Cần nâng cao năng suất rừng trồng

TRẦN NGUYỄN 03/07/2020 04:22

Các giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất giống cây lâm nghiệp vẫn chưa được triển khai đồng bộ nên năng suất rừng trồng trên địa bàn tỉnh nhìn chung vẫn còn thấp.

Cần ứng dụng KHCN sản xuất cây giống để tăng năng suất rừng trồng trên đơn vị diện tích.
Cần ứng dụng KHCN sản xuất cây giống để tăng năng suất rừng trồng trên đơn vị diện tích.

Chủng loại cây trồng cho rừng sản xuất chủ yếu là keo làm gỗ nguyên liệu giấy, dăm gỗ. Sở NN&PTNT thống kê, từ năm 2016 đến nay, tổng diện tích đã thực hiện trồng rừng sản xuất là 52.198ha, trong số này diện tích rừng trồng từ nguồn vốn tự có của tổ chức, hộ gia đình chiếm hơn 50.578ha. Diện tích lớn, nhưng năng suất bình quân rất thấp, chỉ đạt 70 - 75m3/ha/chu kỳ 5 năm; sản lượng gỗ khai thác rừng trồng sản xuất bình quân hàng năm khoảng 1 triệu mét khối.

Còn theo số liệu từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tập trung đạt 510.000m3 và khai thác gỗ từ vườn rừng, cây trồng phân tán đạt 6.710m3. Năng suất gỗ bình quân trên đơn vị diện tích của tỉnh qua đánh giá là thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Theo kế hoạch, giai đoạn 2019 - 2020, Quảng Nam đặt mục tiêu đưa tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn đạt 10.000ha, nhưng thời điểm này có thể khẳng định khó thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Vì sao trồng rừng gỗ lớn của tỉnh gặp khó khăn? Theo các địa phương miền núi, có nhiều vướng mắc nhưng tựu trung nằm ở chỗ, trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài, trong khi thủ tục vay vốn từ các ngân hàng còn rườm rà, thời gian cho vay lại ngắn, khó tiếp cận. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp và hộ gia đình thường trồng rừng gỗ nhỏ để xoay vòng vốn nhanh.

Tại hội thảo nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lâm nghiệp do Bộ NN&PTNT tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, ngành lâm nghiệp cần có bước đột phá trong triển khai ứng dụng KHCN, đầu tư sâu hơn cho nghiên cứu về gen trong chọn tạo giống mới; tiếp tục nghiên cứu về giống với công nghệ sinh học; nghiên cứu về dịch bệnh cây trồng lâm nghiệp; tập trung nghiên cứu về hệ sinh thái.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, đến nay ngành lâm nghiệp đã nghiên cứu và công nhận được 277 giống cây lâm nghiệp, 61 tiêu chuẩn và 11 tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực phát triển rừng. Điều này đã đưa năng suất rừng trồng đạt bình quân 20m3/ha/năm, nhiều nơi đạt 40m3/ha/năm. Ngành cũng đã công nhận 163 tiêu chuẩn và 15 tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực chế biến lâm sản đã ứng dụng vào sản xuất. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ viễn thám trong việc xây dựng bản đồ hiện trạng rừng cho 39 tỉnh, thành phố; điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc và đã xây dựng hệ thống bản đồ, bộ số liệu gắn với bản đồ kiểm kê rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng; dự báo, cảnh báo lửa rừng, sâu bệnh hại rừng.

Theo ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, nghiên cứu KHCN lâm nghiệp cần tập trung ưu tiên phục vụ quản lý, sản xuất, thị trường, hội nhập. Các viện, trường cần liên kết doanh nghiệp trong đào tạo - nghiên cứu - chuyển giao. Tổng cục Lâm nghiệp đặt mục tiêu nâng cao năng suất rừng trồng lên 30m3/ha/năm vào năm 2025 và lên 40m3/ha/năm vào năm 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần nâng cao năng suất rừng trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO