Làng không... say

PHƯƠNG GIANG 30/03/2013 08:33

“Đàn ông uống rượu, đàn bà lên rẫy” là  hình ảnh vốn phổ biến ở các bản làng vùng cao. Vậy mà, ở heo hút núi rừng Trà Giáp (huyện Bắc Trà My), có một làng kiêng kị việc say rượu đến nỗi ra luật… phạt người say. Nếu không phải là Tết mừng cơm mới hoặc lễ cưới, thì đàn ông trong làng không uống rượu say bao giờ.

Trầu thay rượu

“Cứ đi, nhưng nhớ đổ xăng đầy bình và mua thêm một ít dự trữ”, một người buôn trâu ở tiệm tạp hóa ngay đầu con đường rẽ vào làng Boa (thôn 5, xã Trà Giáp) cảnh báo khi nghe chúng tôi hỏi đường vào làng. Từ trung tâm xã Trà Giáp vào đến làng Boa phải mất gần nửa ngày băng rừng, qua những con dốc dựng đứng lởm chởm đá. Vào đến bản, tay chân rụng rời, lại phải đi… tìm dân làng. Lạ lùng, ban ngày cả bản vắng ngắt, chỉ có mấy đứa trẻ con ngơ ngác nhìn khách lạ. Tạt vào tiệm tạp hóa duy nhất giữa bản, chị Hoa chủ tiệm liền chỉ dẫn: “Dân ở đây ban ngày đi làm hết, họa may bên nóc Ông Hai là còn người, chú qua đó hỏi thử”.

Trắc trở đường vào làng Boa.Ảnh: PHƯƠNG GIANG
Trắc trở đường vào làng Boa.Ảnh: PHƯƠNG GIANG

Cả làng Boa có 80 hộ người Ca Dong. Cứ một xóm chừng chục hộ làm thành một nóc, cả thảy 8 nóc như vậy. Tên nóc được đặt theo tên người lớn tuổi nhất. Ở nóc Ông Hai, người già nhất (già Hai) 73 tuổi, là bệnh binh nhưng người khỏe khoắn, lên rẫy đi rừng như cơm bữa. Mấy hôm nay nhà có lễ cúng nên may mắn người trong nóc vẫn có ở nhà. Sau dăm câu chào, anh bạn đồng nghiệp đưa ra chai rượu nhỏ mang theo mời như một phép thử, già Hai xua tay: “Dân làng ni không uống rượu!”. Chưa kịp ngạc nhiên, anh Nguyễn Văn Sĩ, con trai già Hai đã mang lên một khay trầu cau xanh nghít mời khách. “Dân làng ni tiếp khách bằng trầu, không phải bằng rượu”, già Hai tiếp lời, đoạn với lấy con dao bổ quả cau làm tư. Ở làng Boa, dân làng ăn cau non, để nguyên vỏ và dùng với vôi bột, không như dưới xuôi phải tách vỏ cau.  

Nụ cười già Hai.
Nụ cười già Hai.

Theo lời kể của già Hai, trước đây làng Boa sống dưới chân đồi ông Trĩ cách đó khoảng chục cây số. Năm 2005, trước nguy cơ sạt lở, già làng họp lại thống nhất vận động di dời qua làng mới dựng nhà. Được chính quyền hỗ trợ tiền vận chuyển và gạo ăn, cả làng Boa dỡ nhà, kéo nhau đến làng mới. Nhưng vườn cau trầu ở làng cũ vẫn còn, nên hễ sử dụng gần hết là họ lại xuống làng cũ hái. “Hồi xưa làng ta lấy đâu ra vôi để ăn trầu?”, tôi hỏi. Già Hai cười khoe hàm răng đỏ chót: “Tụi tao đốt vỏ ốc dưới suối. Chừ họ làm vàng nhiều quá, ốc chết hết, nên phải đi xuống dưới xã mua vôi!”.

Già Hai có 8 người con, 4 trai 4 gái. Khi chúng tôi đến, thấy 3 người con và vợ già Hai đều xoay quanh khay trầu, miệng ai nấy đều đỏ chót. Già còn mang giống trầu cau ở vườn cũ đem về trồng, cây đã cao hơn đầu người. Anh Nguyễn Thái Bàng, Bí thư Chi bộ thôn 5 (con trai già Hai) nói thêm: “Bình thường, cả làng Boa không ai uống rượu say, bất kể ban ngày hay ban đêm. Mình làm cán bộ, xuống xã họp, cũng có đôi lần được anh em dưới đó mời nhưng từ chối vì đã lâu không uống, không thích. Với lại uống rượu say về làng, nếu quậy phá đánh đập vợ con sẽ bị phạt, phải làm lễ cúng”. Hóa ra ở làng Boa, chuyện say rượu, làm mất đoàn kết trong làng, hoặc đánh đập vợ con, anh em sẽ bị dân làng xử phạt cúng gà, cúng heo. Lệ làng đặt ra từ bao đời, người làng Boa cứ thế lấy trầu thay rượu, cũng chẳng ai lấy làm buồn phiền, thắc mắc.

Cây cau mang từ làng cũ về trồng, giờ đã cao quá đầu người.
Cây cau mang từ làng cũ về trồng, giờ đã cao quá đầu người.

“Gạo quý lắm, chỉ để ăn!”

Bao quanh làng Boa là cánh đồng lúa nước xanh ngút ngát. Mười hai héc ta lúa nước là thành quả của cả làng từ khi di dời sang làng mới. Cộng thêm lúa rẫy, cơ bản người làng Boa không phải đói, ngoại trừ năm nào xảy ra hạn hán mất mùa. Nhưng để hạt lúa nảy mầm, để mang hạt gạo về đến nhà,  người làng Boa phải đổ xuống biết bao mồ hôi. “Ở đây xa, đường sá khó khăn, vận chuyển phân bón, thuốc trừ sâu rất khó, dân làng cũng không dư dả tiền để mua gạo vì giá cao. Gạo quý lắm, chỉ để ăn thôi, không nấu rượu” - Bí thư Chi bộ thôn Nguyễn Thái Bàng lý giải. Rượu, nếu xuất hiện ở làng Boa, cũng chỉ có 2 dịp: Tết mừng lúa mới và lễ cưới. Nhưng đa số là rượu cần, chỉ thêm một ít rượu trắng cho thanh niên. Trong Tết mừng lúa mới, già trẻ gái trai ăn tết, uống rượu, hát múa gì cũng được, gói gọn trong 2 ngày. Hết lễ, lại quay về với ruộng, với rẫy. “Uống rượu say vô không làm gì được, ở nhà thì lấy đâu ra gạo mà ăn, còn phải lên nương, lên rẫy nữa” - già Hai cho biết.

“Mình làm cán bộ, xuống xã họp, cũng có đôi lần được anh em dưới đó mời nhưng từ chối vì đã lâu không uống, không thích. Với lại uống rượu say về làng, nếu quậy phá đánh đập vợ con sẽ bị phạt, phải làm lễ cúng”
(Bí thư Chi bộ thôn 5, NGUYỄN THÁI BÀNG)

Trong làng Boa, vẫn có một lò nấu rượu của chị Hoa chủ tiệm tạp hóa, nhưng theo lời chị thì một ngày bán nhiều lắm cũng chỉ được khoảng 5 lít rượu, chủ yếu cho phu vàng nơi khác đến. “Thỉnh thoảng cũng có người mua rượu, nhưng toàn mua một hai ngàn đồng, để uống giải mỏi. Nên tui nấu rượu chủ yếu để… lấy hèm nuôi heo” - chị Hoa phân trần. Kể cả đám cưới, dân làng Boa cũng không uống say bét nhè như ở nơi khác. Dân xứ khác đến làng Boa làm phu vàng bị dân làng “ghét” một phần cũng vì hay uống rượu.

Không có rượu, cuộc sống ở làng Boa bình yên hẳn. Cả làng chẳng mấy khi có người gây gổ, đánh nhau hoặc chửi bới vợ con. Cánh phụ nữ thì ủng hộ tuyệt đối chuyện “nói không” với rượu, vì nhờ đó mà đàn ông trong làng siêng lên rẫy, năng làm ruộng, không như đàn ông làng khác. “Chồng không uống rượu mình được nhờ vì lên rẫy đều, vừa lo cho vợ cho con, sướng cái thân” - chị Lê Thị Râu nói. Chị Râu mới cưới chồng được 3 tháng, cũng là người trong làng. Đám cưới của đôi bạn trẻ cũng đơn sơ, cau trầu đãi khách, ngâm thêm hũ rượu cần, vậy là nên duyên. Dân làng Boa còn tự hào vì không uống rượu nên… ai cũng đẹp! Chưa kể, người già 60, 70 tuổi vẫn khỏe mạnh, vẫn đi rẫy, đi rừng, cán bộ thôn đi vận động người dân cũng sướng “vì họ có say đâu, nói chi hiểu nấy, không giống làng khác cứ nhậu say lè nhè” như bí thư Bàng chia sẻ.

Rời làng Boa, cái sự “không uống say” của dân làng vẫn không khỏi làm chúng tôi thắc mắc. Rượu là một phần không thể thiếu của người miền núi. Chống chọi với cái khắc nghiệt của thời tiết, của thiên nhiên, chuyện uống rượu phần nào đó làm nên “phong cách” sống của họ. Vậy mà giữa đại ngàn, làng Boa như một nốt trầm rất đặc biệt. Nốt trầm ấy mang lại sự bình yên, như màu xanh của ruộng lúa nước quanh làng…

PHƯƠNG GIANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng không... say
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO