Lần đầu tiên tổ chức bên ngoài phố cổ, Hội thi hô hát bài chòi TP.Hội An lần thứ 3 - 2018 đã trở thành một hoạt động văn hóa nhiều ý nghĩa, qua đó giúp phát hiện những nhân tố mới và lan tỏa phong trào hô hát bài chòi trong cộng đồng dân cư.
Hội thi bài chòi nhằm tìm những nhân tố mới và tạo ra sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. |
Rộn ràng đêm hội
Sinh ra trong một gia đình có nhiều người đam mê bài chòi, ngay từ nhỏ Nguyễn Thị Tường Vy (giáo viên mầm non phường Cẩm An) đã rất thích nghe dân ca và hô hát bài chòi. Tham gia hội thi bài chòi lần này với chị là niềm vui và cơ hội để thỏa mãn niềm đam mê đứng trên sân khấu. “Mỗi lần đi chơi phố cổ nghe các chị hiệu, anh hiệu hát bài chòi tôi rất thích nên thường hát theo đến lúc thuộc khi nào không biết” - chị Vy nói. Đội phường Cẩm An tham gia hội thi lần này có 5 người gồm 3 hiệu và 2 người chơi đã mang đến người xem những giai điệu dân ca mượt mà nhưng không kém phần dí dỏm hài hước, tạo nên niềm vui và tiếng cười sảng khoái cho người xem.
Cũng đam mê hô hát bài chòi từ nhỏ nên ông Võ Văn Thành (phường Sơn Phong) dù mới vừa khỏi bệnh, giọng còn khàn nhưng vẫn cố gắng tham gia để thỏa mãn niềm yêu thích, nhất là được diễn trước một “sân khấu lớn”. “Tôi biết hát bài chòi từ nhỏ, thời thanh niên tham gia các phong trào cổ động như an toàn giao thông, tiết kiệm, vận động quần chúng thực hiện những chủ trương, chính sách của Nhà nước, sau đó thì tham gia hát ở khối, ở phường. Nói chung mê lắm, mê đến độ đứng đâu cũng hát, nên việc thành phố tổ chức cuộc thi này rất hay và ý nghĩa vì nó có tính văn hóa quần chúng để anh em cùng tham dự thi tài, nhất là các bạn trẻ có dịp hiểu biết hơn nghệ thuật bài chòi, qua đó giúp cho văn hóa dân gian của Hội An phát triển. Tôi vẫn hay nói con cháu ở nhà cần học bộ môn này, nói chi xa chứ chỉ hát ru con cũng dễ ngủ vì dân ca bài chòi rất hay, rất sâu lắng” - ông Thành tâm sự.
Dù không phải là một sân khấu chuyên nghiệp nhưng hội thi bài chòi đã thực sự mang đến nhiều cảm xúc cho người xem cũng như các “nghệ sĩ nhân dân” về một sân chơi nghệ thuật hấp dẫn, mang tính cộng đồng cao. Có lẽ vậy, hội thi đã thu hút nhiều người tham gia, từ anh hiệu, chị hiệu đến người dân và du khách, góp phần tạo ra sự lan tỏa rộng rãi, để bài chòi thật sự trở về với cộng đồng cư dân như vốn trước đây đã vậy (UNESCO cũng đã khuyến nghị điều này), trong đó hai thành tố không thể thiếu là trò diễn bài chòi với vai trò của anh hiệu, chị hiệu và khán giả chơi/xem/nghe bài chòi.
Tìm nhân tố mới
Có thể thấy, kể từ khi nghệ thuật bài chòi miền Trung được UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại (giữa tháng 10.2017), bài chòi được người dân và du khách quan tâm nhiều hơn. So với nhiều loại hình nghệ thuật khác, hô hát bài chòi chủ yếu theo 4 làn điệu cơ bản là xàng xê, xuân nữ, hò Quảng và cổ bản. Riêng tại Quảng Nam còn có thêm làn điệu vè Quảng và vọng kim lang, qua đó tạo nên nét riêng của bài chòi Quảng Nam. Bài chòi hấp dẫn người chơi không chỉ bởi hình thức đơn giản, mà còn ở cách thể hiện chân chất, lời hát gần gũi, nói lên tâm tư, nguyện vọng của người dân, phản ánh lao động, đồng thời cũng phê phán thói hư, tật xấu vừa sâu sắc nhưng cũng dí dỏm, lắng đọng trong lòng người nghe.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Tấn Đông - thành viên Ban giám khảo hội thi, dù một số đội vẫn còn mắc những hạn chế như kỹ năng hô hát bài chòi; hát lệch bài bản; thiếu tính sáng tạo về mặt văn học khi hô hát về các quân bài hay sự tung hứng, tương tác với khán giả chưa cao… Tuy vậy, điều đáng ghi nhận khi các đội dự thi đã có sự chuẩn bị tốt (diễn viên, người xem/nghe) để cùng tham gia, tái hiện trò chơi như thật ở cộng đồng. Đặc biệt, bên cạnh làn điệu chính của hô hát bài chòi, các đội đều vận dụng tốt các làn điệu hò, lý, vè… trong kho tàng dân ca Quảng Nam, kể cả các ca khúc soạn riêng cho ca kịch bài chòi của các nhạc sĩ chuyên nghiệp để làm phong phú thêm phần hô hát. “Ngoài các phần có tính bài bản được chuẩn bị tốt, phần thi hô hát các quân bài ngẫu nhiên khi rút từ ống nọc đã thực sự tìm ra được các anh, chị hiệu tài năng bởi khả năng xử lý tình huống nhanh, đạt yêu cầu khi tìm ra được lời ca tương ứng tên quân bài bắt được… Hội thi năm nay cũng xuất hiện nhiều diễn viên trẻ, kỹ năng hô hát tốt, đáp ứng cả “thanh” lẫn “sắc” của bộ môn nghệ thuật bài chòi” - ông Đông nhận xét.
Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT TP.Hội An cho rằng, dù đây là lần thứ 3 hội thi bài chòi được thành phố tổ chức nhưng là lần đầu tiên hội thi diễn ra bên ngoài phố cổ. “Kể từ sau khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì sự tập trung của thành phố cho hội thi lớn hơn. Năm nay chỉ trừ một phường do anh hiệu nhà có tang không tham gia, còn lại 12 xã phường đều tham gia đầy đủ. Mục đích hướng đến của hội thi là tìm kiếm, động viên được lực lượng anh hiệu, chị hiệu ở cơ sở, đồng thời giúp phát hiện được nhiều tài năng, trên cơ sở đó rút về thành phố tham gia cộng tác viên để nâng cao tay nghề, sau đó tỏa về cộng đồng, đó cũng là cách đưa bài chòi trở lại với không gian truyền thống của mình là làng xóm, góc phố… Tại hội thi năm nay chúng tôi cũng đã phát hiện được một số giọng ca hô hát bài chòi có thể tập trung đầu tư trở thành các anh hiệu, chị hiệu, còn về lâu dài thành phố cũng đã giao Trung tâm VH-TT xây dựng đề án phát huy bài chòi, đặc biệt là phát triển bài chòi tại cơ sở, và hội thi là một trong những động tác trong đề án này” - ông Phùng cho biết.
VĨNH LỘC