Lãi suất hạ, ai được lợi?

TRỊNH DŨNG 26/03/2014 11:21

Lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục giảm xuống theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, ai được lợi trong chuyện này và doanh nghiệp (DN) có dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ hay không vẫn là câu chuyện đang được luận bàn.

Lãi suất huy động giảm

Theo quyết định của NHNN, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,2%/năm xuống dưới 1%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống còn 6%/năm so với mức 7%/năm như hiện nay. Đối với lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, NHNN cho phép các ngân hàng ấn định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường. Song hành với quyết định hạ lãi suất huy động, NHNN cũng đã quyết định hạ lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ với mức điều chỉnh từ 9%/năm xuống 8%/năm.

Lãi suất huy động đã giảm kéo theo lãi suất cho vay sẽ hạ, nhưng ai là người được lợi và đồng vốn có đến đúng địa chỉ không vẫn là câu chuyện cần bàn (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: T.D
Lãi suất huy động đã giảm kéo theo lãi suất cho vay sẽ hạ, nhưng ai là người được lợi và đồng vốn có đến đúng địa chỉ không vẫn là câu chuyện cần bàn (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: T.D

Không cần phải đợi NHNN lên tiếng giảm lãi suất huy động, trước đó các ngân hàng thương mại cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 0,2 - 0,5%/năm ở các kỳ hạn dưới 6 tháng và tiếp tục giảm thêm từ 0,2 - 1%/năm. Riêng mức cho vay, các ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất vay ngắn hạn từ 9 - 11,5%/năm; lãi suất vay trung và dài hạn từ 11 - 13%/năm. Nhiều ngân hàng thương mại cũng đã sẵn sàng cho vay với mức lãi suất 5 - 8,5%/năm. Ngay như Vietcombank (VCB) cũng sẵn sàng cho vay với lãi suất 5%/năm khi các DN cam kết chuyển 50 - 70% dòng tiền mua bán hàng hóa thông qua ngân hàng, đồng thời cam kết bán lại ngoại tệ cho ngân hàng. Lý giải vấn đề này, phía NHNN cho rằng đợt giảm lãi suất huy động lần này nhằm điều hành lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh và mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Dù đồng tình với việc hạ lãi suất huy động, nhưng những cam kết hạ lãi suất cho vay vẫn chưa được các ngân hàng khẳng định và cụ thể hóa. Theo một giám đốc ngân hàng thương mại, lãi suất cho vay giảm hay không (có thể giảm thêm tối đa khoảng từ 1 - 2% nữa) thì khoảng một vài tuần sau mới có dấu hiệu rõ rệt, bởi độ trễ của nó. NHNN - chi nhánh Quảng Nam cho rằng lãi suất cho vay của các ngân hàng trên địa bàn đã giảm tương ứng theo lãi suất huy động. Theo cơ quan quản lý này, lãi suất đầu ra đã hạ. Tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn áp dụng lãi suất cho vay cao, nhất là tiêu dùng, hay chưa thể hạ lãi suất cho vay được, bởi họ còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn trước đây phải huy động lãi suất cao. Người vay có thể trả nợ trước hạn để vay lãi suất thấp, còn ngân hàng thì không thể hạ lãi suất huy động cho các hợp đồng đã ký kết với khách hàng. Vì vậy, nếu khi lãi suất tiền gửi rơi nhanh quá, ngân hàng cũng không thể hạ lãi suất cho vay theo kịp.

Ai được lợi?

Dù vẫn còn quá sớm để dự báo song động thái giảm lãi suất đầu vào của ngân hàng thương mại sẽ kỳ vọng giảm lãi vay trong các tháng tới đây. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính, quyết định điều chỉnh lãi suất huy động trước tiên người có lợi là ngân hàng và chắc chắn là người gửi tiền chịu thiệt. Ngân hàng có thêm dư địa kiếm lợi nhuận khi giá vốn đầu vào thấp hơn. Còn lãi vay, giảm hay không vẫn do họ quyết định. Những DN thuộc diện ưu đãi vay với lãi suất thấp thì vướng rào cản về “điều kiện” vay vốn. Một cuộc khảo sát DN mới đây cho thấy, qua được cửa ải này rất khó. Hiện những DN có tên tuổi, xuất khẩu mới có thể trụ lại và phát triển, còn phần đông DN sản xuất và tiêu thụ nội địa đang “ngắc ngoải”. Trong khi đó, lãi suất cho vay của các ngân hàng dù có hạ, nhưng “điều kiện cho vay” không những lại không hạ mà còn khó khăn hơn. Một trong những lý do là nợ xấu đã ngáng chân ngân hàng, khiến họ không thể giải ngân. Ông Nguyễn Quang Việt - Giám đốc VCB nói nợ xấu chính là nguyên nhân khiến DN và ngân hàng gặp bế tắc. Ngân hàng không tiêu thụ vốn được mà DN khát vốn là do vẫn còn nợ đọng. Phía ngân hàng muốn cho vay nhưng nếu DN không sử dụng vốn hiệu quả thì khoản vay đó sẽ trở thành nợ xấu. Muốn tháo gỡ điều này, cả hai phía DN và ngân hàng phải tự điều chỉnh để được gặp nhau.

Ưu đãi hay giảm lãi suất vay vốn là một chuyện, còn vay được hay không lại là chuyện khác. DN ngoài diện ưu đãi thì buộc lòng phải chấp nhận lãi suất cao, kể cả hồ sơ cũ muốn điều chỉnh lãi vay mới cũng vô cùng khó khăn. Thậm chí buộc ngân hàng phải duy trì trần lãi suất cho vay ở một mức thấp nào đó, cũng không có nghĩa là tín dụng sẽ có thể tăng nhanh và chảy vào đúng nơi cần chảy. Nói cách khác, khu vực kinh tế tư nhân khó có thể tiếp cận dòng vốn giá rẻ, cho dù lãi suất có hạ và cung tiền có được tăng thế nào đi chăng nữa. Vì vậy, nếu ngân hàng không thể cho vay thì việc giảm lãi suất huy động hay đầu ra cũng chẳng có tác dụng gì với DN. Sự thay đổi lãi suất chỉ còn là nỗi buồn và sự thiệt thòi của người gửi tiền khi đồng vốn gửi bị tính rẻ hơn. Phải chăng vì do dư nợ tín dụng hiện tại bị âm hay tăng trưởng quá chậm nên để bảo đảm lợi nhuận cho các ngân hàng, khoảng cách giữa huy động, cho vay lại được kéo giãn ra dưới cái lớp vỏ bọc là hạ lãi suất huy động để giảm lãi vay cứu DN? Làm thế nào để các DN nhỏ và vừa có thể tiếp cận tín dụng với lãi suất hợp lý mới là mấu chốt của vấn đề, chứ không nằm ở hạ lãi suất huy động và bơm tiền ra thị trường như hiện tại!

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lãi suất hạ, ai được lợi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO