Nam Giang chủ động phòng cháy rừng

ALĂNG NGƯỚC 01/07/2021 05:13

Bằng nhiều phương án cụ thể từ phía cộng đồng, huyện Nam Giang nỗ lực triển khai các biện pháp ngăn ngừa, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); đồng thời chủ động kịch bản ứng phó với cháy rừng, đảm bảo an toàn trong mùa khô.

Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát giúp lực lượng bảo vệ rừng Nam Giang giữ an toàn địa phận quản lý trong mùa khô. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát giúp lực lượng bảo vệ rừng Nam Giang giữ an toàn địa phận quản lý trong mùa khô. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đề phòng “giặc lửa”

Nắng nóng kéo dài những ngày qua càng khiến công tác PCCCR trên địa bàn huyện Nam Giang trở nên khó khăn, mức độ cảnh giác được nâng cao hơn bao giờ hết. Cùng với xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó cháy rừng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức từ chính người dân, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) và “5 sẵn sàng” (lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy và thông tin) một cách hiệu quả và an toàn.

Theo ông Arất Bhen - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Giang, kể từ khi thành lập đơn vị được giao quản lý tổng diện tích hơn 55.510ha, bao gồm đất rừng phòng hộ và sản xuất lâm nghiệp. Toàn bộ diện tích đất rừng tự nhiên trên lâm phận quản lý có thảm thực vật rừng phân bố khá đều từ chân đến đỉnh đồi núi cao với mật độ dày và nhiều tầng; địa hình phức tạp, hiểm trở, dân cư phân bố không đồng đều, bị chia cắt bởi nhiều sông suối… khiến công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR gặp rất nhiều khó khăn.

“Đặc thù ở miền núi, mùa khô thường bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài đến hết tháng 8 hàng năm. Những năm gần đây, do tình hình biến đổi khí hậu nên mùa khô xuất hiện khá sớm, có năm từ tháng 2 đến hết tháng 9, với những tháng khô kiệt khiến nguy cơ cháy rừng luôn ở mức rất cao. Vì thế, bênh cạnh chủ động xây dựng kịch bản và các phương án ứng phó phù hợp với thực tế, chúng tôi tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, nâng cao ý thức PCCCR từ phía cộng đồng, giúp rừng luôn được đảm bảo an toàn” - ông Bhen chia sẻ.

Bên cạnh triển khai các phương án tại chỗ, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Giang phối hợp với lực lượng chức năng liên ngành xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể, bố trí lực lượng theo dõi, điều hành công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR trên địa bàn phụ trách.

Đồng thời xác định vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để có phương án phù hợp, sát với thực tiễn. Ngoài ra, các cán bộ chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng còn thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, tu sửa các bảng quy ước bảo vệ, PCCCR; lắp đặt biển cấm lửa, biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tại các khu dân cư, bìa rừng.

Nâng cao ý thức cộng đồng

Xác định cộng đồng là lực lượng tại chỗ giúp chính quyền địa phương giám sát, quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả, thời gian qua, bên cạnh nâng cao ý thức, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng, Nam Giang thành lập các tổ PCCCR tại các thôn, xã. Lực lượng này thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, phản ánh hiện trạng về môi trường rừng và đã qua các lớp tập huấn, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR.

Theo ông Hồ Viết Căn - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Giang, do đặc thù vùng miền núi, đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên kinh tế người dân chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Nhiều năm nay, ngoài sinh sống bằng nghề nông nghiệp canh tác trên đất dốc, người vùng cao duy trì khai thác lâm sản phụ như bứt mây, hái nấm, lấy mật ong rừng… Vì thế, nguy cơ dẫn đến cháy rừng luôn được cảnh báo ở mức cao, trở thành nỗi lo đối với chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vào mùa khô.

Để giữ rừng an toàn, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân miền núi, lực lượng chức năng ở Nam Giang triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, huy động người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, xem đó là trách nhiệm chung của cả cộng đồng.

Ngoài ra, hướng dẫn người dân làm đường biên, phát dọn sạch sẽ khu vực giáp ranh tại vị trí đất rẫy, đồi keo nhằm đảm bảo không để xảy ra trường hợp gây cháy rừng do chủ quan, lơ là. Tuy nhiên, theo đánh giá, công tác PCCCR ở Nam Giang vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR; chưa có công trình bể nước, hệ thống đường băng cản lửa tại các khu rừng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao… Do vậy, thời gian đến cần phải được đầu tư, nâng cấp trang thiết bị cần thiết, đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ “4 tại chỗ” và “5 sẵn sàng” trong PCCCR mùa cao điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nam Giang chủ động phòng cháy rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO