Lại chuyện “vung” tiền đền bù

Nguyễn Dương 03/01/2013 09:37

Nhận được tiền đền bù từ thủy điện Sông Bung 4, nhiều người dân xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang vung tay mua sắm, dựng nhà tiền tỷ ngay giữa chốn rừng núi hoang vu mặc chính quyền khuyên giải, thuyết phục...

Biệt thự giữa đại ngàn

Đứng trước ngôi nhà đang dựng của Zơrâm Cóc (21 tuổi) chúng tôi phải buột miệng trầm trồ. Người dân địa phương cho biết đây là ngôi nhà được xây to nhất, đẹp nhất và cũng tốn kém nhất trong khu tái định cư (TĐC), ước tính chi phí lên đến 3 tỷ đồng. Riêng khối lượng gỗ được anh Cóc tập kết tại địa điểm xây nhà khoảng trên 50m3. Một tổ thợ mộc gần chục người từ Hà Tĩnh, Nghệ An do anh Lê Ngọc Thuần làm trưởng nhóm đang miệt mài làm việc. Anh Thuần cho biết, sau khi thỏa thuận, tiền công thực hiện phần gỗ lên đến 550 triệu đồng. “Khi nào làm xong mới được nhận tiền vì họ sợ mình không làm đến nơi đến chốn nếu ứng trước tiền. Mọi chi phí mình phải chịu hết nhưng cũng phải cố, vì tiền công ở đây gấp nhiều lần so với ở dưới xuôi” - anh Thuần cho biết. Theo những người thợ mộc đang làm việc tại đây, để hoàn thiện ngôi nhà của Zơrâm Cóc phải mất gần 100m3 gỗ.

Người dân vung tiền đền bù cho việc xây nhà, tiêu xài phung phí.  Ảnh: N.DƯƠNG
Người dân vung tiền đền bù cho việc xây nhà, tiêu xài phung phí. Ảnh: N.DƯƠNG

Theo ước tính của chúng tôi, bình quân mỗi ngôi nhà tại thôn này phải ngốn 30 - 35m3 gỗ. Tổng khối lượng gỗ của cả làng dùng để làm nhà không dưới 1.500m3. Thậm chí gỗ dùng không hết còn vứt chỏng chơ khắp nơi. Ở thôn 2, hộ nhận tiền đền bù nhiều nhất phải kể đến Ploong Dương với số tiền là 12 tỷ đồng. Nhà của Ploong Dương ở đầu thôn vừa xây xong không dưới 3 tỷ đồng. Những biệt thự gỗ khác của Bờnướch Achóc (trưởng thôn), Alăng Biên, Ploong A Hiềm, Zơrâm Tình... cũng có giá tiền tỷ.

Ông Tơ Gônl Kía, Chủ tịch UBND xã Tà Pơơ cho biết: “Trước sự việc trên, nhiều lần chính quyền xã đã xuống vận động, tuyên truyền người dân không nên đua đòi làm nhà quá to nhưng họ đều bỏ ngoài tai. Nhiều trường hợp, bà con chê nguồn gỗ được hỗ trợ nên đã tự ý vào rừng khai thác gỗ về làm nhà gồm táu, giổi, gõ, xoan đào... Theo quy định, mỗi nhà chỉ được sử dụng 10m3 gỗ nhưng con số thực vượt gấp nhiều lần, gây nên sự lãng phí và dẫn đến tình trạng xâm hại rừng”. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang Phạm Thị Như cho biết: “Chính quyền địa phương đã vận động bà con không nên làm nhà quá lớn và chi tiêu phung phí. Chúng tôi còn tuyên truyền để họ gửi tiền tiết kiệm, dùng tiền để sản xuất lúa, làm trang trại nhưng nhiều hộ không nghe. Huyện đã chỉ đạo xã và thôn không cho người dân tiếp tục vào rừng chặt gỗ. Cuộc sống của bà con gắn liền với rừng nhưng họ vẫn chặt gỗ và có cả gỗ tích lũy từ trước. Nhưng hầu hết gỗ mua làm nhà đều có nguồn gốc rõ ràng”.

Cần có biện pháp kịp thời

Xã Tà Pơơ nằm trong quy hoạch xây dựng thủy điện Sông Bung 4, nên tất cả 4 thôn của xã đều bị ảnh hưởng, trong đó thôn 2 bị ảnh hưởng nặng nhất. Cả thôn và đất đai sản xuất đều nằm trong vùng lòng hồ của thủy điện Sông Bung 4 nên bà con phải di dời đến khu TĐC cách nơi ở cũ khoảng 7km. Mỗi hộ dân sẽ được cấp 600m2 đất ở và đất vườn, 1,5ha đất rẫy và một số diện tích đất trồng lúa nước. Hộ dưới 5 nhân khẩu sẽ được hỗ trợ 141 triệu đồng tiền làm nhà, hộ có từ 5 - 7 nhân khẩu được hỗ trợ 161 triệu đồng và hộ có 8 nhân khẩu trở lên được chia tách làm 2 hộ, được hưởng hỗ trợ theo khung quy định. Mỗi hộ còn được hỗ trợ 10m3 gỗ tận thu để làm nhà. Tổng số tiền mà người dân thôn 2 được chủ đầu tư thủy điện Sông Bung 4 đền bù, hỗ trợ đến thời điểm này đã trên 100 tỷ đồng.

Trước sự việc “bỗng dưng trở thành tỷ phú”, người dân nơi đây thực sự choáng ngợp bởi từ trước tới nay chưa bao giờ họ có được nhiều tiền đến vậy. Tâm lý muốn thỏa sức tiêu xài, được hưởng thụ cũng từ đó bắt đầu nảy sinh. Cùng với việc dựng nhà tiền tỷ giữa đại ngàn, người dân vung tiền mua sắm tiện nghi trong nhà, không cần biết là tốn bao nhiêu tiền và có… sử dụng được hay không. Thanh niên trong thôn đều sở hữu những chiếc xe máy đắt tiền như Exciter, Air Blade, Nouvo, thậm chí cả một chiếc xe đua chính hãng với giá không dưới 100 triệu đồng.

“Người dân ở đây tiêu tiền kinh lắm. Không có đất sản xuất, lại vào rừng đi săn. Kiếm được con heo, con nai thì chụm đầu vào nhậu. Họ không uống rượu gạo mô, toàn Voda thôi, bia thì bia lon chứ không uống bia chai. Kiểu ni chẳng mấy chốc mà hết tiền thôi” - anh Trần Văn Hoàng nói. Hoàng là một sinh viên vừa tốt nghiệp trường cao đẳng nhưng chưa tìm được việc. Nghe người quen nói ở trên này trả tiền công cao gấp mấy chục lần nên cũng lặn lội đường xa lên đây để kiếm ít tiền khi chưa có việc làm.

Chúng tôi rời đi khi trời vừa nhá nhem tối. Quán nhậu đã trở nên xôm tụ hơn, tiếng bào đục vẫn hối hả...

Nguyễn Dương

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lại chuyện “vung” tiền đền bù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO