Lắng đọng cùng âm nhạc

SONG ANH 11/09/2014 10:01

Lần đầu tiên, 14 câu lạc bộ (CLB) đàn hát dân ca đại diện cho 14 huyện, thành phố tham gia hơn 50 tiết mục biểu diễn gồm hát đơn ca, song ca, độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại liên hoan đàn, hát dân ca Quảng Nam lần thứ 1.

Đất sống cho nhạc cụ truyền thống

Nhiều khán giả có mặt tại đêm khai mạc Liên hoan CLB Đàn, hát dân ca tỉnh Quảng Nam lần thứ I - 2014 (tối 9.9) tỏ ra ngạc nhiên lẫn thích thú. Từ âm giai réo rắt của đàn tranh, đàn cò, nhị, đến nhịp oai hùng của trống chiến, nhịp phiêu lãng của đàn phím lõm… đều gợi ở người nghe những xúc cảm đặc biệt. Lần gặp gỡ đầu tiên của các CLB đàn, hát dân ca nức tiếng ở mỗi vùng đất, nên sự đầu tư vì thế cũng công phu hơn. Nhạc sĩ Xa Văn Hùng - người “chỉ huy” những tiết mục của CLB Đàn, hát dân ca xã Bình Triều (Thăng Bình) chia sẻ: “Mỗi loại nhạc cụ truyền thống đều có đời sống riêng, gắn bó bền bỉ với người dân quê hương. Mang âm nhạc truyền thống lên sân khấu từ chính những người coi nó như ruột rà, âm nhạc thuần âm nhạc, không nệ chuyện mưu sinh là một cách làm quá hay để bảo tồn”. Vậy nên trong hầu hết tiết mục biểu diễn của CLB Đàn, hát dân ca xã Bình Triều đều có dáng dấp của gia đình người nhạc sĩ nhiệt thành này. Từ cô con gái Xa Doãn Hồng Lợi phiêu với đàn tranh đến cô em út Xa Doãn Hồng Triều, đang là sinh viên đại học vẫn trở về tập luyện để mang đến liên hoan những tiết mục hay nhất. Người xem còn xúc động khi nhìn thấy trong cánh gà, nhạc sĩ Xa Văn Hùng khản cả tiếng để điều phối nhạc công, diễn viên, thì dưới sân khấu, người vợ ông toan lo cho đoàn từng loại phục trang…

CLB Đàn, hát dân ca xã Bình Triều với sự chăm chút, đầu tư kỹ lưỡng từng loại nhạc cụ.ảnh: S.ANH
CLB Đàn, hát dân ca xã Bình Triều với sự chăm chút, đầu tư kỹ lưỡng từng loại nhạc cụ.ảnh: S.ANH

Thấp thoáng cùng những làn điệu dân ca khu V là những điệu lý, điệu hò của vùng Bắc Trung Bộ, Nam Bộ. Dù là thể điệu gì, của vùng miền nào, đều được biến tấu cùng nhạc cụ truyền thống, từ chính những người chân lấm tay bùn. Chị Trần Thị Hằng, người chơi đàn tranh cho CLB Đàn, hát dân ca xã Điện Hồng (Điện Bàn) chia sẻ: “Mười mấy năm chơi đàn tranh rồi, nhưng cũng chỉ chơi loanh quanh ở quê, khi xã tổ chức chương trình gì thì mình góp vui cùng anh em. Đây là lần đầu tiên diễn ở một sân khấu đông người xem như vậy, nên cảm giác rất khác”. Trích đoạn cổ Thoại Khanh, Châu Tuấn của CLB Đàn, hát dân ca Điện Hồng mộc mạc nhưng cũng không kém phần tinh tế đủ để hấp dẫn những vị khán giả yêu thích thể loại âm nhạc truyền thống này. Ông Nguyễn Văn Hàm, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, liên hoan lần này, tuy là năm đầu tiên, nhưng với nền móng cộng thêm đam mê vốn có, tin rằng từ đây sẽ lan truyền ngọn lửa, tình yêu âm nhạc quê hương đến đông đảo người dân. Dĩ nhiên, một khi sân chơi được truyền lửa, thì sẽ không còn những lo lắng về việc kiếm tìm đất sống cho đàn tranh, đàn bầu, cho những làn điệu ngọt ngào của dân ca.

Tụ hội đam mê

Kết thúc liên hoan, khu vực đồng bằng: giải Nhất toàn đoàn thuộc về Hội An và Thăng Bình; giải Nhì toàn đoàn thuộc về Tam Kỳ; Đại Lộc và Điện Bàn giải Ba. Khu vực miền núi: giải Nhì toàn đoàn thuộc về Nam Trà My (không có giải Nhất); Nam Giang và Tiên Phước giải Ba toàn đoàn.
Ban tổ chức cũng đã trao 8 Huy chương Vàng và 22 Huy chương Bạc cho các tiết mục.

Vượt quãng đường khá xa, những thành viên CLB Đàn, hát dân ca xã Trà Dơn (Nam Trà My) mang về phố thị những âm giai của cả đại ngàn. Đàn coong mo, đàn blông pút… dưới bàn tay điêu luyện của những người con Xê  Đăng, Ca  Dong ở các nóc xa xôi thuộc xã Trà Dơn, như gói ghém cả một vùng núi hùng vĩ mang về phố thị. Tinh thần đó, thật sự chỉ có ở những ai cháy hết mình cùng âm nhạc. Nhạc sĩ Dương Trinh, người nặng lòng với những nhạc cụ, điệu hát lý, nói lý của đồng bào mạn này, chia sẻ: “Người dân vùng núi ham âm nhạc lắm. Họ có thể dành cả nhiều ngày để chơi. Nên những cuộc liên hoan như thế này, dù xa xôi, huyện vẫn cố gắng thu xếp để đưa đoàn về tham dự”. Cũng là ban giám khảo tại liên hoan, nhạc sĩ Dương Trinh cho rằng, âm nhạc truyền thống là một phần đời sống văn hóa không thể bỏ sót, không thể tách rời với mỗi địa phương. “Nhất là khi xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa đóng một vai trò không nhỏ. Chính từ những sân chơi âm nhạc như vậy, tưởng nhỏ nhưng hóa ra lại có sức ảnh hưởng rất lớn để duy trì, bảo tồn vốn văn hóa cổ truyền của mỗi một tộc người”- ông Dương Trinh cho biết.

một điều khá hay từ những CLB đàn, hát dân ca tham gia liên hoan lần này, là tự thân họ vận động để duy trì sức sống cho niềm đam mê của mình. Chị Lâm Thị Nguyệt, thành viên CLB Đàn, hát dân ca xã Bình Triều cho biết, CLB của chị đã thành lập được hơn 4 năm và không đếm được đã đi lưu diễn ở bao nhiêu địa phương. “Ban đầu CLB thành lập từ những niềm yêu thích của các anh chị em trong xã, muốn có một chỗ để vui chơi. Nhưng sau vài lần tập trung biểu diễn, được nhiều địa phương lân cận biết đến, họ lại mời mình. Vậy là duy trì CLB đến ngày nay, tự sắm nhạc cụ, rồi tìm người đặt lời mới cho mấy khúc dân ca. Bà con mình ở quê ghiền lắm, nên CLB sống vững mạnh đến thời điểm này”- chị Nguyệt nói. Sau mỗi bận diễn như vậy, không chỉ CLB có thêm nguồn kinh phí để duy trì hoạt động mà mỗi thành viên còn có thêm nguồn thu nhập. Từ vùng núi cao, đồng bằng đến ven biển, người dân xứ Quảng nơi nào cũng đặc biệt mê ca hát. Vậy nên vốn văn hóa truyền thống và niềm đam mê thì không bao giờ thiếu. Vấn đề làm sao để khơi lại mạch nguồn dân ca này, để nó trở thành nét đặc sắc riêng của xứ Quảng, thì cần sự chung tay góp sức của nhiều người. Khép lại mùa liên hoan đầu tiên, như một cuộc dạo đầu trong bản hợp xướng, hẳn sẽ mở ra nhiều sân chơi khác, dành cho những người nông dân mê đàn hát.

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lắng đọng cùng âm nhạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO