Lan man chuyện khởi nghiệp

PHAN VĂN MINH 31/07/2016 10:10

Hình như từ sau cuộc trò chuyện thân mật của tổng thống Mỹ Barack Obama với các doanh nhân trẻ Việt Nam tại trung tâm Dreamplex Sài Gòn hồi cuối tháng 5.2015,  “thời ngữ” startup (khởi nghiệp) đã được nhắc đến ngày càng nhiều hơn trên hệ thống truyền thông cả nước.

Và có vẻ như đội ngũ trí thức trẻ xứ ta vốn nhiều hoài bão nhưng cũng hơi rụt rè vừa được… hích thêm một cú, nay đang có thêm nhiều động năng mới trong việc tìm kiếm con đường khởi nghiệp.

Bằng cấp và khởi nghiệp

Khi nói đến khởi nghiệp, người ta thường nghĩ đến nước Mỹ, bởi sự thịnh vượng của xứ sở này gắn liền với những thương hiệu mạnh mà phần lớn được sáng lập từ những “bàn tay trắng”. Điều đáng suy ngẫm là khá nhiều nhà khởi nghiệp thành công ở Mỹ có con đường học vấn dở dang. John D.Rockefeller - vua dầu lửa, Henry Ford - trùm ô tô, Andrew Carnegie - vua thép… đều chỉ dừng lại ở bậc học phổ thông. Ngày nay nhiều người sẵn sàng “goodbye” giảng đường đại học (cho dù đó là đại học Harvard) để theo đuổi việc kinh doanh. Mark Zuckerberg, tỷ phú 8X trẻ nhất thế giới, đã sáng lập Facebook từ  ký túc xá sinh viên và sau đó đã bỏ học để toàn tâm cho công việc kinh doanh. Bill Gates của công ty Microsoft cũng vậy. Tuy nhiên ông khuyên các sinh viên đừng bắt chước mình. Và chính ông, sau hơn 30 năm bỏ học, lại đến đại học Harvard để nhận một tấm bằng “danh dự”. Ở xứ sở này, khởi nghiệp không phải là một cái gì đó quá xa vời mà nằm trong khả năng và ý thức thường trực của mọi công dân.

Khát vọng khởi nghiệp thường bắt đầu từ giới trẻ. Nguồn: Internet
Khát vọng khởi nghiệp thường bắt đầu từ giới trẻ. Nguồn: Internet

Ở xứ ta cũng ghi nhận nhiều đại gia làm nên cơ nghiệp từ trong sự chật vật cả về tài chính lẫn mặt bằng văn hóa. Đoàn Nguyên Đức sau 4 lần thi trượt đại học đã khởi nghiệp với một xưởng mộc nhỏ ở làng quê, tiền thân của tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai ngày nay. Trong danh sách này còn phải kể đến Lê Phước Vũ, chủ tịch tập đoàn tôn Hoa Sen; Lương Xuân Hà, nhà đầu tư chính của khu đô thị  Ecopark; Cô Gia Thọ, vua bút bi Thiên Long… Ngoài ra, một số đại gia tuy có bằng đại học nhưng lại thành công ở những lĩnh vực chẳng mấy liên quan đến chuyên môn được đào tạo. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn Vingroup, người Việt đầu tiên có tên trong bảng xếp hạng tỷ phú đô la thế giới, từng khởi nghiệp với một dây chuyền sản xuất mì gói ở Ucraina trong khi ông lại có bằng đại học kinh tế địa chất ở Moscow…

Như thế, dường như trong chuyện khởi nghiệp, bằng cấp chưa hẳn là một điều kiện thiết yếu. Có thể đó là sự nhạy bén đối với thị trường, có thể là nhờ những mối quan hệ hữu hảo…, và cũng có thể là nhờ một vận may nào đó. Tuy nhiên trong nền kinh tế tri thức ngày nay, nếu xét trong một môi trường kinh doanh minh bạch với cơ hội cho mọi người là như nhau, thì năng lực chuyên sâu qua đào tạo vẫn luôn là một điều kiện cần. Luật pháp và thị trường sẽ ngày càng thiếu chỗ đứng cho những kiểu làm ăn phá rào chụp giựt, luồn lách ngả sau, lọc lừa ngả trước như một số doanh nghiệp đã từng bị công luận chỉ tên vạch mặt.

Kế thừa và sáng tạo

Khi loài người chưa biết đến ô tô, Henry Ford chế ra chiếc xe bốn bánh có động cơ tạo nên một nhu cầu hoàn toàn mới: di chuyển bằng ô tô. Và những người có tiền đổ xô đi mua những chiếc ô tô thương phẩm. Tương tự như thế với máy thu thanh, thu hình, telephone cho đến computer, laptop… Con người luôn hồ hởi đón nhận sự xuất hiện lần đầu tiên của những phương tiện phục vụ cho một nhu cầu, giống như tâm trạng của người đang cơn khát được trao cho một ly nước. Miễn “nước” là được, không đòi hỏi gì hơn. Người ta gọi đó là ly nước thứ nhất. Uống đến ly nước thứ hai, nhu cầu “khát” sẽ được bão hòa. Tuy nhiên tình hình bây giờ đã khác. Các nhu cầu cơ bản của con người gần như đã được thỏa mãn, những mảnh đất trống cho sự khai sáng không còn nhiều. Khởi nghiệp lúc này có nhiều cơ hội thành công hơn với việc nâng cấp những sản phẩm đã có theo thị hiếu của khách hàng. Chính các “Thượng đế” này mới là chủ thể của việc ra đời những sản phẩm mới. Họ cần một ly nước sạch hơn, ngon hơn. Các nhà kinh tế học gọi đây là giai đoạn khởi nghiệp với ly nước thứ ba.

Và như thế, khởi nghiệp ở thời kỳ này không nhất thiết phải có một sự khai sáng mang tính cách mạng. Có thể 99% kế thừa và 1% sáng tạo cũng đủ làm nên sự khác biệt. Microsoft  đã có Window 10. Iphone nâng cấp từ phiên bản 6 lên 6s rồi đến 6s plus… Mỗi phiên bản mới chỉ là một sự cải tiến nhỏ từ sản phẩm trước đó. Nhưng chỉ vậy cũng đủ khiến cho hàng triệu người tranh nhau sở hữu.

Tất nhiên, không thể khởi nghiệp với một sản phẩm 100% sao chép. Giữa hai sản phẩm giống hệt nhau, khách hàng sẽ chọn cái có trước vì đã quen dùng. Kẻ đến sau muốn tranh giành được thị phần, chỉ còn một cách là… phá giá. Nhưng đó là một thủ đoạn mà trên thương trường minh bạch toàn cầu ít ai dám “chơi” vì  sẽ bị chế tài rất nặng.

Như vậy, phải chăng điều kiện đầu tiên để khởi nghiệp chính là một ý tưởng nào đó mà chưa ai nghĩ tới. Và chỉ cần thêm 1% vượt trội vào những điều đã có.

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lan man chuyện khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO