Sáu tôi đã từng phản ánh về tiến độ xây dựng khu tái định cư (TĐC) cho hộ dân bị giải tỏa trắng, do ảnh hưởng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ là lực cản trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu cán đích sớm bàn giao mặt bằng sạch từ phía địa phương. Lãnh đạo UBND tỉnh và các nhà chuyên môn cũng đã nhiều lần khuyến cáo. Bởi vì, khâu này phải trải qua nhiều công đoạn, từ phân loại, xác định bao nhiêu gia đình muốn vào khu, cho đến chọn địa điểm và không ít thủ tục liên quan khác. Tiêu tốn nhiều thời gian, vậy nhưng, có khu TĐC xây xong chưa chắc đa số bà con sẽ “gật đầu” chịu vào vì xa nơi sản xuất, hạ tầng tối thiểu chưa đảm bảo. Chính quyền một vài địa phương nỗ lực tuyên truyền, vận động hộ bị ảnh hưởng nhận suất đầu tư hạ tầng để tự lo đi tìm chỗ ở khác phù hợp nguyện vọng bản thân mà không phá vỡ quy hoạch nông thôn mới. Nhờ đó, địa phương tự giảm đi áp lực đáng kể về khâu khảo sát, thiết kế và xây dựng; đồng thời cán bộ cơ sở, người làm công tác bồi thường có thời gian “chăm chút” tháo gỡ vướng mắc khác phát sinh.
Khoảng trống chờ xây dựng khu TĐC tập trung, các hộ dân chưa thể sớm ổn định cuộc sống. Nhiều gia đình không chịu nhận tiền đền bù, hỗ trợ vì mong muốn tận mắt chứng kiến nơi “an cư” mới của mình nằm tại vị trí nào trên thực địa. Văn bản, chính sách lại thay đổi liên tục. Đến lúc khu TĐC hoàn thành, phát sinh hộ dân cố tình đòi hỏi cần phải được đền bù theo giá trị của năm mình nhận lô đất (năm 2015), mặc dù phương án áp giá đã phê duyệt năm trước đó. Sự chậm trễ về tiến độ xây dựng các khu TĐC Phong Thử 1 và ĐT609, cộng thêm yêu sách quá đáng từ phía một số bà con khiến “nút thắt” mặt bằng thi công các hạng mục dự án cao tốc qua địa bàn xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn) chưa thể tháo gỡ. Đi trước về khai phóng đất nông nghiệp và nhiều khu dân cư khác, thế nhưng, Điện Bàn vẫn đang loay hoay vận động người dân đồng thuận nhận tiền đền bù, xây dựng nhà cửa và bàn giao mặt bằng. Cũng chịu nhiều hệ lụy, Phú Ninh chưa thể bố trí hàng chục lô đất TĐC, cạnh đó còn 46 hộ không đồng ý nhận tiền theo giá trị đã áp và phê duyệt.
Để các địa phương Điện Bàn, Phú Ninh, Núi Thành có thêm quỹ thời gian tháo gỡ vướng mắc, UBND tỉnh đã tiếp tục gia hạn cuối năm nay phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Song nhìn nhận thấu đáo thực tế, nhiều người vẫn nghi ngờ tính khả thi do khối lượng còn ngồn ngộn, nan giải nhất là câu chuyện hóa giải yêu sách từ phía hộ dân và khả năng bàn giao đất thuộc phạm vi nhà bị giải tỏa. “Trong lúc chính quyền thị xã Điện Bàn đang “đau đầu” tìm hướng đi mới sau khi đề xuất của địa phương không được UBND tỉnh chấp thuận (Báo Quảng Nam đã phản ánh), chủ đầu tư dự án đường cao tốc lại đang đối mặt với khiếu kiện pháp lý từ phía nhà thầu thi công công trình do mặt bằng chậm bàn giao. Nếu chiếu theo tình hình hiện nay, chúng tôi rất lo cho tiến độ chung của dự án” - một vị cán bộ thuộc chủ đầu tư nói. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, UBND tỉnh cần chỉ đạo cho các ngành chức năng thành lập tổ công tác đặc biệt để tiếp tục tăng cường hơn nữa trong việc hỗ trợ Điện Bàn nhằm sớm khai thông bế tắc nêu trên.
SÁU CÒI