Xác lập vùng quản lý rừng nghiêm ngặt

TRẦN HỮU 19/03/2021 03:53

Ngoài phân vùng, cắm mốc bảo vệ nghiêm ngặt các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, Quảng Nam đang có kế hoạch thực hiện chương trình “trồng 1 tỷ cây xanh” theo phát động của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Lực lượng kiểm lâm rà soát các vị trí xâm hại rừng trong Vườn quốc gia Sông Thanh. Ảnh: H.P
Lực lượng kiểm lâm rà soát các vị trí xâm hại rừng trong Vườn quốc gia Sông Thanh. Ảnh: H.P

Bảo vệ nghiêm ngặt "rừng cấm"

Cuối năm 2020, sau khi UBND tỉnh quyết định chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh lên Vườn quốc gia Sông Thanh, thì khu rừng này đã được đặt trong tình thế “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu được phân công làm Trưởng ban chỉ đạo đánh sập các hầm khai thác vàng trái phép trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh. Hàng chục năm nay, khu bảo tồn là “căn cứ” cho các đối tượng khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép. Các hành vi đào khoét hầm lò ăn xuyên lòng đất đã tàn phá nhiều cây cối, gây ô nhiễm môi trường tự nhiên.

Hiện chủ rừng đã cử 10 kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng chốt chặt 24/24 giờ tại khe Tà Vạt, xã Đắc Pring (Nam Giang) để chờ chính quyền tỉnh lên phương án dùng thuốc nổ giật sập các hầm vàng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu quả quyết, chỉ có phương án đánh sập các hầm vàng là tối ưu nhất, ngăn chặn được khả năng các đối tượng quay trở lại xâm hại rừng, tận thu khoáng sản.

Ông Đinh Văn Hồng – Giám đốc Vườn quốc gia Sông Thanh cho biết, diện tích vườn quốc gia rộng hơn 76.500ha, trải dài trên địa bàn 12 xã của 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn, thuộc khu vực biên giới Việt Nam - Lào, phía nam giáp với tỉnh Kon Tum.

“Muốn phục hồi đa dạng hệ sinh thái vùng lõi vườn quốc gia thì trước hết phải đẩy đuổi các đối tượng lâm tặc, vàng tặc ra khỏi địa bàn, xóa sổ vĩnh viễn 64 miệng hầm vàng mà đơn vị khảo sát đã phát hiện tại các khe Tà Vạt, Thạnh Mỹ 1 và Thạnh Mỹ 2 của xã Đắc Pring thuộc huyện Nam Giang” – ông Hồng nói.

Cũng đầu năm 2021, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh sao la được đưa vào quản lý bền vững đến năm 2030. Theo Sở NN&PTNT, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ sử dụng toàn bộ hơn 15.486ha cho mục đích đất rừng đặc dụng. Đồng thời, tổ chức khoán bảo vệ rừng (BVR) ổn định hàng năm trên diện tích 8.948,4ha rừng tự nhiên cho các nhóm hộ theo đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng cho biết, phương án BVR thông qua việc tổ chức hoạt động của lực lượng chuyên trách BVR; khoán BVR với cộng đồng dân cư, người dân địa phương; cắm mốc ranh giới, bảng ranh giới nhằm phân định ranh giới khu bảo tồn và giảm thiểu tình trạng xâm lấn tài nguyên rừng. Ngoài ra, tổ chức thường xuyên các hoạt động tuần tra kiểm soát rừng, truy quét các điểm nóng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng và đất rừng theo quy định của pháp luật.

Tăng độ che phủ rừng

Từ nhiều nguồn lực, Quảng Nam đã triển khai nhiều chương trình, dự án bảo vệ và phát triển rừng mang lại hiệu quả cao. Năm 2020, diện tích rừng tự nhiên được công nhận thành rừng tăng 850ha, độ che phủ rừng đạt hơn 59% và là một trong 7 tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường trồng cây xanh tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng nhân dịp tỉnh phát động chương trình trồng 1 tỷ cây xanh. Ảnh: H.P
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường trồng cây xanh tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng nhân dịp tỉnh phát động chương trình trồng 1 tỷ cây xanh. Ảnh: H.P

Theo ngành nông nghiệp, Quảng Nam cũng là một trong số những địa phương sớm hưởng ứng và thực hiện chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh cho Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động.

Theo kết quả điều tra hiện trạng rừng mới đây của UBND tỉnh, tổng diện tích tự nhiên của tỉnh 1.057.474ha. Diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng 769.298ha (729.756ha trong quy hoạch và 39.541ha có rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng). Trong đó diện tích đất có rừng 683.034ha (bao gồm cả diện tích đất đã trồng chưa thành rừng, gồm rừng tự nhiên 466.207ha, rừng gỗ 453.662ha, rừng tre nứa 4.662ha, rừng hỗn giao 7.796ha; diện tích rừng trồng 216.826ha).

Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ rừng năm 2020; triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành lâm nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, các vụ vi phạm lâm luật đã được lực lượng kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng, chủ rừng xử lý đúng quy định của pháp luật; cơ bản kiểm soát các vùng trọng điểm về phá rừng, khai thác rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép.

Thêm vào đó, các chương trình dự án trồng rừng gỗ lớn đã được triển khai góp phần nâng cao độ che phủ rừng, ổn định sinh kế bền vững cho người dân. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản vẫn còn xảy ra; việc thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình về bảo vệ, phát triển rừng chậm tiến độ.

Về kế hoạch năm 2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu lưu ý, ngành lâm nghiệp cần nêu cao vai trò giám sát và tham gia của người dân trong thực hiện chính sách, pháp luật về BVR. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động về thực hiện Chỉ thị số 13, ngày 12.1.2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 06, ngày 4.11.2016 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, BVR và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Triển khai chặt chẽ các quy chế phối hợp ở các khu vực vùng giáp ranh giữa các huyện và với các địa phương lân cận. Các nhiệm vụ lâu dài của ngành lâm nghiệp là đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo giống cây trồng rừng mới cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; đầu tư sản xuất thâm canh rừng trồng và chế biến gỗ. Phải gắn việc trồng rừng, BVR với phát triển dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xác lập vùng quản lý rừng nghiêm ngặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO