Tính đến cuối tháng 7.2013, tỷ lệ giải ngân vốn năm 2013 đã đạt hơn 64%, vượt cùng kỳ năm ngoái 24%. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, khả năng hoàn tất kế hoạch giải ngân 100% vốn theo dự định là điều có thể đạt được nếu các chủ đầu tư đều nỗ lực đẩy nhanh tiến độ công trình.
Sự ì ạch của các khu tái định cư hay các công trình giao thông… khiến tốc độ giải ngân không tăng trưởng nhanh. Ảnh: T.D |
Giải ngân tăng
Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, đến cuối tháng 7.2013, hệ thống đã giải ngân 4 cấp ngân sách hơn 2.584 tỷ đồng/4.057 tỷ đồng kế hoạch. Nếu như cùng thời điểm năm ngoái, tỷ lệ giải ngân 4 cấp ngân sách chỉ đạt xấp xỉ 40% thì năm nay đã giải ngân đến 64%, cao hơn cùng kỳ 24%. Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho biết, cơ chế giải ngân năm 2013 vẫn thực hiện theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15.10.2011, nghĩa là vẫn siết chặt và tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước. Tất cả dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương và vốn trái phiếu chính phủ đều được Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính thẩm định. Ngoài ra, các dự án khởi công mới đều có quyết định đầu tư trước ngày 31.10.2012 và quyết định phê duyệt tổng dự toán trước ngày 31.3.2013. Các chủ đầu tư chịu trách nhiệm xác định mức tạm ứng cho từng trường hợp hợp đồng cụ thể với tổng mức vốn tối đa 30% kế hoạch và bảo đảm mức tạm ứng cho cả dự án và bảo lãnh tạm ứng cho tất cả nguồn vốn. Ông Lê Xuân Khanh - Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam nói, nhờ công tác giao, phân bổ kế hoạch vốn đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay từ tháng 12.2012 và tháng 1.2013 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư chủ động triển khai thực hiện theo kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân tăng đã chứng minh cam kết hợp tác giữa các chủ đầu tư, nhà thầu và cơ quan quản lý đã phát huy hiệu quả cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, đằng sau con số giải ngân khả quan ấy vẫn còn khá nhiều dự án chưa thể triển khai thực hiện hoặc chậm tiến độ. Bảng “phong thần” về các dự án, tập trung nhiều nhất ở các dự án do tỉnh quản lý chưa đến kho bạc giải ngân vẫn còn đến 50 dự án với 90,959 tỷ đồng. Trong số đó, nguồn vốn xây dựng cơ bản chiếm đến 40 dự án, nguồn chương trình mục tiêu quốc gia 7 dự án và 3 dự án của nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Ngoài ra, vẫn còn đến 28 dự án khác chỉ mới giải ngân khoảng dưới 30% kế hoạch vốn với số vốn còn lại chưa giải ngân khoảng 312 tỷ đồng. Chiếm nhiều nhất vẫn là nguồn xây dựng cơ bản đến 16 dự án (khoảng 125 tỷ đồng), 8 dự án nguồn trái phiếu chính phủ (gần 187 tỷ đồng) và hơn 1,4 tỷ đồng của 4 dự án nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Lý do được nêu ra không ngoài việc hầu hết hợp đồng năm 2012 giữa chủ đầu tư và nhà thầu chỉ được giải ngân tối đa là 30% kế hoạch vốn giao hàng năm cho dự án trừ các dự án được người quyết định đầu tư xem xét, quyết định tạm ứng tối đa 50% giá trị hợp đồng… lẫn việc không loại trừ cả việc thiếu khả năng tài chính, khó tiếp cận vốn vay và sự kéo dài niên độ cấp phát của nhiều nguồn vốn… đã khiến các nhà thầu “không thể đẩy nhanh tiến độ dự án”.
Giải ngân hết vốn?
Tốc độ giải ngân đạt 64% và vượt 24% so với cùng kỳ năm ngoái cùng với nỗ lực hợp tác giữa các chủ đầu tư, nhà thầu và cơ quan quản lý phát huy tác dụng, đã khiến Quảng Nam hy vọng cải thiện tỷ lệ giải ngân cao hơn so với nhiều năm trước. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, nếu như các chủ đầu tư và nhà thầu nỗ lực, đẩy nhanh tiến độ dự án thì hy vọng sẽ giải ngân xấp xỉ 100% kế hoạch vốn. Ngày 13.8 tới, UBND tỉnh sẽ mở hội nghị trực tuyến với các địa phương để kiếm tìm và bàn biện pháp tập trung hoàn thành kế hoạch năm 2013. Hy vọng từ cuộc họp này, tốc độ giải ngân của các dự án đầu tư sẽ được gia tăng.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là hy vọng. Dù tốc độ giải ngân đã được cải thiện dần theo hướng thực chất, nhưng nghịch lý “không xài hết vốn đầu tư” vẫn diễn ra nhiều năm qua. Nếu những chương trình, dự án mới được cho là chưa đủ thời gian và kinh nghiệm để hấp thụ vốn và triển khai chương trình thì những biện giải của các chủ đầu tư (kế hoạch vốn thông báo chậm, giải phóng mặt bằng yếu, chưa thể nghiệm thu khối lượng hoàn thành…) dẫn tới tỷ lệ giải ngân thấp vẫn là chuyện lâu nay. Cơ chế hay năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu?
Sốt ruột nhiều nhất trong chuyện không thể giải ngân hết vốn đầu tư vẫn là từ phía Kho bạc Nhà nước Quảng Nam. Trong một báo cáo gửi UBND tỉnh mới đây, Kho bạc Nhà nước kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, buộc họ phải rà soát lại tiến độ, khả năng thực hiện của các dự án, đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn kịp thời đợt I vào tháng 9 - 10 năm 2013. Khúc mắc của các địa phương về các công trình kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn mới có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật sau ngày 31.10.2012 không phù hợp… đã được “giải tỏa” bằng cách đề nghị UBND tỉnh cho phép giải ngân như năm cũ. Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho hay, vấn đề quan trọng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, “loại bỏ” kiểu “chùng chình” của nhiều chủ đầu tư khi không đến kho bạc thanh toán hay giải ngân thấp vẫn là chuyện theo dõi chặt chẽ các khoản tạm ứng quá thời gian quy định. Toàn bộ số vốn ứng quá hạn này đều buộc phải áp dụng việc tính lãi suất theo như quy định của công văn liên ngành do tỉnh ban hành mới đây và nếu như các nhà thầu không hợp tác, “lần lữa” chuyện xử lý thì sẽ phải được chuyển cho các cơ quan chức năng theo pháp luật!
TRỊNH DŨNG