“Chung tay vì người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau” là thông điệp mang giá trị nhân văn sâu sắc trong Tháng hành động vì người nghèo. Thông điệp này càng ý nghĩa hơn trong thời điểm vô cùng khó khăn đối với người nghèo như lúc này. Đại dịch Covid-19 chưa kịp qua đi, thiên tai bão lũ lại ập đến liên tục. Để lan tỏa những yêu thương, giúp cho người nghèo vượt qua khó khăn rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Nước lũ đã rút nhưng hậu quả để lại thì chưa ai đong đếm được. Người chết, tài sản, hoa màu bị hư hỏng, thiệt hại…, cuộc sống người dân vùng nông thôn vốn khó khăn nay lại càng thêm khó.
Nỗi đau còn đó
Đợt mưa lũ vừa qua, bên cạnh những thiệt hại về tài sản, thì mất mát lớn nhất là sinh mạng con người. Thống kê bước đầu đã có 11 người chết, trong đó nhiều nhất là Duy Xuyên với 5 nạn nhân. Những gia đình nghèo mất con, vợ mất chồng, con mất ba mẹ…, khiến chúng tôi không khỏi ám ảnh khi cùng đoàn lãnh đạo tỉnh đến thăm hỏi, viếng hương các gia đình có người thân tử vong trong mưa lũ mới đây.
Tại thôn Thanh Quýt (xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn), là hình ảnh cháu bé 25 tháng tuổi, trên đầu vấn khăn tang, nhưng còn quá nhỏ để hiểu được nỗi đau mất cùng lúc cả ba lẫn mẹ.
Chuyện thương tâm xảy ra vào ngày 10.10, trên đường về nhà sau khi dự đám cưới, vợ chồng anh Lê Tự Quốc (26 tuổi) và chị Lê Thị Hoài Sương (23 tuổi, ở xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn) không may bị nước lũ cuốn trôi khi đang cố gắng lội bộ qua đoạn đường ngập nước. Chính quyền địa phương huy động lực lượng cùng người dân tổ chức tìm kiếm, đến khoảng 9 giờ ngày 11.10, mới tìm thấy thi thể chị Sương và sau đó thi thể anh Quốc cũng được tìm thấy và đưa về nhà an táng.
Anh Quốc là con trai duy nhất của vợ chồng ông Lê Tự Nhung. Gia cảnh khó khăn nên học đến lớp 9 anh Quốc nghỉ học phụ giúp ba mẹ nuôi 2 em gái. Sau khi đi nghĩa vụ quân sự về, Quốc kết duyên cùng chị Sương. Cách đây 2 năm, vợ chồng anh sinh bé Lê Lưu Thanh Trúc. Nhìn di ảnh 2 con trên bàn thờ, ông Nhung đau đớn vật vã: “Sao các con lại ra đi như vậy. Cháu nội tôi sao lại mồ côi thế này”.
Còn tại ngôi làng nghèo thuộc xã Duy Trung (Duy Xuyên), hoàn cảnh gia đình nạn nhân Lê Văn Tâm (SN 1982) cũng hết sức thương tâm. Anh Tâm bị tử vong do đuối nước để lại người vợ trẻ và đứa con nhỏ, cuộc sống hết sức khó khăn...
Chia sẻ cùng nhân dân
Trước những thiệt hại do mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, vừa qua, thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã gửi điện thăm hỏi đến Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các gia đình bị thiệt hại do lũ lụt tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk và TP.Đà Nẵng. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi đến địa phương và các gia đình có người bị nạn lời thăm hỏi ân cần và chia buồn sâu sắc.
Trước mắt, Ban Thường trực hỗ trợ 5 triệu đồng đến mỗi gia đình có người chết, mất tích; 3 triệu đồng đến mỗi người bị thương nặng đang được điều trị tại bệnh viện để góp phần giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại. Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, vừa qua, ông Lê Thái Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình nạn nhân.
Ngay sau khi hoàn thành Đại hội Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đến thăm hỏi các gia đình bị nạn. Tại Duy Xuyên và Điện Bàn, thay mặt UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã đến thăm gia đình thân nhân của các nạn nhân và động viên các gia đình vượt qua nỗi đau, mất mát, sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời đề nghị chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các địa phương có nạn nhân tử vong trong mưa lũ cần quan tâm thăm hỏi, hỗ trợ tinh thần, vật chất để chia sẻ, động viên các gia đình mau chóng ổn định cuộc sống.
Ở các địa bàn vùng lũ, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và cộng đồng xã hội đang chung tay cùng Nhân dân khắc phục hậu quả. Ngay khi nước lũ vừa rút, từ nguồn hỗ trợ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam, Hội CTĐ tỉnh tổ chức trao tặng, cấp phát khẩn cấp 200 thùng hàng gia đình đến người dân có hoàn cảnh tại Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình và Phú Ninh. Mỗi thùng hàng gia đình trị giá 650 ngàn đồng bao gồm chăn màn, thiết bị nấu nướng, đồ chứa nước sạch.
Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nên khi được nhận được món quà từ Hội CTĐ, ông Nguyễn Vĩ (thôn An Thiện, xã Tam An, huyện Phú Ninh) rất vui mừng: “Vợ chồng tôi già yếu lại phải chăm sóc đứa con bị tật nguyền do di chứng da cam. Hôm nay được nhận sự hỗ trợ, tôi rất mừng và cảm ơn Hội CTĐ”.
Hiện các tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục hướng về người dân vùng lũ bằng nhiều hình thức. Hy vọng với sự quan tâm, chăm lo, đồng hành hỗ trợ của toàn xã hội, cuộc sống người dân sẽ sớm ổn định.
KHI VÒNG TAY MỞ RA...
Là địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng ở Phú Ninh, công tác giúp đỡ hộ nghèo đã trở thành một phong trào nhân ái, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng theo tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”…
Xem người dưng như mẹ ruột
Trường hợp của bà Lê Thị Mộng Thu (tổ 1, thôn Tân Quý, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh) là một điển hình của lòng nhân ái sẻ chia, lá lành đùm lá rách. Không máu mủ ruột rà nhưng 6 năm nay, bà Thu tự nguyện nhận một người hàng xóm mù lòa, già yếu đưa về nhà chăm sóc không khác gì mẹ ruột. Bà Thu từng được Huyện ủy Phú Ninh tuyên dương điển hình về học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chuyện là, sau anh trai mất, cụ Nguyễn Thị Mịch (hơn 80 tuổi, người ở cùng thôn với bà Thu) không còn người thân nương tựa, một mình trong căn nhà hoang vắng, quạnh quẽ. Không đành lòng trước hoàn cảnh của cụ, bà Thu bàn tính với gia đình đón cụ về nhà sống. Bà cho biết, dù hàng ngày lui tới lo cơm nước, giặt giũ áo quần cho cụ nhưng không thể yên tâm và đành lòng nhìn cụ đêm hôm ở một mình trong căn nhà đã xuống cấp.
“Nghĩ mãi rồi tôi quyết định bàn với gia đình đón cụ về ở. Chồng, con ủng hộ nhưng nhiều người thân thích can ngăn, bảo đón cụ về là rước cái khổ cả đời. Nhưng rồi tôi vẫn thực hiện tâm nguyện của mình” - bà Thu bộc bạch.
Xác định đón cụ Mịch về ở cùng là gia đình bà Thu đã chấp nhận cái khổ về mình. Chăm người già, lại còn bị mù lòa thì không cực mới lạ. Đó là chưa kể lúc già yếu, cụ nằm liệt giường... Gần 5 năm qua, bà Thu và gia đình đã chăm lo cụ Mịch hết mình. Nhiều người chứng kiến việc làm của bà Thu đều khâm phục.
Bà Lê Thị Loan, hàng xóm bà Thu, chia sẻ: “Tôi hay nói với nó (bà Thu) là kiếp trước chắc mi nợ bà nên kiếp này phải trả. Bởi có mấy ai lại đi nuôi người dưng. Nhiều người ba mẹ mình còn đùn qua đẩy lại, mà nó thì lại đưa cụ già mù lòa nghèo khó về nuôi”.
Người càng về già thì không còn minh mẫn. Cụ Mịch cũng vậy, gần một năm nay tính khí cụ bắt đầu thay đổi. Đầu óc nhiều lúc không còn tỉnh táo, kiểu “ăn rồi nói chưa ăn” nên nhiều phen làm bà Thu... “đuối đơ”. Bà Thu tâm sự: “Mình ở với cụ thì phải chấp nhận tất cả. Tính khí người già mà! Cụ có chửi, có mắng mình cũng phải chịu thôi. Nhiều hồi cũng bực, dọa trả cụ về nhà, nhưng tôi biết mình không bao giờ làm được như vậy, về thì ai nuôi, ai lo cho cụ…”.
Cộng đồng tương trợ
Cùng với các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo của Nhà nước, sự trợ giúp, đồng hành của các tổ chức cơ sở đảng đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của Phú Ninh chỉ còn 2,11% - tương đương 382 hộ (giảm 1,43% so với đầu nhiệm kỳ), phấn đấu đến cuối năm 2020 không còn hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo (trừ các đối tượng thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội). Hộ cận nghèo hiện còn 372 hộ (tỷ lệ 1,63%), dự kiến đến cuối năm 2020 giảm còn 345 hộ (tỷ lệ 1,5%).
Năm nay hết dịch bệnh Covid-19, rồi đến thiên tai, mưa lũ ập xuống. Ảnh hưởng thì chung cả xã hội, nhưng dễ tổn thương nhất vẫn là người nghèo. Trong hoàn cảnh đó, sự tương trợ, sẻ chia, giúp đỡ nhau trong cộng đồng mang ý nghĩa to lớn về giá trị vật chất lẫn tinh thần. Những mô hình như “Chợ 0 đồng”, “Ngày công 0 đồng”, “Buổi sáng chia sẻ yêu thương 0 đồng”, “Bữa cơm nhân ái di động”… ra đời trong đại dịch Covid-19, thêm một lần nữa khẳng định truyền thống “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc.
Tại xã vùng cao Tam Lãnh (Phú Ninh), những việc làm của cán bộ, hội viên, phụ nữ xã đã lan tỏa yêu thương. Huy động nguồn lực từ chị em hội viên và các nhà hảo tâm, Hội LHPN xã Tam Lãnh sau khi triển khai hiệu quả chương trình “Bữa cơm nhân ái di động” trong đợt dịch Covid-19 đầu năm, đến đợt dịch lần 2, hội tiếp nối chương trình với một ý tưởng thú vị khác, mang tên “Buổi sáng chia sẻ yêu thương 0 đồng”. Chương trình hướng đến người già neo đơn, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người lao động nghèo trở về từ vùng dịch…
Bà Bùi Thị Hà - Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Lãnh cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều gia đình trở về từ vùng dịch thực hiện cách ly tại nhà, một số phải cách ly tập trung, trong khi con cái ở nhà không có người chăm sóc. Để kịp thời hỗ trợ, tiếp sức cho những hoàn cảnh trên, Hội LHPN xã đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ thực hiện chương trình “Buổi sáng chia sẻ yêu thương 0 đồng” giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn. Từ 2 chương trình hội triển khai, đến nay đã có khoảng 2.000 suất ăn đến với các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa phương.
Hộ chị Trần Thị Ngọc Hà (thôn Trung Sơn) thuộc diện cận nghèo, chồng qua đời, mình chị nuôi 4 con nhỏ. Trước đợt dịch Covid-19 lần 2, chị Hà phải nghỉ việc ở Đà Nẵng về quê thực hiện cách ly. Hoàn cảnh đã khó lại thêm khó. Khi nhận được những phần ăn sáng nghĩa tình, chị Hà chia sẻ: “Tôi rất xúc động trước sự chia sẻ của chị em phụ nữ và các nhà hảo tâm. Đây là sự an ủi, động viên để mẹ con tôi và nhiều hoàn cảnh khác vượt qua khó khăn”.
NHỮNG MỤC TIÊU KHÓ ĐẠT
Thiên tai cùng với dịch bệnh đang khiến việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh về khoảng 5% khó có khả năng đạt được. Bởi nhiều hộ mới vượt qua chuẩn nghèo của năm 2019 sẽ rơi lại diện hộ nghèo; hộ được trợ sức thoát nghèo bằng sinh kế sẽ khó thoát nghèo bởi thiên tai, dịch bệnh cuốn phăng đi cơ hội đổi đời.
Dự báo nhiều khó khăn
Năm 2020 là một năm đầy khó khăn đối với việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Đến lúc này, con số hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững được 2.469 hộ. Theo nhận định của Sở LĐ-TB&XH, mục tiêu năm nay hỗ trợ từ 2.500 - 2.700 hộ nghèo thoát nghèo bền vững rất khó đạt được. Bởi sự tác động của dịch bệnh cùng với lũ lụt quá tàn khốc.
Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Dịch bệnh khiến hàng trăm nghìn lao động bị mất việc làm, giảm việc làm, tác động toàn diện đến đời sống người dân, nhất là hộ nghèo càng bị tác động mạnh khi không có việc làm. Đối với hộ nghèo trong vùng bị ảnh hưởng của bão lũ lại càng thêm khó khăn, mọi nỗ lực, cố gắng của họ trong suốt một năm, khi lũ đến thì mất tất cả. Năm này thực sự là một năm quá khó khăn cho việc thực hiện rất nhiều mục tiêu của công tác giảm nghèo”.
Ở huyện Tây Giang, việc tác động thoát nghèo cho nhóm hộ nghèo còn lại trở nên rất khó. Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: “Tây Giang đặt mục tiêu năm này giảm 240 hộ nghèo bằng nhiều nỗ lực, vận động hộ nghèo đăng ký và trợ giúp cho họ. Nhưng dịch bệnh, cùng với trận lũ cuối tháng 9.2020 đã cuốn phăng đi tất cả. Con em Tây Giang lao động học nghề, đi làm ăn ở các doanh nghiệp cũng vì dịch bệnh mà mất việc làm, giảm việc làm, đời sống khó khăn, có lao động đã quay về địa phương mà sợ dịch bệnh nên không dám đi làm lại. Người dân làm được gì thì lũ đã cuốn đi nhà cửa, ruộng vườn, trong đó có nhiều hộ đang phấn đấu thoát nghèo nhưng bây giờ là không thể, có hộ đã thoát nghèo giờ lại rơi vào nghèo vì không còn gì cả”.
Đây sẽ là năm khó khăn trong trợ sức cho hộ nghèo thoát nghèo vì nguồn lực Nhà nước có hạn, cộng đồng xã hội chung tay thì mới mong giúp họ đứng lên lại, rồi mới tính đến chuyện thoát nghèo sau. Việc quan trọng bây giờ là tập trung giúp dân ổn định chỗ ở, dựa vào sự giúp đỡ của cộng đồng để giúp họ có cái ăn cái mặc, rồi tính đến sinh kế, làm lại từ đầu.
Đối với các huyện như Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn... nhóm hộ nghèo còn lại chủ yếu ở nhóm người có công, bảo trợ xã hội và hộ nghèo khó tác động thoát nghèo. Các địa phương đã có nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu năm 2020 của tỉnh và toàn quốc là hỗ trợ thoát nghèo cho toàn bộ hộ nghèo là người có công. Còn hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội được hỗ trợ sinh kế phù hợp, hỗ trợ nâng cao mức sống để vượt qua chuẩn nghèo. Tuy nhiên, mục tiêu đó là vô cùng khó khi việc làm không có, ruộng đồng, hoa màu, nhà cửa, tài sản phút chốc ra đi cùng lũ dữ.
Không ai bị bỏ lại phía sau
Giai đoạn 2016 - 2020, quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh vận động được hơn 147 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Ủy ban MTTQ các cấp vận động cộng đồng, gia đình, dòng tộc tham gia đối ứng tiền mặt, ngày công lao động và vật liệu xây dựng để xây dựng được 1.718 căn nhà mới và hỗ trợ sữa chữa 811 căn nhà. Trong đó, bình quân chung mức hỗ trợ xây dựng nhà ở là 40 triệu đồng/nhà và sửa chữa 20 triệu/nhà.
Dù khó khăn, nhưng Nhà nước và cộng đồng xã hội đều chung tay, giúp đỡ những hoàn cảnh ngặt nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau như lời kêu gọi của phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo” suốt 20 năm qua. Sự trợ sức của cộng đồng xã hội ngày càng lớn, thành động lực trợ giúp cho hộ nghèo vượt nghèo.
Trong suốt thời gian kể từ khi bắt đầu có quỹ “Vì người nghèo” đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh liên tục duy trì vận động quỹ “Vì người nghèo” từ cấp tỉnh đến các địa phương. Nhiều địa phương chú trọng đổi mới cách thức vận động quỹ như tổ chức văn nghệ “Chung tay vì người nghèo”, “Chia sẻ yêu thương”; phát động mô hình “Khu dân cư chung tay giảm nghèo”... vận động các doanh nghiệp trao nhà Đại đoàn kết... Ngoài chương trình hỗ trợ nhà ở, các chương trình an sinh xã hội của tỉnh qua kênh MTTQ Việt Nam tỉnh cũng nhận được sự đồng hành của nhiều đơn vị, tổ chức trong việc hỗ trợ xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ giảm nghèo.
Khi thiên tai xảy ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì vận động Quỹ Cứu trợ để hỗ trợ gia đình nạn nhân. Từ năm 2014 - 2019, nguồn Quỹ Cứu trợ tỉnh vận động hơn 14 tỷ đồng, kịp thời hỗ trợ 462 gia đình có người thân bị nạn, hỗ trợ xây dựng mới 1.487 căn nhà ở cho các hộ tại địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.
Ông Lê Thái Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: “Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực vận động quỹ “Vì người nghèo”, phối hợp thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Các vấn đề cơ bản, bức xúc đối với người nghèo như nhà ở, đất ở, đất sản xuất, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ học tập… được giải quyết kịp thời; các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi đã góp phần quan trọng cho công tác giảm nghèo và thoát nghèo bền vững. Nguồn lực này không chỉ giúp lúc ngặt nghèo, thiên tai bão lũ mà còn trợ giúp về lâu dài bằng nhà ở, sinh kế. Sự vào cuộc của cộng đồng xã hội, nguồn lực xã hội hóa được kêu gọi đã hỗ trợ cho hộ nghèo có thêm động lực, nguồn lực thoát nghèo hiệu quả hơn”.