Lẳng lặng làm nông...

SONG ANH 05/08/2018 06:07

Bao giờ cũng vậy, trong các hội nghị, hội thảo, những cuộc gặp gỡ giữa nông dân và chính quyền, ông cũng là người hùng hổ… nói nhất. Cơ hồ bao nhiêu khốn khó, suy tư, trăn trở lẫn… bức xúc của nhà nông, ông già Nguyễn Đức Thành gom hết lại. Và tìm cách để những câu chuyện đó đến được chỗ cần nghe…

Ông Nguyễn Đức Thành.
Ông Nguyễn Đức Thành.

1. Ở cái thời đoạn mà làm nông mỗi ngày một khó - không chỉ khó về đất đai, con giống, mà còn khó cả ở lòng người đầy hoài nghi, thì giữ cho được một “di sản” nông nghiệp hình thành trước cả thời “đổi mới” - hẳn là điều… trên cả khó. Vậy mà những người dân bãi biền Thu Bồn của Điện Quang (Điện Bàn) làm được. Và thậm chí làm tốt. Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Điện Quang, như một điểm sáng trong cả hành trình làm nông nghiệp của người xứ Quảng. “Đầu tàu” đó, người mà cánh báo chí gọi bằng một cụm từ rất kêu - “Người giữ thành HTX” – Nguyễn Đức Thành, vẫn đang mỗi ngày làm dày dặn cái vốn liếng nông nghiệp mà đất Gò Nổi đã từng sở hữu. Căn cốt của một nông dân xứ Quảng, ăn cục nói hòn, quyết liệt nhưng tinh anh và thuần hậu, hình như ở cả trong máu ông già làm nông này. Khi sắp bước qua tuổi 65, ông nói, thứ gì cũng đã bước qua, chỉ có điều mỗi lần bước như vậy thì lòng còn nặng đến cả… mấy thế hệ sau. Bởi làm chi làm, làm cho hiện tại đó, nhưng phải nghĩ tới mươi năm sau, giống cây này, con đất này, sẽ biến đổi ra sao… Những ý nghĩ đầy trách nhiệm, mà có lẽ, tôi nghĩ, nó được hình thành và nuôi nấng từ cái ý niệm trân quý thiêng liêng từng vạt đất nhỏ ngay trên quê xứ mình.

“Hãy nhìn hạt lúa này” - một chương bé mọn trong cuốn sách dày dặn “Cuộc cách mạng một cọng rơm” (Masanobu Fukuoka) dễ khiến người ta phải dè chừng những cánh đồng đang xanh mởn ngoài kia. Và cái triết lý nông nghiệp được tóm nôm na của ông lão người Nhật kia, theo một kiểu “Thiền trong nông nghiệp”, sợ cây cỏ này, thiên nhiên kia tổn thương, để người làm nông hãy nhìn đó mà khiêm nhường rón rén trước ruộng vườn vô giá mình đang có. Thì cũng bỗng chợt tôi nghĩ đến cái cách ông già Nguyễn Đức Thành xoay  xở để nông dân mình bền bỉ với nông nghiệp, để HTX Nông nghiệp Điện Quang không bị tụt lại giữa hằng hà sa số doanh nghiệp nông nghiệp đang mọc lên mỗi ngày. “Ngay từ đầu sau thời gian dài khốn đốn, chúng tôi vận động xã viên, đừng làm theo kiểu rau 2 luống, heo 2 chuồng. Hãy sản xuất nông nghiệp như làm cho chính mình và người thân sử dụng” - ông Thành nói.

HTX Điện Quang được thành lập từ năm 1978 và hoạt động sản xuất kinh doanh trên phạm vi xã. Năm 2009, HTX chính thức triển khai dịch vụ bảo hiểm chăn nuôi trâu bò và thú y. Việc HTX đầu tiên thực hiện dịch vụ bảo hiểm bò trong xã với mức bán bảo hiểm 120.000 - 150.000 đồng/con/năm đã lan nhanh toàn quốc, trở thành “mô hình điểm” cho các địa phương. Không dừng lại ở đó, đơn vị đã mạnh dạn thực hiện dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt trong nhân dân và chế biến phân hữu cơ; hình thành khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, kiểm soát được nguồn gốc của gia súc, gia cầm khi đưa vào giết mổ... Năm 2010, HTX Điện Quang đã lập Quỹ tín dụng nhân dân Gò Nổi. Từ 1,4 tỷ đồng và 28 thành viên, đến nay quỹ đã thu hút 731 thành viên tham gia, huy động và cho vay hàng năm hơn 15 tỷ đồng, góp phần giải quyết kịp thời nguồn vốn cho nông dân để đầu tư mở rộng sản xuất, tăng thu nhập… Năm 2016, HTX Điện Quang là một trong những HTX tại Quảng Nam xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp “Dầu phụng Đất Quảng - Bò thịt - Rau sạch”. Đây cũng là HTX vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng 2 Huân chương Lao động hạng Ba, 2 Huân chương Lao động hạng Nhì…

Khi chưa có cả một phong trào “nông nghiệp sạch”, “nông nghiệp hữu cơ” đang rầm rộ, thì ở vùng Điện Quang, nông dân đã “văn minh” từ những năm đầu thế kỷ này. Không để cho thành viên của mình phải “lợn cợn” trong việc lựa chọn năng suất, sản lượng hay chất lượng nông sản, bao nhiêu mô hình kinh doanh do ông Nguyễn Đức Thành - giám đốc HTX, “vò đầu bứt tóc” để hình thành, luôn thành công. Ông nói vui, thành công không đến từ may mắn đúng như quảng cáo tivi, mà phải từ sự nỗ lực và khôn ngoan của mỗi người. Riêng với câu chuyện của HTX Nông nghiệp Điện Quang, thì hẳn sự khôn ngoan nhiệt tâm được bắt đầu từ người đầu tàu. Những năm 1990, ông lặn lội ra Bắc học về cách hình thành sản xuất liên kết. Những năm sau 2000, lại lần nữa ông tự mình khăn gói đi học về cách thu gom rác thải, cách lập quỹ tín dụng cho nông dân của mình. Sau những năm 2010, lại lần nữa ông đi thêm vài tỉnh thành để về cho ra đời mô hình “bảo hiểm cho bò”… Không biết bao nhiêu việc lặng lẽ, để rồi cuối cùng Nguyễn Đức Thành vẫn… lẳng lặng mà làm nông vậy!

2. Sự thất bại của nhiều HTX nông nghiệp trên cả nước, thậm chí sự khốn đốn của nhiều HTX trong một thời gian dài, lão nông Nguyễn Đức Thành nói, thậm chí bây giờ vẫn thấy tiếc nuối. Bởi lẽ, cái ý nghĩa của HTX không phải như một mô hình kinh doanh tập thể đơn thuần. “Hãy nghĩ HTX như một người gác cổng thị trường. Nó sẽ tiếp cận nông dân, rồi đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm để thêm bước nữa chọn lọc mà đưa ra thị trường. Nó cũng sẽ là kênh tiếp nối từ nông dân đến chính quyền. Ở nông thôn mà không có HTX nông nghiệp thì rất gay. Nó có chức năng hướng dẫn, hỗ trợ nữa, chứ không đơn thuần là thuận mua vừa bán. Vấn đề không chỉ do người vận hành ra sao mà còn do sự nhìn nhận của chính quyền các cấp đối với mô hình này như thế nào, để có sự trợ lực hợp lý” - ông Nguyễn Đức Thành nói. Và những người nông dân hiện đại đủ tinh tế để nhận ra, họ sẽ không thể đi đường dài nếu đi một mình. Họ đã nhận ra rằng muốn bán được hàng hóa thì phải tham gia chuỗi giá trị, phải minh bạch thông tin. Việc phát triển chuỗi giá trị sẽ giúp họ cải thiện năng lực tiếp cận thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó giảm tối đa tình trạng được giá mất mùa, được mùa mất giá dẫn đến phải giải cứu nông sản… Đó cũng là những cách thức mà HTX của ông Thành đang vận hành cho mọi loại hình nông sản do người nông dân khu vực bãi biền Thu Bồn làm được.

Cũng đến lúc những bước chân của người đầu tàu đã bắt đầu nặng nhọc. Ông Thành nói, điều mình đau đáu lâu nay chính là tìm kiếm một thế hệ kế cận đủ để thay ông tiếp tục vận hành mô hình doanh nghiệp HTX này. Một câu chuyện vui ông kể, mà nghe ra cũng chắt chiu nhiều lo lắng, rằng bao lần tuyển dụng chức danh giám đốc HTX, đều khuyết người. Nhiều nông dân Điện Quang nói, họ sợ không vượt qua được cái bóng của Nguyễn Đức Thành. Nhưng trong suy tư mình, ông Thành nói, kiếm một người trẻ có lực có tâm để làm nông nghiệp bây giờ, quá khó! Khó vì nó không phải là nghề hái ra tiền nhanh, càng không phải nghề danh giá ngồi mát bận sang mỗi ngày. Nên đã mấy năm rồi, cái thông tin tuyển dụng những chức danh cao cấp của HTX, vẫn chưa điền được tên người khác – ngoài Nguyễn Đức Thành.

Đó là nỗi riêng. Còn niềm chung, nông dân bây giờ cần gì, thiếu gì? Lão nông Nguyễn Đức Thành nói, nông dân bây giờ cần được đào tạo nghề. Có nghịch lý không? Không hề. Bởi nghề ở đây phải gắn với nông sản mà họ làm được, tức đã đến lúc, nông dân cần rành rọt cả ở khâu chế biến, chứ không đơn thuần chỉ làm nguyên liệu thô. “Nhà nước xác định nông nghiệp phát triển theo chuỗi giá trị, một quy trình khép kín từ sản xuất, chế biến đến thành phẩm. Thì phải dạy cho nông dân cái nghề chế biến. Hay ít ra cần có động thái để kiếm anh doanh nghiệp nào chuyên về khâu này” - ông Thành nói. Nhưng chưa hết. Nông dân cần phải biết về thị trường. Bằng chứng là những mập mờ từ thông tin thị trường đã đẩy bao nhiêu nông sản vào tình trạng giải cứu. Bằng chứng là hàng loạt cơ hội xúc tiến thương mại thiếu hẳn bóng dáng nông dân… Những chuyện tưởng cũ, nhưng chưa bao giờ ngớt.

Rồi cái giọng khàn đục quyết liệt của ông già trầm xuống. Thôi thì, cứ lẳng lặng… làm nông theo cách mà ông đang làm, như một cách để trả ơn nghĩa với đất bãi biền…

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lẳng lặng làm nông...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO