Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Hoàn tất nhiệm vụ thu và giám sát chi trả

NGUYỄN TRẦN 10/11/2021 07:20

Thời điểm cuối năm, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh vừa đôn đốc các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn hoàn tất nghĩa vụ tài chính về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, vừa giám sát, theo dõi tiến độ chi trả nhằm đảm bảo sự minh bạch.

 

Nguồn thu đảm bảo

Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, 10 tháng qua, nguồn thu điều phối từ nguồn Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam (VNFF) và cấp tỉnh đều đúng kế hoạch, thậm chí vượt chỉ tiêu giao. VNFF đã ký với 5 đơn vị sản xuất thủy điện có lưu vực liên tỉnh và 2 doanh nghiệp sản xuất nước sạch. Nguồn thu điều phối từ VNFF của năm nay theo kế hoạch là 43,5 tỷ đồng nhưng đến tháng 10.2021 đã thu hơn 46,5 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh Phạm Phú cho biết, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 80 đơn vị sử dụng DVMTR có nghĩa vụ “trả nợ rừng” (gồm 28 đơn vị sản xuất thủy điện, 12 đơn vị sản xuất nước sạch, 40 đơn vị nước công nghiệp). Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh xác định công tác thu tiền, kiểm tra, giám sát chi trả DVMTR là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được thực hiện trong thời gian qua.

Trong khi đó, nguồn thu nội địa dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo kế hoạch tỉnh giao gần 74 tỷ đồng, nhưng thời điểm này đạt 90,6 tỷ đồng (vượt 122,6%). Hầu hết cơ sở sản xuất thủy điện, sản xuất kinh doanh nước sạch, các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước (nước mặt và nước ngầm) đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều ký kết hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR với VNFF và quỹ của tỉnh.

Nói về yếu tố thuận lợi khi thu tiền DVMTR, Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, ông Huỳnh Đức cho rằng, đơn vị thường xuyên theo dõi, đôn đốc nên hầu hết các đơn vị sử dụng DVMTR thực hiện việc kê khai, nộp tiền kịp thời và đúng quy định.

Tuy vậy, với một số ít đơn vị chậm nộp, quỹ phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh để thực hiện xử phạt theo quy định tại Điều 09, Nghị định số 35 của Chính phủ nên doanh nghiệp không muốn dây dưa trả nợ.

Giám sát chi trả

Qua rà soát, cả tỉnh có 11 đơn vị chủ rừng và 9 xã được giao nhiệm vụ quản lý rừng được hưởng chính sách DVMTR. Từ đầu năm 2021, Phòng Kiểm tra - giám sát đã tham mưu cho Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chi trả DVMTR.

Theo đó, trong năm đơn vị triển khai 3 đợt giám sát chi trả tiền cho các chủ rừng và xã được hưởng lợi. Đến nay, các bộ chuyên môn của đơn vị cơ bản kiểm tra, giám sát xong 3 đợt trong năm.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát ở một số địa bàn miền núi nên Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh chưa kiểm tra 3 chủ rừng (gồm rừng phòng hộ Phước Sơn, Nam Giang và Khu bảo tồn loài sinh cảnh voi Nông Sơn).

Các nhà máy thủy điện đóng góp lớn vào nguồn thu dịch vụ môi trường rừng. TRONG ẢNH: Nhà máy thủy điện Sông Tranh 4, tại huyện Hiệp Đức. Ảnh: H.P
Các nhà máy thủy điện đóng góp lớn vào nguồn thu dịch vụ môi trường rừng. TRONG ẢNH: Nhà máy thủy điện Sông Tranh 4, tại huyện Hiệp Đức. Ảnh: H.P

Chi tiền DVMTR dễ phát sinh sai sót chủ yếu nằm ở khu vực có diện tích giao khoán cho nhóm hộ, cộng đồng. Vì vậy năm nay, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh tập trung giám sát trực tiếp chi trả tiền tại 5 chủ rừng trong số 11 chủ rừng có diện tích giao khoán cho nhóm hộ, cộng đồng (mỗi đơn vị 2 đợt/năm).

Qua giám sát, đã phát hiện, chấn chỉnh và khắc phục kịp thời trường hợp chi chậm, chi sai mục đích, đối tượng. Riêng với công tác kiểm tra cấp cây giống lâm nghiệp trồng rừng, trồng phân tán cho hộ gia đình theo Quyết định số 3099 ngày 25.8.2017 của UBND tỉnh (từ nguồn kinh phí chưa có đối tượng chi được Thủ tướng Chính phủ cho phép), ông Đức khẳng định, thời điểm này đơn vị đã thực hiện kiểm tra xong tất cả đơn vị. Số lượng các loài cây đã cấp đến hộ nhận khoán bảo vệ rừng.

“Nhìn chung cây lâm nghiệp hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Các chủ rừng quản lý, sử dụng và chi trả tiền DVMTR cho các nhóm hộ, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách theo đúng quy định, kịp thời, không có trường hợp sai sót xảy ra” - ông Đức nhấn mạnh.

 Cũng cần thông tin thêm về Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2030. Trong văn bản chính thức của UBND tỉnh gửi Tổng cục Lâm nghiệp (ngày 4.10.2021) về hoàn chỉnh hồ sơ thí điểm đề án trên, có nội dung đáng lưu ý là tín chỉ các-bon rừng sẽ được bán ngay sau mỗi đợt xác minh và phát hành theo thỏa thuận trong hợp đồng với nhà đầu tư.

Theo đó, năm 2022 Quảng Nam sẽ bán 1,5 triệu tín chỉ của các năm 2018, 2019 và 2020 (bình quân mỗi năm bán 0,5 triệu tín chỉ); năm 2024 bán 2,5 triệu tín chỉ của các năm 2021, 2022, 2023 (bình quân mỗi năm bán hơn 0,8 triệu tín chỉ); đến năm 2026 bán 2,1 triệu tín chỉ của các năm 2024, 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Hoàn tất nhiệm vụ thu và giám sát chi trả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO