Trồng rừng gỗ lớn: "Ăn non" thì còn khó!

HỮU PHÚC 16/12/2020 06:16

Đời sống người dân gặp khó khăn, sinh kế thiếu bền vững và những vướng mắc khi triển khai chính sách đã tạo lực cản, nên giai đoạn 2019 - 2020, việc thực hiện chủ trương phát triển rừng trồng gỗ lớn tại Quảng Nam không đạt kết quả như mong đợi.

Khai thác keo hư hại sau bão tại thị trấn Tân Bình (Hiệp Đức). Ảnh: H.P
Khai thác keo hư hại sau bão tại thị trấn Tân Bình (Hiệp Đức). Ảnh: H.P

Áp lực sinh kế vùng khó khăn

Chúng tôi trở lại vùng keo nguyên liệu ở thị trấn Tân Bình (Hiệp Đức) sau hơn một tháng cơn bão số 9 và 10 quét qua. Đường vào cánh rừng sản xuất thuộc khối phố Tân Bình (thị trấn Tân Bình) sình lầy, lõm bõm nước do xe tải vận chuyển gỗ keo, cao su cày nát.

Ông Lê Ngọc Ân - người dân khối phố Tân Bình than: “Rừng keo 5ha gần 3 năm tuổi của gia đình bị đổ gãy, hư hại. Nếu không bị bão tàn phá, vài năm tới gia đình thu hoạch tiền tỷ, đằng này phải bán tháo tất cả số keo hư mới được 50 triệu đồng”.

Năm 2019, gia đình ông Ân được Công ty CP Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam hỗ trợ kỹ thuật, cây giống trồng rừng theo quản lý chứng chỉ rừng tiêu chuẩn quốc tế (FSC), cam kết thu mua gỗ sau khi khai thác… Gia đình ông Ân có 14ha rừng nhưng trồng xen canh theo chu kỳ chứ không trồng một lúc hết diện tích trên và ông chỉ cam kết hợp tác trồng rừng gỗ lớn với công ty khoảng 3ha.

“Phần lớn người trồng rừng ở đây đều có cuộc sống khó khăn, nên chỉ hộ nào có diện tích lớn mới dành một phần hợp tác trồng rừng gỗ lớn; còn lại trồng rừng chu kỳ 5 - 6 năm là bán mới đảm bảo cuộc sống” - ông Ân nói.

Tương tự, nhiều người trồng rừng ở các xã Sông Trà, Quế Thọ (Hiệp Đức) cho hay, dù biết trên cùng đơn vị diện tích canh tác giá trị kinh tế của rừng gỗ lớn cao gấp 1,5 - 2 lần so với gỗ nhỏ, nhưng với gia đình khó khăn, diện tích nhỏ (1 - 2ha) thì chu kỳ trồng rừng hơn 10 năm mới thu hoạch là khó khả thi. Mặt khác, gió bão vừa qua gây thiệt hại nặng đối với cả cây lâu năm khiến người dân cân nhắc việc đầu tư trồng rừng gỗ lớn.

Theo đại diện Công ty CP Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam, không phải người dân nào đơn vị cũng đến đặt vấn đề trồng rừng gỗ lớn, mà phải dựa vào thông tin từ chính quyền địa phương để sàng lọc. Những hộ có diện tích rừng nhiều, đời sống kinh tế ổn định, doanh nghiệp mới đặt vấn đề liên kết triển khai trên một phần diện tích.

“Chủ trương thì đúng rồi, nhưng với hộ nghèo khó, trồng rừng chu kỳ ít nhất 10 năm trở lên mới khai thác thì trong khoảng thời gian đó người dân sống bằng gì? Mấu chốt ở đây là phải giải cho được bài toán sinh kế đồng thời với phát triển rừng gỗ lớn” - đại diện lãnh đạo công ty nói. 

Từ năm 2019 đến nay, được sự hỗ trợ một phần kinh phí của dự án Trường Sơn Xanh (hỗ trợ cây giống, nhân công chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, tập huấn kiến thức về trồng rừng FSC), Công ty CP Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam đã ký hợp đồng với 333 hộ dân ở các huyện Hiệp Đức, Tiên Phước, Phước Sơn để trồng 710ha rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn diện tích 1.500ha.

Nhiều vướng mắc

Thực hiện Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 3.1.2019 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 14 phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2019 - 2020, trong đó tại 12 huyện của tỉnh sẽ trồng 10.000ha rừng gỗ lớn; mức hỗ trợ đối với các xã trong khu vực biên giới là 10 triệu đồng/ha, các xã ngoài khu vực biên giới 8 triệu đồng/ha.

Những năm qua, việc phát triển rừng trồng gỗ lớn tại Quảng Nam gặp nhiều khó khăn. Ảnh: H.P
Những năm qua, việc phát triển rừng trồng gỗ lớn tại Quảng Nam gặp nhiều khó khăn. Ảnh: H.P

Ngoài ra, nhà nước hỗ trợ chi phí cho công tác khuyến lâm mức 500 nghìn đồng/ha/4 năm (1 năm trồng và 3 năm chăm sóc); hỗ trợ một lần chi phí khảo sát, thiết kế, ký kết hợp đồng trồng rừng là 300 nghìn đồng/ha; hỗ trợ chi phí quản lý nghiệm thu 10% tổng mức đầu tư. Đối với mức hỗ trợ một lần cấp chứng chỉ rừng là 70% chi phí, tối đa không quá 300 nghìn đồng/ha với quy mô tối thiểu 100ha trở lên (cho rừng tự nhiên, rừng trồng). Hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng/cơ sở sản xuất giống nuôi cấy mô xây dựng mới... 

Tuy nhiên, năm 2019 cả tỉnh chỉ có 75 hộ đăng ký trồng rừng gỗ lớn theo chính sách hỗ trợ của ngân sách tỉnh với diện tích hơn 345ha (chỉ bằng 29,4% so với kế hoạch năm), giải ngân khoảng 2,3 tỷ đồng và có 3/6 huyện không thực hiện kế hoạch. Đối với nguồn ngân sách từ trung ương, diện tích thực hiện gần 423ha (chỉ bằng 24,8% kế hoạch) với 122 hộ tham gia, có 6/10 huyện không thực hiện kế hoạch.

Năm 2020, tỉnh đã phân bổ hơn 7,5 tỷ đồng để trồng rừng gỗ lớn theo Quyết định 14 với tổng diện tích trồng gần 1.783ha. Đến ngày 31.8.2020 Sở NN&PTNT mới xây dựng, phê duyệt hồ sơ thiết kế dự toán trồng rừng, yêu cầu các địa phương làm việc với cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp để hợp đồng mua cây giống phục vụ trồng rừng năm 2020. Mặc dù các địa phương chưa thống kê nhưng theo nhận định của Sở NN&PTNT, trồng rừng gỗ lớn năm 2020 tiếp tục đạt tỷ lệ rất thấp so với chỉ tiêu đề ra.

Tại các huyện Hiệp Đức, Bắc Trà My, Tiên Phước, hiện nay phần lớn người dân vẫn giữ thói quen trồng keo (chu kỳ khai thác 5 - 6 năm). Trường hợp người dân tự bỏ vốn, giống để đầu tư rừng gỗ lớn chiếm rất ít. Phần lớn người dân chuyển hóa rừng trồng khi có sự vào cuộc của doanh nghiệp, hợp tác xã và địa phương đứng ra vận động.

Theo các doanh nghiệp, rất khó thuê đất của người dân để trồng rừng; trong khi thuê đất do Nhà nước quản lý thì rườm rà thủ tục pháp lý, mất ít nhất 2 - 3 năm. Đáng nói, có sự “mâu thuẫn” trong hướng dẫn cơ chế chính sách giữa các ngành liên quan. Ví dụ, Sở NN&PTNT cho rằng, doanh nghiệp, hợp tác xã là chủ đầu tư trồng rừng; nhưng theo Sở Kế hoạch - đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã không phải chủ đầu tư trồng rừng, do là đơn vị liên kết với người dân trồng chứ không trực tiếp trồng.

Mới đây, ngày 5.11.2020, Sở Kế hoạch - đầu tư có Công văn số 1720 trả lời Hợp tác xã Nông nghiệp Hiệp Thuận (huyện Hiệp Đức) về đề xuất của đơn vị này trong hỗ trợ trồng rừng theo Quyết định số 14 của UBND tỉnh. Nội dung văn bản cho rằng, căn cứ quy định tại khoản 7, Điều 5 Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ, thì Hợp tác xã Hiệp Thuận không phải là chủ rừng (liên kết với dân trồng rừng) do đó không đảm bảo điều kiện hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trồng rừng gỗ lớn: "Ăn non" thì còn khó!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO