Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiên Phước từng bước đưa phong trào đi vào chiều sâu, làm cho diện mạo nông thôn mới ngày càng thêm khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể.
Khởi đầu thuận lợi
Trần Hữu Phước – Phó Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Tiên Phước cho biết, năm 1999 - 2000, hầu hết địa phương trên địa bàn huyện sôi nổi triển khai phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa. Nhân dân tích cực đóng góp xây dựng quy ước thôn văn hóa với nhiều hoạt động tích cực như chú trọng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng mối đoàn kết gắn bó trong cộng đồng, chú trọng khuyến học khuyến tài, xây dựng nếp sống mới trong việc tang, việc cưới, xây dựng môi trường sống trong sạch, lành mạnh, đẩy mạnh các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... Qua đó, chung tay xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn hóa trong cộng đồng. Nếu như thời điểm năm 2000 toàn huyện mới chỉ có 21% số hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa thì đến năm 2020 con số này đã đạt hơn 98%. Và đã có hơn 93% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Hộ ông Nguyễn Văn Phú ở thôn Tài Đa, xã Tiên Phong là một điển hình trong phong trào này. Xác định cho con cái chữ là hành trang quý giá nhất để xây dựng cuộc sống, vợ chồng ông Phú không quản ngại khó khăn, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các con ăn học thành tài. Nhờ đó, 4/5 người con của ông đã tốt nghiệp đại học và đều có việc làm ổn định, xây dựng cuộc sống.
Ông Phú chia sẻ: “Trong cuộc sống tôi luôn khuyên bảo các con sống phải giữ chữ đức làm đầu, sống có nghĩa, có tình, kính trên nhường dưới, gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, động viên giúp đỡ mọi người cùng phát triển”.
Đến năm 2020 toàn huyện có 89% thôn, khối phố đạt danh hiệu văn hóa, tăng gần 25% so với năm 2010; 69 tộc họ văn hóa, tăng 43 tộc họ so với 10 năm trước. Các hoạt động của tộc họ đã tạo nên hiệu quả xã hội thiết thực.
Ông Nguyễn Quang Hồng - Tộc trưởng tộc Nguyễn Phước (thôn Phú Vinh, xã Tiên Hà) cho biết: “Tộc chúng tôi đã đạt được danh hiệu này vào năm 2009 và liên tục giữ vững danh hiệu trong 11 năm qua. Để đạt được kết quả này, bà con trong tộc luôn phát huy tinh thần đoàn kết, động viên, giúp đỡ nhau cùng thực hiện tốt nội dung tộc ước, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Đến nay, trong tộc không còn hộ nghèo, cận nghèo”.
Lan tỏa phong trào
Với sự nhiệt tình hưởng ứng và tích cực tham gia thực hiện của nhân dân, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Tiên Phước có sức lan tỏa mạnh mẽ. Số lượng thôn đạt chuẩn văn hóa ngày càng tăng lên. Nếu như năm 1999 huyện chỉ có 1 thôn đạt danh hiệu văn hóa, thì đến năm 2020 đã có 76/85 thôn đạt danh hiệu văn hóa (tỷ lệ gần 90%).
Qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới như: phong trào thắp sáng đường quê, hiến đất, góp công, góp tiền làm giao thông nông thôn. Nhân dân trong huyện cũng đã đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng và sửa chữa hàng trăm nhà đại đoàn kết, hỗ trợ bò quay vòng, trợ giúp hàng ngàn trường hợp ốm đau, tai nạn, trẻ em nghèo học giỏi… Đến nay, toàn huyện chỉ còn hơn 4,5% hộ nghèo.
Ông Huỳnh Long Nhân – Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng thôn 1, xã Tiên Thọ chia sẻ: “Cùng với xây dựng đời sống văn hóa, nhân dân thôn 1 chúng tôi còn tích cực đóng góp kinh phí, đất đai, tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng để xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí. Đặc biệt ưu tiên giúp đỡ các gia đình khó khăn vươn lên hòa nhập cộng đồng”.
Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, tộc họ, thôn - khối phố văn hóa đã làm nền tảng vững chắc để xây dựng xã, thị trấn văn hóa, sau này là “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. Đến nay, toàn huyện đã có 9/14 xã đạt danh hiệu này. Phong trào đã để lại dấu ấn bằng những đổi thay tích cực về diện mạo nông thôn, đời sống người dân. Ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh, vun đắp tình làng nghĩa xóm, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững, xây dựng nông thôn thêm giàu đẹp.