Làm nông ở phố

QUỐC TUẤN 13/10/2018 04:09

Dù là thị dân từ lâu nhưng nghề nông vẫn là sinh kế chính của họ. Khắc phục những hạn chế về quỹ đất, làm nông ở phố theo hướng hiện đại có thể là một lối mở cho bài toán tìm sinh kế ở những vùng đất đang và sẽ đô thị hóa.

Mô hình trồng rau thủy canh tại phường Điện Ngọc, TX.Điện Bàn. Ảnh: Q.TUẤN
Mô hình trồng rau thủy canh tại phường Điện Ngọc, TX.Điện Bàn. Ảnh: Q.TUẤN

Ứng dụng kỹ thuật cao

Trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ của TP.Đà Nẵng, ở các vùng ven đô trước kia như: Cẩm Lệ, Sơn Trà… tỷ trọng sản xuất nông nghiệp dần dịch chuyển sang công nghiệp, dịch vụ - thương mại. Nhưng rất khó cho một bộ phận không nhỏ người dân ở vào tuổi trung niên có thể chuyển đổi nghề nghiệp thuận lợi và nghề nông vẫn là sinh kế chính của họ. Từ sự quy hoạch và những chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương, nghề nông của thị dân ở các vùng này được “nâng cấp” và làm theo kiểu bài bản hơn. Từ những nông dân “chân đất”, khoảng 40 thành viên của làng rau La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) giờ đây đang có một hợp tác xã (HTX) rau hướng đến vùng rau ứng dụng kỹ thuật cao. Theo ông Trần Văn Hoàng – Giám đốc HTX Rau an toàn La Hường, so với năm 2016 thì diện tích canh tác ở vùng rau La Hường không giảm đi mà tăng thêm hơn 2ha, đó là một tín hiệu vui đối với những thị dân gắn với nghề nông bởi nỗi lo lớn nhất của họ luôn là quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp.

Thị dân Đà Nẵng đang ưu tiên canh tác nhiều loại hoa, cây cảnh nông sản có giá trị cao, đặc biệt là các loại nấm như: nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ… HTX nấm An Hải Đông (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nổi lên là một điểm sáng ấn tượng trong phát triển nông nghiệp đô thị. Vốn là một phường ven biển với quỹ đất đô thị hạn hẹp đã từng phải dời địa điểm để trả lại mặt bằng vào năm 2012 để thực hiện các dự án trọng điểm nhưng với kinh nghiệm của những người tâm huyết, HTX nấm An Hải Đông đã dần phát triển mạnh và mở rộng mạng lưới cung cấp giống cho các tỉnh miền Trung. Những nông dân, ngư dân “đầu tắt mặt tối” ngày nào hiện tại còn đang thực hiện quảng bá, tư vấn kỹ thuật trồng nấm qua website namanhaidong.com hay hướng đến xây dựng sản phẩm nấm cao cấp, xây dựng chuẩn ISO 9001-2015 để hướng đến nền nông nghiệp đô thị đúng nghĩa…

Nông nghiệp du lịch

Xuôi về phía nam Đà Nẵng, 2 đô thị Hội An và Điện Bàn cũng đang đô thị hóa mạnh mẽ kéo theo đó là quỹ đất nông nghiệp cho những nông dân đang “chập chững” trở thành thị dân hẹp dần. TP.Hội An đang cố gắng xây dựng một nền nông nghiệp hài hòa với đô thị du lịch và nhiều thị dân đã được hưởng lợi từ các chính sách, dự án phát triển nông nghiệp theo hướng này. Ở phường Cẩm Châu đã phát triển được một vùng chuyên canh hoa, cây cảnh quy mô khá và đang triển khai trồng rau hữu cơ để phát triển du lịch sinh thái tại làng An Mỹ. Trong khi đó, những hộ dân trồng quật tại phường Thanh Hà lâu nay cũng có đóng góp quan trọng để Hội An trở thành “vựa” quật ở miền Trung. Ngoài ra, mô hình sản xuất bắp nếp hữu cơ, rau hữu cơ ở phường Cẩm Nam cũng hứa hẹn mở ra thêm một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Hội An.

Ở thị xã Điện Bàn, 4 mô hình nhà lưới trồng rau hữu cơ tại các phường vùng cát được hỗ trợ kinh phí xây dựng từ phía chính quyền đều phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, mô hình rau thủy canh canh tác không cần đất cũng đã bước đầu được triển khai từ khát vọng của những nông dân trẻ. Tuy nhiên, những lo toan về quỹ đất thực sự khiến những thị dân lo lắng cho sinh kế của họ một khi quá trình đô thị hóa tiếp tục được mở rộng. Cây măng tây (canh tác chủ yếu ở phường Điện Dương, Điện Bàn) và cỏ Nhật (phường Cẩm An, TP.Hội An) chính là những loại cây trồng triển vọng cho nông nghiệp đô thị - nông nghiệp gắn với du lịch ở địa phương đang đứng trước nguy cơ không còn tồn tại vì hết quỹ đất để canh tác.

Một lợi thế không nhỏ cho những thị dân làm nông ở phố chính là dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường tiêu thụ. Như HTX Rau an toàn La Hường có đến 5 cửa hàng để giới thiệu và bày bán sản phẩm ở khu vực trung tâm TP.Đà Nẵng. Hay như chị Lê Nguyễn Thị Như Nguyện - chủ cửa hàng nông sản sạch Nongpro (quận Sơn Trà) thông tin: “Những loại nông sản sạch ở cửa hàng như măng tây, rau các loại lấy từ phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn), TP.Hội An thường xuyên cháy hàng do số lượng hạn chế”. Tính ra, mỗi năm thu nhập bình quân của thị dân làm nông từ: trồng hoa, cây cảnh, rau sạch, nấm… thấp cũng được vài chục triệu đồng, cao thì lên đến vài trăm triệu đồng đủ để họ trang trải cuộc sống mà nếu không làm nông thì họ khó có thể tìm ra một khoản tiền lớn như vậy.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm nông ở phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO