Đề xuất “lên hạng” Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh

TRẦN HỮU 22/06/2020 12:47

Ngành nông nghiệp đang kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm công nhận Vườn quốc gia Sông Thanh thay vì hoạt động theo chức năng của Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh như hiện nay, với mục đích để quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt hơn đa dạng sinh học tại đây.

Khảo sát mở tour du lịch trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Ảnh: T.H
Khảo sát mở tour du lịch trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Ảnh: T.H

Chốt chặn trong rừng

Từ cầu khe Vinh, xã Tà Pơơ (Nam Giang), đi bằng ghe trong lưu vực lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 chừng 20 phút, chúng tôi có mặt tại Trạm bảo vệ rừng (BVR) khe Ru, đặt ngay trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Nơi đây gần như giữ được nguyên vẹn rừng nguyên sinh.

Ông Pơlong A Nhing, trú xã Tà Bhing (Nam Giang) cho biết,  trước đây ông là cán bộ nông nghiệp xã Tà Bhing. Sau khi địa phương tinh giản biên chế, ông nghỉ việc và xin vào làm cán bộ BVR chuyên trách. “Với người vùng cao, đi rừng là thói quen thường ngày, được tuần tra trong rừng “biên chế” vào Trạm BVR khe Ru, anh em thấy an tâm công tác bởi thu nhập ổn định gần 3,5 triệu đồng/tháng sau khi trừ các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội” - Pơlong A Nhing nói. Trạm BVR khe Ru dựng lên đầu năm 2020, được giao quản lý theo khu vực.

Hiện nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thành lập 2 đội cơ động và 16 trạm BVR. Các trạm BVR làm nhiệm vụ chốt chặn, tuần tra rừng tối thiểu 15 ngày/tháng.

Theo ông Đinh Văn Hồng - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, cán bộ BVR chuyên trách của đơn vị phần lớn là người dân địa phương, công an, bộ đội xuất ngũ có sức khỏe tốt. Lực lượng BVR chuyên trách được tổ chức theo các hình thức khác nhau như tổ cơ động, trạm BVR, tổ tuần tra BVR, phân công đứng điểm phụ trách từng xã. Trước đây, các đơn vị không bố trí lực lượng BVR chuyên trách của cộng đồng dân cư thôn làm việc tại cộng đồng của mình vì ngại va chạm, nể nang. Nhưng nay thành lập lực lượng BVR chuyên trách, việc giữ rừng trở nên có trách nhiệm hơn.

Theo ông Đinh Văn Hồng, ngoài xây dựng kế hoạch và thường xuyên tổ chức tuần tra theo kế hoạch thời gian cụ thể, đơn vị còn lập các trạm chốt chặn tại khu vực vùng lõi. Nhờ đó, đẩy lùi tình trạng các đối tượng khai thác lâm, khoáng sản trái phép trong khu bảo tồn; bảo vệ nghiêm ngặt tại các trạm chốt chặn, nhằm mục đích ngăn chặn các đối tượng lưu thông trên lòng hồ bằng phương tiện thuyền ghe, trước khi có cơ hội vào vùng lõi khu bảo tồn. Tại huyện Nam Giang và Phước Sơn, lực lượng BVR chuyên trách là 324 người, chiếm hơn 51% tổng số lực lượng BVR chuyên trách toàn tỉnh; trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số địa phương chiếm hơn 86%.

Lập hồ sơ “nâng hạng” khu bảo tồn

Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh nằm trên địa bàn hai huyện Nam Giang và Phước Sơn, giáp biên giới nước bạn Lào, có diện tích vùng lõi hơn 93.000ha và diện tích vùng đệm hơn 108.000ha. Qua các đợt khảo sát, khu bảo tồn này ghi nhận có 831 loài thực vật bậc cao, trong số đó có 23 loài hữu dụng và 38 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Hệ động vật rừng của khu bảo tồn này cũng rất đa dạng với danh mục gồm 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư...

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, đang khẩn trương xây dựng đề án phát triển hành lang đa dạng sinh học của khu vực Trường Sơn nhằm kết nối các Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Khu bảo tồn loài sao la và rừng Ngọc Linh. Toàn bộ khu vực này được kết nối tạo thành hành lang sinh thái bảo vệ.

Theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ngành nông nghiệp đã mời các đơn vị như dự án Trường Sơn Xanh, tổ chức WWF nhằm giúp tỉnh xây dựng đề án nâng hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh lên Vườn quốc gia Sông Thanh. Khi lên vườn quốc gia sẽ kết nối các địa phương trong bảo vệ hành lang an toàn đa dạng sinh học vùng Huế - Sê Kông - Quảng Nam - Kon Tum. Thời gian qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh ký kết quy chế phối hợp với các lực lượng chức năng khu vực biên giới Việt Nam - Lào nhằm bảo vệ nghiêm ngặt, đẩy đuổi các đối tượng ra khỏi khu vực khu bảo tồn.

Với ý tưởng mở tour du lịch trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Quảng Nam kỳ vọng sẽ phát triển kết nối nơi đây thành điểm tham quan du lịch sinh thái lý tưởng. Cùng với các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số, giá trị tài nguyên thiên nhiên của vùng đất này góp phần làm giàu đa dạng sinh học, phong phú về giá trị văn hóa. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, tăng cường công tác BVR và đa dạng sinh học, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng. Trong đó, chú trọng gắn công tác BVR với phát triển miền núi, nâng cao đời sống người dân sống trong và ven rừng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, song song với việc thay đổi các mô hình quản lý bảo vệ rừng ở các địa phương, các ban quản lý rừng, cần phải quan tâm các cơ chế, chính sách mới tạo sinh kế cho người dân miền núi. Mục đích giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên rừng thay các cơ chế sắp hết hạn như phát triển cây dược liệu, lâm sản phụ dưới tán rừng, trồng rừng gỗ lớn, nghiên cứu đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên cơ sở phát huy các giá trị cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phi vật thể.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đề xuất “lên hạng” Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO