Mở đường lên vùng sâm Ngọc Linh: Cân nhắc chuyển mục đích sử dụng rừng

TRẦN HỮU 23/11/2020 10:21

Nhận thấy dự án đầu tư tuyến giao thông Măng Lùng - Đăk Lây đến vùng phát triển sâm Ngọc Linh (huyện Nam Trà My) có tác động đến rừng tự nhiên, UBND tỉnh đã xem xét cẩn trọng, xin ý kiến của Bộ NN&PTNT.

Gieo hạt sâm Ngọc Linh tại vườn ươm ở xã Trà Linh, Nam Trà My. Ảnh: H.P
Gieo hạt sâm Ngọc Linh tại vườn ươm ở xã Trà Linh, Nam Trà My. Ảnh: H.P

Dự án thuộc danh mục ưu tiên

Để phát triển sản phẩm mang thương hiệu quốc gia - sâm Ngọc Linh, Nam Trà My sẽ thực hiện đầu tư dự án đường giao thông đến vùng phát triển sâm Ngọc Linh, tuyến Măng Lùng - Đăk Lây (huyện Nam Trà My).

Tại cuộc làm việc mới đây với Quảng Nam,  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với đề nghị của tỉnh về sự cần thiết của việc triển khai Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đến năm 2030 nhằm giữ nguồn gen quý, kết hợp bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Về nguồn lực đầu tư, tỉnh sẽ chọn danh mục, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án thuộc đề án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh. Ngày 26.10.2020, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để triển khai dự án đường giao thông đến vùng phát triển sâm Ngọc Linh, tuyến Măng Lùng - Đăk Lây.

Theo UBND tỉnh, việc đầu tư đường giao thông vào vùng phát triển sâm Ngọc Linh là cần thiết được ưu tiên. Thời gian qua, ngân sách tỉnh dành kinh phí hằng năm để phát triển cây sâm. Trong đó hỗ trợ cây giống cho nhân dân, đầu tư trại sâm giống Tắk Ngo tại thôn 2 (xã Trà Linh) do huyện Nam Trà My quản lý; Trại dược liệu Trà Linh do UBND tỉnh quản lý với tổng diện tích hơn 7,1ha.

Lãnh đạo UBND huyện Nam Trà My cho rằng, hiện nay, quốc lộ 40B là tuyến đường duy nhất đi lên vùng trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, vì vậy để phát triển cây sâm và đáp ứng yêu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, huyện kiến nghị UBND tỉnh, Bộ GTVT đưa tuyến đường Măng Lùng - Đăk Lây vào danh mục ưu tiên đầu tư trong thời gian sớm nhất.

Cân nhắc cẩn trọng

Trả lời kiến nghị của UBND tỉnh, ngày 16.11.2020, Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 7951 do Thứ trưởng Hà Công Tuấn ký. Nội dung công văn cho rằng, UBND tỉnh chưa làm rõ diện tích rừng tự nhiên đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng của dự án thuộc phân khu nào của khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh. Do đó, chưa có cơ sở để xác định dự án thuộc tiêu chí được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên theo quy định tại Điều 41a bổ sung (khoản 2 Điều 1) Nghị định 83, ban hành năm 2020 của Chính phủ. Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong đó quy định tiêu chí xác định dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác; không nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng…

Theo Bộ NN&PTNT, dự án đường giao thông đến vùng phát triển sâm Ngọc Linh, tuyến Măng Lùng - Đăk Lây, nằm trong danh mục các dự án thuộc trách nhiệm thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên - môi trường. “Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 379, ngày 19.9.2017, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án là không phù hợp về thẩm quyền” - nội dung công văn nêu.

Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh cân nhắc cẩn trọng trong đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, đặc biệt đối với rừng đặc dụng là rừng tự nhiên, cũng như các hoạt động tác động làm thay đổi cân bằng sinh thái tự nhiên khu vực miền núi của địa phương. Bộ NN&PTNT lưu ý, thời gian qua, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai diễn ra ngày càng phổ biến, gây ra lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở một số địa phương.

Dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân, nhưng dư luận, các chuyên gia đang đặt vấn đề có ảnh hưởng của việc giảm diện tích rừng tự nhiên, do chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án khu vực miền núi đã làm thay đổi đặc tính tự nhiên, tính bền vững của tự nhiên. Đối với tỉnh Quảng Nam, nơi có nền địa chất yếu, nằm trong đứt gãy địa chất, đứt gãy phong hóa tạo ra độ gắn kết rất thấp, địa hình đồi núi có độ dốc lớn, chia cắt phức tạp, càng phải thận trọng khi tác động đến rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở đường lên vùng sâm Ngọc Linh: Cân nhắc chuyển mục đích sử dụng rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO