do địa bàn giáp ranh nên người dân địa phương có qua bên Tam Lãnh để làm vàng. Nhưng địa điểm các hồ chứa quặng thuộc đất của Tam Lãnh nên không xử lý được. Cách đây 3 tuần, lực lượng Công an huyện Tiên Phước và Phú Ninh phối hợp xử lý, tiêu hủy nhiều máy móc và dụng cụ làm vàng, song đó chỉ là những giải pháp tạm thời. Khi lực lượng chức năng rút thì họ lại mua máy mới về làm lại. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng Công an xã Tam Lãnh cho biết: “Chúng tôi thường xuyên đến truy quét, đốt các lán trại, dùng muối, lấp đất vào hồ chứa hóa chất, xử phạt hành chính, nhưng do lực lượng mỏng chưa thể ngăn chặn triệt để những hành vi trên”.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lại chuyện khai thác vàng trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO