Tìm lại màu xanh

DIỄM LỆ 04/03/2021 05:17

Những cánh rừng trồng, những vườn cây trái tan hoang sau bão dữ nay đang được dọn dẹp, trồng cây mới. Từ Tiên Phước đến Bắc Trà My, người dân đang ra công, chính quyền đồng hành, hỗ trợ nhân dân tìm lại màu xanh. 

Người dân huyện Bắc Trà My khai thác tận thu, dọn dẹp keo bị hư hại để trồng mới. Ảnh: D.L
Người dân huyện Bắc Trà My khai thác tận thu, dọn dẹp keo bị hư hại để trồng mới. Ảnh: D.L

Ra công đầu năm

Quả đồi thấp có diện tích khoảng 0,9ha trước giờ được ông Nguyễn Đức Huệ (thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước) trồng keo. Nhưng đợt bão năm 2020 đã làm cây ngã đổ toàn bộ. Ông Huệ xót cây, xót công của, nhưng đành làm lại từ đầu. Đầu năm mới, ông Huệ cùng các con ra công chặt bỏ toàn bộ số keo, làm lại đất để trồng cây ăn quả.

Ông Huệ nói: “Cả đời trồng cây trái, tôi thấy để chống chọi với bão chỉ có cách trồng cây thân chắc, rễ chắc bám sâu vào đất thì mới ổn. Thực tế cây thanh trà, măng cụt không bị hư hại nhiều. Thế nên tôi quyết định sẽ bỏ toàn bộ cây keo để trồng lại hai loại cây này, vừa kinh tế hơn lại thích ứng với thời tiết ngày càng khó chịu hơn”.

Ông Đoàn Văn Huynh (xã Trà Đông, Bắc Trà My) ngay sau tết bắt tay ngay vào việc khai thác, chặt bỏ, dọn dẹp khoảng 18ha keo từ 1 năm đến 3 năm tuổi bị ngã đổ do bão.

Như lời ông Huynh, ngay sau tết trời nắng ráo, nên phải tranh thủ dọn dẹp để trồng lại keo mới. Riêng việc khai thác, dọn dẹp rừng phải mất hơn 1 tháng. Nhân công khó tìm, vào mùa nắng trồng keo phải kèm theo việc vận chuyển nước tưới lên tận rừng để nhúng keo trồng, thêm nữa là keo giống lên giá và khan hiếm do nhu cầu của người dân quá cao. Mất trắng khoảng 1,5 tỷ đồng do thiên tai, nhưng ông Huynh vẫn phải gắng gượng, tiếp tục vay mượn để trồng lại diện tích keo đã mất.

Theo ông Huynh, giờ phải trồng lại chứ chẳng lẽ bỏ rừng, cả cuộc đời gắn bó với rừng rồi. Tốn kém bao nhiêu cũng phải phủ xanh lại rừng keo, chỉ mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người dân trồng lại rừng.

Tương trợ phục hồi

Diện tích cây keo, cây ăn quả ngã đổ lớn, nên người dân ở các huyện Tiên Phước, Bắc Trà My gặp khó khăn trong việc tìm nhân công, cây giống trồng lại rẫy rừng. Nhà ai cũng cần bắt tay làm từ đầu năm, nên người dân tương trợ nhau bằng cách “bắt công” cùng làm. Hết rẫy người này sẽ sang rẫy người khác, cùng nhau trao đổi công lao động để trồng lại rừng keo.

Ông Lê Văn Ba - Trưởng thôn Ba Hương (xã Trà Đông, Bắc Trà My) thông tin: “Như trong thôn Ba Hương, nhà ai cũng có rẫy keo bị hư hại nên giúp nhau ngày công để khai thác dù lấy củi hay lấy gỗ, dọn dẹp rẫy để trồng lại. Giờ kêu công khó quá, thì “bắt công” làm với nhau thôi. Cây giống cũng khan hiếm mà giá cao, nên rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ cây giống để người dân trồng rừng lại thì người dân rất mừng”.

Hỗ trợ cây giống để khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn là ý kiến mà Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My đề xuất đến ngành nông nghiệp tỉnh. Ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết, huyện đã kiến nghị tỉnh nên xem đây là cơ hội để khuyến khích nhân dân trồng rừng gỗ lớn nhằm tăng tính bền vững, bằng cách hỗ trợ cây giống để họ trồng, có kiểm tra, giám sát. Trước mắt để giúp người dân có điều kiện trồng lại rừng thì huyện đã đề nghị các ngân hàng trên địa bàn huyện có cơ chế khoanh nợ, giãn nợ đối với những hộ trồng rừng đã có vay vốn, hộ nào chưa vay thì tạo điều kiện cho họ vay tái sản xuất.

Trong khi đó, Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước đã tiếp nhận nguồn hỗ trợ từ Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc, mua và cấp hơn 9.000 cây giống gồm măng cụt, bưởi da xanh, cam (trị giá 1,1 tỷ đồng) cho nhân dân các xã Tiên Phong, Tiên Mỹ, Tiên Thọ, Tiên Kỳ, Tiên Lộc.

Ông Mai Minh Nguyệt - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết: “Người dân đã bắt tay trồng lại vườn cây trái, cây lâm nghiệp ngay sau Tết Nguyên đán. Giống cây ăn quả huyện đã hỗ trợ đã đến tay người dân trước tết, và họ đã tiến hành trồng lại vườn rừng. Riêng cây keo nguyên liệu còn diện tích khá lớn chưa khai thác được, nên người dân đang khai thác tận thu, dọn dẹp để trồng lại. Huyện đã hỗ trợ nhân dân 2 đợt cây giống trị giá 5 tỷ đồng, chưa thấm vào đâu so với nhu cầu kinh phí nhân dân đề nghị hỗ trợ là 79 tỷ đồng. Vì thế huyện kiến nghị ngành nông nghiệp tỉnh nghiên cứu cơ chế hỗ trợ nhân dân các huyện miền núi về cây giống để người dân có điều kiện phục hồi diện tích rừng trồng, vườn cây ăn quả”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm lại màu xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO