Phát triển chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh

HOÀNG LIÊN 24/09/2021 06:48

Để phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh, các giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng số lượng lẫn chất lượng vùng sâm, phát triển chuỗi giá trị về cây sâm được Quảng Nam và các bộ, ngành liên quan chú trọng.

Vườn sâm giống Ngọc Linh tại Trà Linh (Nam Trà My). Ảnh: CTV
Vườn sâm giống Ngọc Linh tại Trà Linh (Nam Trà My). Ảnh: CTV

Nâng cao năng lực sản xuất giống

Nhằm phục vụ mục tiêu bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, phát triển thương hiệu sâm quốc gia, thời gian qua, Quảng Nam chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao số lượng lẫn chất lượng vùng sâm giống.

Đó là việc đồng bộ các giải pháp nâng tỷ lệ cho hạt và chất lượng hạt giống trên cây sâm mẹ, áp dụng quy trình công nghệ sinh học, canh tác cây sâm mô phỏng theo tự nhiên, bảo tồn nguồn gen quý, di thực cây sâm ra vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng… 

Sở NN&PTNT đã đề nghị Sở KH-CN xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” (GCN) cho sản phẩm sâm củ là 252.761 cây, tại các hộ gia đình và tổ chức tại Nam Trà My. Cụ thể, năm 2019, GCN cho 39.343 cây, trong đó hộ ông Nguyễn Văn Trường 12.621 cây; Công ty CP-TM Dược Sâm Ngọc Linh 26.722 cây. Năm 2020, cấp GCN cho  213.418 cây sâm, trong đó Công ty TNHH Sâm Sâm 4.052 cây và Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam 209.366 cây. Đến nay, chưa có cơ sở, đơn vị nào tại Quảng Nam được cấp mã số cơ sở gây trồng nhân tạo đối với cây sâm Ngọc Linh theo Điều 17, Nghị định 06, ban hành năm 2019 của Chính phủ. Việc quản lý giống sâm Ngọc Linh được gây trồng nhân tạo đang gặp một số khó khăn do một số quy định về quản lý chưa phù hợp với thực tiễn và đồng bộ thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tại Trung tâm Sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, đội ngũ cán bộ nỗ lực ứng dụng kỹ thuật tạo giá thể gieo ươm, gieo hạt sâm giống trên luống hay trong khu vực có mái che, gieo trên khay có giá thể, khống chế dịch bệnh gây hại, điều chỉnh được độ ẩm cho cây, sử dụng mái che bảo vệ cây.

Điều này đã góp phần nâng tỷ lệ hạt nảy mầm, nâng tỷ lệ cây sâm giống mọc và sống sót cao hơn so với việc gieo trồng hạt sâm trong đất trước kia.

Ông Trần Ngọc Bằng - Giám đốc Trung tâm Sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho biết, lúc trước chỉ gieo hạt sâm xuống đất, không có mái che nên tỷ lệ hạt nảy mầm không cao do chịu nhiều tác động trong môi trường tự nhiên, sâu bệnh; tỷ lệ cây giống sống sót và đủ tiêu chuẩn xuất vườn chỉ đạt 19,2%.

Bên cạnh đó, trung tâm cũng áp dụng giải pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (bệnh chết củ, chết cây, héo cây, sâu bệnh, chuột ăn hạt sâm…), tạo điều kiện cho cây phát triển.

Nhờ đó, tỷ lệ cây sống sót, đạt chuẩn xuất vườn hiện đã nâng lên gần 60%. Vùng sâm giống đã được trang bị hệ thống camera giám sát, hệ thống điện chiếu sáng góp phần đáng kể vào công tác bảo tồn và phát triển vùng sâm.

Cũng theo ông Bằng, đơn vị đang phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội và 3 công ty là Công ty TNHH Sâm Sâm, Công ty TNHH Tân Nghĩa Sơn, Công ty TNHH KTC Quảng Nam triển khai dự án “Hoàn thiện quy trình sản xuất cây giống sâm Ngọc Linh từ hạt ở quy mô công nghiệp phù hợp với điều kiện canh tác tại tỉnh Quảng Nam”.

Dự án triển khai từ tháng 7.2021 đến 7.2027, thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia. Theo đó, công nghệ nhân giống cây sâm hiện có 3 phương pháp: bằng hạt, bằng công nghệ nuôi cấy mô và nhân giống từ mầm trên thân ngầm. Trong đó, giải pháp nhân giống từ hạt được xem là hiệu quả nhất.

Vì vậy, dự án tiến hành bình tuyển được cây trội để nhân giống xây dựng vườn sâm Ngọc Linh (vườn cây mẹ) đạt chất lượng cao nhất, đồng nhất và kiểu hình, kiểu gen phục vụ cho sản xuất để phát triển sản phẩm quốc gia. Sản phẩm cung cấp thông tin khoa học về tiêu chuẩn hạt giống, cây sâm Ngọc Linh, làm cơ sở chọn ra được nguồn giống tốt, hoàn thiện quy trình sản xuất hạt giống và cây giống phù hợp với thực tiễn sản xuất...

Phát triển chuỗi giá trị sâm

Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, việc ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật, KH-CN vào cây sâm là giải pháp tổng hợp tác động lên chuỗi giá trị của cây sâm, từ việc sản xuất giống sâm, quản lý dịch hại, bảo vệ cây sâm, di thực cây sâm, quản lý trên thị trường và toàn bộ khâu chế biến, sản xuất...

Muốn phát triển, trước hết phải đáp ứng yêu cầu sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa gắn với chế biến sâu, phát triển thương hiệu. Đồng thời, phải gắn sản xuất mang tính bền vững, không gây tổn hại đến môi trường rừng, làm suy giảm chất lượng rừng, bảo vệ môi trường sản xuất gắn thích ứng với biến đổi khí hậu...

Việc tập trung nâng cao năng lực sản xuất và quản lý cây giống là vấn đề cơ bản nhất, bảo tồn nguồn gen, tránh lai tạp. Việc quản lý cây sâm theo tem nhãn, khi vùng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cũng là yêu cầu đặt ra, trước mắt ứng dụng hiệu quả ở các vùng sâm có mái che, nhà lưới, khu vực trồng tập trung.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc ứng dụng KH-CN phải hướng tới phục vụ chuỗi giá trị cây sâm. Đó là khâu giống, trồng, chăm sóc, quản lý, tạo sản phẩm hàng hóa tới khâu chế biến, tiêu thụ. Trước hết phải đầu tư cho khâu giống, làm sao phải giữ được giống gốc, phát triển và di thực đến các vùng tương đồng để nhân rộng vùng nguyên liệu.

Sau đó hạ dần độ cao để tạo nguồn nguyên liệu nhiều hơn, ổn định, phục vụ sản xuất công nghiệp sâm với các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng. Để làm được điều đó, các sở, ngành phải phối hợp với địa phương, người dân cùng làm, nhằm phát triển thương hiệu sâm, làm sao đến năm 2030 - 2045, phải sánh được với công nghiệp sâm Hàn Quốc.

Chính phủ đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030. Theo đó, Quảng Nam và Kon Tum đã bố trí nguồn lực địa phương và xúc tiến, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn, đến nay đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đáng kể ở miền núi 2 tỉnh. Cơ sở hạ tầng vùng sâm được đầu tư, nâng cấp, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện.

Năm 2021, UBND tỉnh cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng tới năm 2045 hướng đến mục tiêu phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, phát triển công nghiệp sâm Ngọc Linh, đưa cây sâm Ngọc Linh ngang hàng với sâm Hàn Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO