(QNO) - Thời khắc giao thừa và trong những ngày tết, họ gác lại sự háo hức bởi đặc thù nghề nghiệp của mình.
Lúc 22 giờ, chuông điện thoại lại reo vang báo hiệu một đoàn tàu sắp chạy ngang gác chắn, chị Cao Thị Thanh Thảo (xã Tam An, huyện Phú Ninh) lại hối hả thực hiện nhiệm vụ của mình trong đêm lạnh. Chị về ga Nông Sơn (xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn) làm việc đã 3 năm nay, và năm nào cũng dành phần lớn thời gian ăn tết với đồng nghiệp bởi đặc thù công việc của mình. Chị Thảo cho biết, một ca trực của các nhân viên gác tàu kéo dài 12 tiếng; nhà lại ở cách xa hơn 50km nên chỉ tranh thủ chạy về nhà một buổi trong dịp tết này rồi lại quay ra làm việc như bình thường.
Những người gác tàu như chị Thảo sẽ chẳng có kỳ nghỉ tết. |
Bận rộn và tỉ mẩn là vậy nhưng không hiếm khi chị Thảo và những đồng nghiệp khác gặp phải tình cảnh tréo ngoe. Nhiều lúc giữa đêm tối, khi đã hạ gần hết gác chắn thì người dân vẫn cố chui qua để tiết kiệm chút ít thời gian. Chui qua được thì thôi, chứ bị ngăn lại là lập tức họ càm ràm, thậm chí còn quát nạt. Lại có đôi lúc, những người nhậu say phóng bạt mạng tông nát cả gác chắn, may là không gây thiệt hại về tính mạng.
Quy định của ngành là không được ngủ, nên đôi lúc ban đêm dù thiu thiu mắt nhưng các nhân viên gác chắn đều không dám chợp mắt, bởi có thể ảnh hưởng đến an toàn đường sắt bất cứ lúc nào. Có đôi lần vào giữa khuya chẳng còn bóng người hay xe cộ, nhưng các nhân viên trong gác chắn đều rất kĩ càng rào chắn từ trước 3 phút, không hề chủ quan.
Tương tự như vậy, với những công nhân vệ sinh môi trường, đặc biệt là tại đô thị cổ Hội An, ngày giao thừa với họ còn mệt nhọc hơn thường ngày bởi lượng du khách và người dân đổ về xem pháo hoa cực đông ở khu vực trung tâm. Chị Nguyễn Thị Thảo (phường Sơn Phong, Hội An), công nhân vệ sinh Công ty Công trình công cộng Hội An bộc bạch: “Đã 12 năm nay tôi đón giao thừa trên những cung đường của thành phố thay vì sum họp với gia đình. Trước kia, đôi lúc cũng chạnh lòng nhưng lâu dần thành thói quen nên thấy điều đó cũng bình thường”.
Bình thường, công nhân vệ sinh môi trường ở đây chỉ làm việc từ 0 giờ đến 4 giờ sáng. Nhưng trong đêm giao thừa, họ bắt đầu công việc từ sẫm tối và miệt mài thu dọn cho đến khi nào sạch rác trên các tuyến phố. Trong giá rét, từng tốp công nhân vội vã bữa ăn đêm rồi co mình đẩy xe làm nhiệm vụ. Từ hôm 22 tháng Chạp đến nay, lượng rác đã tăng lên gấp ba lần so với thường ngày nên công việc nặng nhọc hơn. Có năm, họ về nhà khi đồng hồ đã trôi gần đến 6 giờ sáng. Thời điểm mà mọi người đã chộn rộn chuẩn bị đi thăm tết, du xuân.
Tết với họ - những nhân viên gác chắn hay công nhân vệ sinh môi trường trôi đi trong lặng lẽ. Lặng lẽ để có người dân có một cái tết yên bình, cho phố xá tinh tươm…
QUỐC TUẤN