Làm báo trong xu thế cách mạng 4.0

T.S 19/03/2018 10:49

Cuối tuần qua, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2018, Tạp chí Người làm báo phối hợp với Ban Nghiệp vụ Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm “Làm báo trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0”. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - Hồ Quang Lợi, trong lĩnh vực báo chí truyền thông, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo.

TS. Trần Quang Diệu, giảng viên Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ vào tất cả yếu tố của nền báo chí truyền thông từng quốc gia, với 3 yếu tố căn bản: nhà sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông, sản phẩm báo chí truyền thông - như là một hàng hóa, dịch vụ và sự biến đổi sâu sắc các nhóm công chúng truyền thông. Theo đó, cách mạng 4.0 tạo ra một lớp công chúng tương thích của thời kỳ truyền thông số. Chẳng hạn, thay bằng tiếp cận với các tờ báo in, kênh phát thanh hay truyền hình thuần túy, công chúng có thể tiếp nhận thông tin bằng cả cơ quan xúc giác và cảm xúc của mình, bởi họ như được tham gia chính vào thời điểm xảy ra sự kiện trong không gian ảo 3 chiều hay 4 chiều, nơi có thể tái hiện sự kiện; các nhân vật, âm thanh, tiếng động cũng được mô phỏng theo hiện trường.

Tốc độ và kết quả chuyển đổi của nền báo chí, truyền thông trong thời công nghệ 4.0 phụ thuộc vào mức độ đáp ứng yêu cầu của các yếu tố căn bản: kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xây dựng môi trường pháp lý cho nền báo chí truyền thông kỷ nguyên số; nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp an ninh truyền thông hiệu quả. TS. Trần Quang Diệu cũng cho rằng, trong mỗi cơ quan báo chí, nếu chỉ có hệ thống kết cấu hạ tầng tốt và một nhóm nhà báo trẻ đơn lẻ học cách làm báo công nghệ 4.0 thì chưa đủ. Lãnh đạo tòa soạn, nếu không hiểu về nguyên tắc đa phương tiện và hội tụ truyền thông, không hiểu tính tất yếu trong sự thay đổi quy trình làm báo trong bối cảnh phát triển mạng xã hội, tận dụng mạng xã hội để tổ chức nội dung, tạo liên kết và hiệu ứng lan tỏa thông tin, nguy cơ khủng hoảng trong quá trình làm báo tích hợp với mạng xã hội,… thì khó có thể chuyển đổi được thực trạng báo chí truyền thông thích ứng với môi trường truyền thông số.

Còn theo Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nhà báo Lê Quốc Minh, hiện nay khá nhiều cơ quan báo chí chưa đạt được tiêu chí về tòa soạn hội tụ. Bên cạnh đó, trong thời đại kỷ nguyên số, một nhà báo hiện đại phải có đủ kỹ năng: vừa biết viết, biết chụp ảnh, biết quay hình, biết sử dụng đồ họa, thậm chí biết cả lập trình. Thực tế những ứng dụng truyền thông của công nghệ 4.0 là rất tiềm năng, hiệu quả, song đòi hỏi ý chí, quyết tâm và cả đầu tư không nhỏ của lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quan báo chí. “Tuy nhiên, dù có thế nào, điều quan trọng vẫn là cái “tâm” của người làm báo. Nhà báo phải luôn luôn giữ những tiêu chuẩn của người làm báo là sự thật, công bằng và cân bằng. Đó là những điều mà máy móc hay công nghệ không thể thay thế được” - nhà báo Lê Quốc Minh nói.

T.S

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm báo trong xu thế cách mạng 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO