Đừng đùa với... lửa

TRẦN HỮU 28/05/2021 05:22

Đốt xử lý thực bì giữa đỉnh điểm mùa khô nhằm chuẩn bị cho mùa trồng rừng là “thủ phạm” chính gây nên các vụ cháy rừng phòng hộ, rừng sản xuất nghiêm trọng thời gian qua.

Đốt thực bì khiến nhiều cây gỗ bị cháy đen trong khoảnh 3, 4, 5 Tiểu khu 689 xã Phước Kim. Ảnh: T.N
Đốt thực bì khiến nhiều cây gỗ bị cháy đen trong khoảnh 3, 4, 5 Tiểu khu 689 xã Phước Kim. Ảnh: T.N

Tắc trách từ sự lơ là

Trở lại vụ “Nhắm mắt” đốt cháy rừng” mà Báo Quảng Nam vừa phản ánh, việc đốt thực bì không tuân thủ đầy đủ các quy định dẫn đến gây cháy rừng thì trách nhiệm thuộc về chủ rừng (Ban Quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn), kể cả đơn vị thi công được thuê xử lý thực bì trước khi triển khai dự án trồng rừng thay thế (TRTT).

Lâu nay phần lớn các vụ cháy rừng có nguyên do từ việc dùng lửa bất cẩn. Ngày 14.3, Công ty TNHH MTV Tuấn Zin (đơn vị thi công) ký hợp đồng với chủ rừng, đến ngày 18.3 đưa lực lượng vào khu rừng này phát dọn xử lý thực bì.

Theo Nghị định số 156 ngày 16.11.2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, thì hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sinh sống, hoạt động ở trong rừng, ven rừng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy và chữa cháy khi đốt nương rẫy, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng; không đốt vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Tiến hành đốt lúc gió nhẹ, vào trước 9 giờ buổi sáng và sau 16 giờ buổi chiều. Trước khi đốt phải thông báo với trưởng thôn, bản, tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng; trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa…

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Quốc Trưởng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Tuấn Zin đã nhận trách nhiệm khi dùng hình thức đốt thực bì gây cháy 20ha rừng nằm trong phạm vi TRTT. Cái sai của đơn vị thi công là đốt thực bì trong khi quy định không được phép.

Theo tìm hiểu, không chỉ nhận TRTT ở khoảnh 3, 4, 5 của Tiểu khu 689 (xã Phước Kim, Phước Sơn) mà đơn vị thi công này còn TRTT ở nhiều gói thầu khác với diện tích trồng khoảng 200ha. “Nếu không phát đốt thì không thể trồng rừng được” - ông Trưởng biện minh.

Một vụ xử lý thực bì làm “chết đứng” rừng phòng hộ khác xảy ra cũng vào thời điểm mùa khô hồi năm ngoái tại xã Mà Cooih (Đông Giang). Vụ cháy rừng này, ông Vũ Phúc Thịnh với tư cách là Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang vừa đại diện cho nhóm hộ trồng rừng, đã thuê người vào dọn đốt thực bì chờ trồng vụ mới nhưng đám cháy lan rất nhanh, khó khống chế dẫn đến cháy hơn 32ha rừng phòng hộ.

Sự bất cập lớn nhất ở đây là UBND tỉnh đã nhiều lần quy hoạch điều chỉnh các loại rừng, trong đó nhiều diện tích đất rừng sản xuất, đất vườn, đất nông nghiệp, đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người dân tại xã Mà Cooih nhưng vẫn quy hoạch thành rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Tại các xã phía tây của huyện Duy Xuyên, cháy rừng xuất hiện ở các khu rừng sản xuất, phòng hộ mà nguyên nhân thường do người dân bất cẩn dùng lửa khi xử lý thực bì.

Điển hình vụ cháy rừng trồng mùa khô năm 2019 đã thiêu rụi 70ha rừng keo lá tràm giáp ranh 2 xã Duy Sơn và Duy Trinh. Qua xác minh, nguyên nhân xuất phát từ một hộ dân đi dọn thực bì nhưng không tiến hành phát ranh giới các khoảnh rừng với nhau để cản lửa cũng như chỉ đi một mình nên khi gió lớn, ngọn lửa bùng lên thì không đủ khả năng dập lửa.

Cần khoanh vùng và giám sát

Người dân các huyện miền núi và trung du còn giữ thói quen truyền thống đốt thực bì (mùa khô) để chuẩn bị dọn mặt bằng đất cho mùa trồng rừng mới (mùa mưa). Ngành lâm nghiệp và UBND tỉnh đã có hướng dẫn cụ thể về quy trình xử lý thực bì ở nương rẫy, trước khi đốt phải thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy; phải báo cho lực lượng kiểm lâm và chính quyền sở tại về thời gian, địa điểm phát, đốt rẫy; chỉ được đốt rẫy vào sáng sớm hoặc chiều tối khi có gió nhẹ.

Thế nhưng, những vụ cháy rừng thời gian qua cho thấy các đơn vị, người dân vẫn bất chấp quy định, tùy tiện trong đốt thực bì. Trong khi đó cơ quan chức năng và chủ rừng vẫn lơ là khâu kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Theo nguyên tắc, với các khu vực trọng điểm và khu rừng có nguy cơ cháy cao, cơ quan chức năng phải bố trí lực lượng chốt chặn, tuần tra, canh gác, kiểm soát người ra vào rừng, ngăn chặn các hành vi đưa lửa vào rừng, kịp thời phát hiện đám cháy. Nhưng thực tế cho thấy, lực lượng chức năng chỉ có mặt tại hiện trường sau khi đám cháy đã phát tán lan rộng, vì thế việc khống chế ngọn lửa gặp khó khăn.

Những thời điểm nắng nóng, dự báo cháy rừng ở cấp IV (cấp nguy hiểm) và cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), cơ quan kiểm lâm cần cắt cử cán bộ tuần tra, chốt chặn, nghiêm cấm mọi hoạt động xử lý thực bì bằng lửa và các hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây ra cháy rừng.

Trước các vụ đốt thực bì gây cháy rừng nghiêm trọng thời gian qua, chính quyền tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và làm rõ trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các ban quản lý rừng (chủ rừng) thực hiện nghiêm túc phương án bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; bố trí phương tiện, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thường trực tại các vùng trọng điểm để theo dõi nắm bắt tình hình.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đừng đùa với... lửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO