Làng Dưỡng Mông

LÊ NĂNG ĐÔNG 17/08/2018 07:04

Làng Dưỡng Mông, xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn) là nơi cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam đã chọn làm nơi đứng chân lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8.1945. Tại đây, Tỉnh ủy đã nhận được bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương gửi tháng 4.1945.

Nhân dân Quảng Nam xuống đường năm 1945. (Tranh tư liệu)
Nhân dân Quảng Nam xuống đường năm 1945. (Tranh tư liệu)

Làng Dưỡng Mông xưa, nay gồm các các thôn Thạnh Hòa, Thạnh Mỹ, Bà Rén, Dưỡng Mông Đông, Dưỡng Mông Tây, thuộc xã Quế Xuân 1. Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử và đấu tranh cách mạng, sau khi Đảng bộ huyện Quế Sơn ra đời ngày 16.9.1930, phong trào cách mạng ở đây phát triển nhanh chóng. Tại đây Tỉnh ủy, Huyện ủy Quế Sơn đã xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng kiên trung, trong đó có cơ sở ông Nguyễn Sang - nơi cơ quan Tỉnh ủy đứng chân lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng 8.1945.

Ông Nguyễn Sang (còn gọi là Cửu Sang) sinh năm 1902 ở làng Dưỡng Mông. Trước Cách mạng tháng 8.1945, ông đi lính tuần sát, lái xe cho viên khâm sứ Trung kỳ. Tuy làm việc cho Pháp nhưng ông đã sớm giác ngộ cách mạng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tại Huế. Năm 1937, cơ sở bị bại lộ, ông bị địch bắt tra tấn dã man và giam cầm ở nhà lao Thừa Phủ (Thừa Thiên Huế). Năm 1940, ông ra tù, trở về quê nhà và tiếp tục hoạt động cách mạng. Từ đây, nhà ông trở thành cơ sở nuôi giấu, bảo vệ nhiều cán bộ lãnh đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Quế Sơn.

Trong 3 ngày, từ 12 đến 14.8.1945, tại thôn Khương Mỹ (nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) Tỉnh ủy đã họp và quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn tỉnh, đồng thời quyết định chuyển cơ quan Thường trực của Tỉnh ủy và Thường trực Ban bạo động tỉnh ở Quế Sơn ra Bích Trâm (Điện Bàn) để kịp thời lãnh đạo khởi nghĩa. Nhờ vậy, từ ngày 18 đến ngày 26.8.1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam đã giành thắng lợi trọn vẹn.

Tháng 4.1944, sau khi Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam được thành lập, các đồng chí Trần Văn Quế - Bí thư Tỉnh ủy và Nguyễn Tiến Chế - Tỉnh ủy viên, ra Duy Xuyên, vào Quế Sơn liên lạc với ông Nguyễn Sang. Cuối năm 1944, Nguyễn Sang liên lạc với các đồng chí ở Huế và biết được Xứ ủy Trung kỳ chuẩn bị mở lớp huấn luyện chính trị ở làng Truồi (Thừa Thiên Huế). Tháng 4.1945, Nguyễn Sang cử một thanh niên tiêu biểu trong tổ cảm tình Đảng ra dự lớp để tiếp thu chủ trương do Xứ ủy phổ biến. Dựa vào đó, Nguyễn Sang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của mình, đồng thời tích cực chắp nối liên lạc với các tổ chức đảng cấp trên. Lúc này, ở Quảng Nam đêm 9.3.1945, quân Pháp đã bị Nhật tước vũ khí. Trước tình hình đó, để tiện việc lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng trong tỉnh, đặc biệt là chỉ đạo phong trào cách mạng ở Hội An - nơi thực dân Pháp đóng cơ quan đầu não, Tỉnh ủy quyết định chuyển cơ quan từ Tam Kỳ ra Dưỡng Mông, đứng chân tại nhà ông Nguyễn Sang. Tại đây, đồng chí Lưu Xử được Tỉnh ủy phân công làm nhiệm vụ liên lạc và để bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy, đồng thời tại làng Dưỡng Mông ta cũng thành lập đội tự vệ có 10 đồng chí, thành lập tổ cứu quốc ở các làng, xóm lân cận để bảo vệ vòng ngoài cơ quan Tỉnh ủy.

Tại nhà ông Nguyễn Sang, cuối tháng 4.1945, Tỉnh ủy liên lạc được với Trung ương Đảng và nhận được một số tài liệu của Trung ương đưa vào, trong đó có Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra ngày 12.3.1945. Nhờ những tài liệu đó, Tỉnh ủy Quảng Nam kịp thời nắm bắt diễn biến tình hình thế giới, trong nước và những chỉ đạo của Trung ương để đề ra chủ trương đấu tranh thích hợp.

Cuối tháng 7, đầu tháng 8.1945, khí thế chuẩn bị tổng khởi nghĩa ở huyện Quế Sơn nói chung và các làng thuộc xã Quế Xuân 1 nói riêng, diễn ra hết sức khẩn trương. Từ ngày 10.8.1945, ban đêm tại đình làng Dưỡng Mông thanh niên sôi nổi luyện tập võ nghệ, viết truyền đơn, khẩu hiệu, chương trình hành động của Mặt trận Việt Minh; phụ nữ may cờ, quyên góp tiền bạc, lương thực; nhân dân rèn, sắm vũ khí chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa.

Tại tổng Xuân Phú, Ban vận động khởi nghĩa được thành lập do đồng chí Nguyễn Sang làm Trưởng ban. Theo chỉ đạo của huyện, chiều ngày 16.8.1945, đồng chí Nguyễn Sang triệu tập cuộc họp ở các làng để triển khai lệnh tổng khởi nghĩa. Ngay trong đêm đó, lệnh tổng khởi nghĩa được triển khai đến các làng. Lúc 2 giờ sáng 18.8.1945, quần chúng nhân dân các làng Dưỡng Mông, Xuân Phú mang gươm giáo, gậy gộc, cơm nước tập trung tại nhà đồng chí Nguyễn Sang để chuẩn bị kéo về huyện đường Quế Sơn cướp chính quyền. Khí thế cách mạng sục sôi, ngút trời tạo nên sức mạnh không gì ngăn cản nổi, các cơ quan đầu não của chính quyền tay sai ở Quế Sơn từ huyện đến các làng, xã nhanh chóng sụp đổ. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Quế Sơn giành được thắng lợi hoàn toàn. Sáng 19.8.1945, hơn 7.000 người dân từ các làng xã trong huyện rầm rập kéo về sân huyện đường tham dự lễ mít tinh. Tại đây, Ủy ban bạo động huyện tuyên bố thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân và ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Quế Sơn. Một rừng cờ, khẩu hiệu tung bay trong tiếng hò reo của quần chúng nhân dân vui mừng chiến thắng, từ đây thoát khỏi ách thống trị của bọn thực dân phong kiến.

Năm 2011, cơ sở cách mạng nhà ông Nguyễn Sang được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 292/QĐ-UB ký ngày 21.1.2011.

LÊ NĂNG ĐÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng Dưỡng Mông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO