Sau nhiều lần thất bại, vợ chồng anh Nguyễn Đức Bông và chị Nguyễn Thị Vân ở tổ 1 thôn Đồng Đức (Bình Định Nam, Thăng Bình) tìm được hướng phát triển ổn định từ mô hình nuôi ếch thương phẩm quy mô lớn.
Gian nan đổi nghề
Hơn nửa đời người bám đất, bám ruộng, cùng với nghề “thợ đụng” cũng có thể nuôi sống được gia đình. Thế nhưng trước những bất biến của thời tiết, cộng với sức khỏe ngày càng suy giảm, anh Bông đã nghĩ đến việc đổi nghề. Nói là làm, năm 2000, anh bắt tay vào nghề nuôi giun quế. Nhưng rồi giun quế và nuôi lươn cũng chẳng đồng hành với những người không kinh nghiệm như vợ chồng anh. Đến năm 2007, tình cờ nghe thông tin về mô hình nuôi ếch tại TP.Tam Kỳ đang ăn nên làm ra. Vậy là anh Bông khăn gói vào tận nơi để tìm hiểu mô hình nuôi ếch. Sau hơn 3 tháng chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm, anh bàn với vợ quyết định xây dựng trại nuôi ếch. Ban đầu, anh chị chỉ nuôi một ao với số lượng 1.000 con. Nhưng chỉ sau một tuần bắt đầu nuôi, số ếch đã bắt đầu chết dần. Sau đó, ếch chết hàng loạt, nổi đầy ao nuôi. Vậy là số tiền đầu tư hơn 5 triệu đồng làm chuồng nuôi và mua con giống đã mất trắng.
Ao nuôi ếch của gia đình anh Bông, chị Vân. Ảnh: Thực Biên |
Không nản chí, vợ chồng anh bắt đầu nhờ đứa con trai tra cứu và tham khảo thêm việc nuôi ếch trên internet. Nhờ chịu khó áp dụng kết quả từ nhiều nguồn tham khảo thông tin, tỷ lệ ếch sống và phát triển tốt ngày một cao hơn và dần ổn định. Từ một ao nuôi ban đầu, vợ chồng anh nhân lên 5 ao nuôi. Nhưng một lần nữa hành trình đổi nghề của vợ chồng anh Bông, chị Vân không gặp may mắn, năm 2011, 3/5 ao nuôi đã mất trắng vì dịch bệnh. Chị Vân cho biết, thời điểm này, trên địa bàn xã cũng có 2 hộ khác nuôi ếch nhưng đều chung số phận như gia đình chị. Hai hộ cũng đã tháo dỡ toàn bộ trang trại đầu tư. Lúc này, cả gia đình chị như ngồi trên đống lửa. Cả một tuần tiếp tục theo dõi 2 ao ếch cuối cùng, hai vợ chồng vừa vớt xác ếch, dọn vệ sinh, vừa tiếp tục nghiên cứu về quy trình nuôi. Một tuần không ăn, không ngủ, vợ chồng anh Bông, đã tìm ra bí quyết để có thể duy trì được ao nuôi cuối cùng. Và chính những bài học từ sự thất bại trong quá khứ trở thành kinh nghiệm cho anh chị đến bây giờ. “Không có điều gì lúc đầu mới học khi áp dụng vào thực tế đều thành công. Chỉ có quá trình trải nghiệm vừa học, vừa rút kinh nghiệm mới có thể duy trì nghề” - anh Bông cho biết.
Sống được với nghề
Từ một ao nuôi với 1.000 con ếch đầu tiên, đến nay, cơ ngơi của vợ chồng anh Bông, chị Vân đã lên đến trang trại 22 ao nuôi. Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm, xuất bán ra thị trường 3 lần với hơn 5 tấn ếch thương phẩm, trừ mọi chi phí, vợ chồng anh chị đã thu về lãi ròng 100 triệu đồng/năm. Chỉ tính riêng trong tháng 9.2016, với giá bán 50.000 đồng/kg, anh, chị xuất bán đợt 2 với số lượng 2,4 tấn, thu về 119 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, vợ chồng anh lãi ròng gần 80 triệu đồng. Ngoài việc bán ếch thương phẩm, vợ chồng anh Bông, chị Vân còn phân phối ếch giống và truyền đạt kinh nghiệm cho những ai có nhu cầu. Theo anh Nguyễn Đức Bông, hiện tại anh đang mở rộng thêm trang trại bằng việc xây thêm 4 ao nuôi mới. Ngoài ra, anh Bông còn tính đến bài toán đảm bảo an toàn môi trường. “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi là bước đi đúng đắn và hợp lý trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, cần phải nói thêm, việc chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi không phải ngày một, ngày hai là thành công, mà cần phải có sự thích ứng mới mang lại hiệu quả. Do đó, mỗi mô hình cần phải phù hợp với địa phương thì mới nâng cao giá trị, tăng thu nhập” - anh Bông nói thêm.
Trong những năm gần đây, nhiều hộ ở xã Bình Định Nam đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, cây trồng con vật nuôi, thay thế dần những con giống, cây trồng truyền thống. Nhiều hộ đã vươn lên thành hộ có thu nhập khá từ xu hướng này. Ông Phan Thảo - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Định Nam cho biết: Bên cạnh việc duy trì cây lúa để làm lương thực, người dân trên địa bàn xã đã tự giác chuyển đổi ngành nghề. Mô hình của vợ chồng anh Bông, chị Vân là một điển hình, tạo nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, anh chị còn phân phối ếch và truyền đạt kinh nghiệm nuôi ếch cho những ai có nhu cầu. “Hiện tại, Nội Nông dân xã đang có định hướng phối hợp với gia đình anh Bông để làm điểm tham quan. Từ đó, địa phương mở lớp dạy nghề nuôi ếch để các hộ dân lân cận học hỏi kinh nghiệm, qua đó áp dụng chăn nuôi, nhân rộng mô hình trên địa bàn xã” - ông Thảo cho biết thêm.
GIANG BIÊN - TRUNG THỰC