Lại nóng chuyện đất

BẢO TRÂN 29/07/2013 09:20

Theo báo cáo mới đây của Thanh tra Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn ngành thanh tra cả nước đã triển khai 4.724 cuộc thanh tra hành chính và 89.281 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 283.183 tổ chức, cá nhân.

Qua thanh tra phát hiện vi phạm 12.225 tỷ đồng và 452ha đất, kiến nghị thu hồi 4.934 tỷ đồng và 401ha đất, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 6.109 tỷ đồng, 44,5ha đất, đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 431 tập thể, 819 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 56 vụ, 43 đối tượng vi phạm.

Kết quả trên cho thấy những sai phạm về quản lý đất đai còn những điểm nóng. Để rõ hơn, từ phía nhìn khác, vấn đề công dân hay khiếu nại, tố cáo cũng dính đến chuyện quản lý đất đai. Cụ thể, 6 tháng qua, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp 149.854 lượt công dân, tiếp nhận 91.165 đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó khiếu nại trong lĩnh vực đất đai chiếm 67,5%. Riêng Bộ Tài nguyên & môi trường đã tiếp 2.977 lượt người dân, có 79 lượt đoàn đông người, trong đó 90% vụ việc người dân khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai. Toàn ngành cũng tiếp nhận và xử lý 5.624 lượt đơn thư, chủ yếu nêu chuyện đất đai.

Đất đai trở thành câu chuyện nóng do nhiều nguyên do. Hẳn không thể phủ nhận nguyên nhân cán bộ chính quyền ở không ít nơi tham ô “ăn đất” hoặc gây phiền hà, nhũng nhiễu dân để kiếm ăn. Vụ việc ở Tiên Hà (Tiên Phước) vừa được Báo Quảng Nam phanh phui cho thấy hiện tượng cán bộ xã tùy tiện trong quản lý đất rừng. Hay như vụ ông Bùi Đức Lợi, Trưởng phòng Tài nguyên & môi trường huyện Đại Lộc tham mưu “tầm bậy” việc cấp đất lúa cho một công ty để xây trụ sở rồi phù phép để vợ mình kiếm mấy nghìn mét vuông đất. Đơn cử 2 chuyện nóng gần đây như thế để lên tiếng cảnh báo về tình trạng cán bộ cơ sở tự tung tự tác trong quản lý đất đai.

Một nguyên nhân khác làm nóng vấn đề đất đai cũng đáng được nêu là chuyện giải tỏa bồi thường. Nhớ lại vụ 115 hộ dân khiếu nại quyền lợi khi giải tỏa mặt bằng để nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT 603, đoạn qua xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn kéo dài hơn 9 năm cho thấy nguyên nhân từ việc chưa thống nhất về trình tự, thủ tục thực hiện thu hồi đất, bồi thường để giải phóng mặt bằng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mặt khác, do dự án triển khai hay thời điểm khác nhau trong khi thiếu nhất quán về cơ chế, chính sách và đơn giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư làm nảy sinh sự so bì hơn thiệt. Rốt cuộc, sự vụ cũng được giải quyết, song đó là bài học kinh nghiệm đắt giá trong thực thi việc giải tỏa mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ cho người dân.

Nhìn rộng ở quy mô cả nước hay phạm vi hẹp ở địa phương, đâu cũng thấy vấn đề quản lý đất đai cần được đúc kết để nghiên cứu, góp ý sửa đổi Luật Đất đai. Chuyện đó, dĩ nhiên không thể giải quyết xong một sớm một chiều, nhưng trước hết cần nhận diện những nguyên nhân bức xúc để có cơ chế phòng ngừa tham nhũng và xử lý điểm nóng khiếu nại tố cáo liên quan lĩnh vực đất đai.

BẢO TRÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lại nóng chuyện đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO