Làng nghề Quảng và cái nhìn vào trong

SONG ANH 08/04/2017 09:06

Đã đến lúc các làng nghề, làng nghề truyền thống Quảng Nam dỡ bỏ những mỹ từ bao gồm bảo tồn và phát triển, để mở lại cuộc suy xét về sự tồn vong của chính mình. Nhiều làng nghề khai tử. Nhiều người làm nghề bỏ ngang để tìm phương kế sống khác. Và cũng đã nhiều giải pháp đưa ra để “cứu” làng nghề. Nhưng những cố gắng giữ làng nghề, như muối bỏ bể…

Người làm nghề Quán Hương vẫn loay hoay với việc xác định tên gọi sản phẩm của mình, làm thế nào để bán chạy nhất.Ảnh: SONG ANH
Người làm nghề Quán Hương vẫn loay hoay với việc xác định tên gọi sản phẩm của mình, làm thế nào để bán chạy nhất.Ảnh: SONG ANH

TRĂM KHÓ CHỒNG CHẤT

Đắp chiếu máy móc. Sản phẩm tồn đọng. Không có vốn nếu muốn mở rộng sản xuất. Thậm chí khi được chọn để phát triển du lịch, nhiều mặt hàng na ná như sản phẩm làng nghề được “hô biến” thành mặt hàng đặc trưng của địa phương… Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ làng nghề, năm nào cũng có…

1. Những cái lắc đầu là điều chúng tôi nhận được, khi câu chuyện về làng nghề truyền thống được xới lên. Từ lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở VH-TT&DL, Sở Công thương đến ngay cả bản thân người làm nghề. Sẽ thật nan giải khi chính những sản phẩm của các ngành nghề thủ công truyền thống không còn phổ biến, lại phải buộc người trong cuộc bấu víu lấy nó, mà sống. Tết Đinh Dậu 2017 vừa qua, Hội đồng hương huyện Duy Xuyên tại TP.Hồ Chí Minh tổ chức kêu gọi quyên góp, giúp đỡ những hộ làm nghề dệt vải tại làng nghề truyền thống ươm tơ dệt lụa Mã Châu (Nam Phước). Cùng với ngân sách từ UBND huyện, mỗi hộ làm nghề dệt tại khối phố 4 thị trấn Nam Phước được hỗ trợ 15kg gạo và 200 nghìn đồng. Ông Lương Hùng, nhà ngay trung tâm làng dệt này, cho biết, từ tháng 4.2016 đến tận cuối năm, không hiểu vì lý do gì, hàng bị tồn, các đại lý chất cả kho, không thể bán được. “Thằng Dũng - đại lý lớn nhất ở đây, nói em còn thở được thì anh chị cô chú trong làng còn sống. Vậy là cứ có sợi thì mình dệt, hàng chất nguyên đó” - ông Hùng nói. Hiện tại, sổ đỏ của gia đình ông Hùng đã cầm cố ngân hàng để đi vay tiền mua máy móc làm nghề, từ năm 2011 đến nay vẫn chưa có tiền để lấy lại sổ.

Cái tên gọi làng ươm tơ dệt lụa Mã Châu, hiện còn chăng trong tâm thức người làng. Còn lại là tiếng máy chạy sầm sập ngày đêm để dệt sợi gia công cho các đại lý buôn vải thô bán vào Sài Gòn. Nhiều năm qua, rất nhiều công ty, đại lý tại đây tuyên bố phá sản. Hiện tại, ở khối phố Châu Hiệp của Nam Phước, rất nhiều xưởng dệt lớn đập bỏ để chuyển đổi sang các ngành nghề khác. Ông Trần Hữu Phương, Phó Giám đốc HTX tơ lụa Mã Châu chia sẻ, hiện hộ nào còn duy trì nghề dệt ở địa phương thì đều phải vay ngân hàng. Riêng ở cơ sở của mình, ông Phương đã phải cầm cố 4 sổ đỏ ở ngân hàng để có thể tiếp tục xoay vốn làm nghề. Mã Châu từ 400 hộ làm nghề, nay chỉ còn chưa tới 50 hộ duy trì nghề dệt. Dù dệt lụa Mã Châu vào năm 2015 được công nhận là một trong 4 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công thương - cho biết, câu chuyện thương trường của những sản phẩm thủ công mỹ nghệ gặp khó kiểu như Mã Châu ở Quảng Nam rất nhiều. “Lý do bởi chúng ta chưa có một doanh nghiệp đầu đàn làm đầu mối cho việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bản thân người làm nghề lại không đủ vốn để mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất hay cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, chiến lược phát triển sản phẩm gắn với thị trường cũng chỉ mới dừng lại ở phạm vi nhỏ, không có ý nghĩ vươn tới thị trường lâu dài và bền vững” - ông Quang nói.
2. Cũng gặp khó ở câu chuyện đầu ra, những người ở làng nghề mộc Kim Bồng và Văn Hà cho biết, họ không thể cạnh tranh nổi với các mặt hàng gỗ gia dụng giá rẻ đang tràn ngập thị trường. Văn Hà hiện tại chỉ có 4 hộ làm nghề trong tổng số hơn 20 hộ làm nghề theo thống kê năm 2015 của chính quyền xã này. Trong khi đó, tại Kim Bồng, thông tin các nghệ nhân đưa ra, phần lớn các sản phẩm đang bày bán ngay tại địa phương, không phải là của phường thợ Kim Bồng làm. Còn làng đúc đồng Phước Kiều tìm mọi cách để xoay xở cho sản phẩm của mình và tên tuổi của làng mình, kể cả việc đưa sản phẩm từ ngoài vào và dán nhãn Phước Kiều. Ngay ở làng nghề Quán Hương, trong khi sản phẩm được làm tại địa phương, thì duy nhất hộ ông Võ Tấn Hiếu lấy tên làng Quán Hương dán nhãn cho sản phẩm. Khi được hỏi lý do vì sao không lấy tên Quán Hương là nơi sản xuất, nhiều hộ dân cho biết, họ phải để cơ sở sản xuất ở Sài Gòn, Hà Nội thì sản phẩm mới bán được.

Có một thực tế đáng buồn ở những làng nghề Quảng Nam, ngay những nghệ nhân đang phát đạt nhờ nghề gia truyền cũng chẳng biết có thể giữ nghề được đến bao giờ. Nghệ nhân đúc đồng Dương Ngọc Tiển chia sẻ, ông từng đi đến các gia đình trong làng để kêu gọi truyền nghề nhưng chẳng mấy người chịu đi. Đó cũng là lý do lớp đào tạo nghề trong chương trình phát triển nghề truyền thống cho làng đúc đồng Phước Kiều hiện tại vẫn chưa thể mở. Không thể mở rộng quy mô sản xuất hay nghĩ đến một chiến lược phát triển nghề bền vững hơn, chẳng hạn, kết hợp chặt chẽ với du lịch cho các làng nghề, khi không thể tìm được “truyền nhân”. Nhà lưu niệm làng đúc đồng Phước Kiều từ khi hoàn thành vào năm 2009 đến nay vẫn im ỉm đóng cửa vì không có người đầu tư trưng bày. Nơi đây chỉ bày các sản phẩm tượng và đồ thờ có kích cỡ từ vừa đến lớn, không hề có văn bản giới thiệu, tư liệu ảnh hay video giúp người xem hình dung rõ nét hơn về một làng đúc đồng nức tiếng thuở trước. Ngoài ra, cũng không có các phiên bản tượng mi ni, các đồ lưu niệm nhỏ gọn để khách quốc tế dễ dàng mua về làm quà như cách các làng nghề của Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã làm rất hiệu quả.

Liệu rằng Quảng Nam có nên cố khôi phục tất cả làng nghề, cố bảo tồn những sản phẩm truyền thống, giữ lại những giá trị không còn phù hợp với nhu cầu của thị trường? Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - kể ra hàng loạt khó khăn mà những làng nghề truyền thống Quảng Nam gặp phải, từ nguyên liệu đầu vào, môi trường sản xuất, mức độ đầu tư cho người làm nghề, đến việc tiếp cận vốn vay còn lắm rắc rối, thị trường tiêu thụ sản phẩm và cả bản thân người làm nghề, đa số ở độ tuổi trung niên. Ông Muộn nói, phát triển làng nghề là để góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, xóa đói giảm nghèo hay thậm chí còn phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Nhưng trong số 44 làng nghề thủ công truyền thống được đưa vào danh sách bảo tồn, phục hồi trong một số đề án do UBND tỉnh phê duyệt, thì có một số làng nghề có nguy cơ chỉ “sống lại” trên… giấy vì nghề truyền thống ở đây hoặc đã “chết”, hoặc đang “hấp hối” trước sức ép của nền kinh tế thị trường cùng những khó khăn về nhân lực, vốn, cơ sở hạ tầng… Và thật sự, câu chuyện làng nghề truyền thống Quảng Nam có rất nhiều vấn đề, đối diện với hàng trăm khó khăn, như lời những người trong cuộc than vãn…

SONG ANH

TRĂN TRỞ TỪ NGƯỜI LÀM NGHỀ

Ngay từ những năm 2000, rất nhiều chính sách hỗ trợ, khôi phục phát triển làng nghề được đưa ra. Trong đó có cả câu chuyện đưa làng nghề phát triển gắn với du lịch. Thế nhưng hành trình để đến với mục tiêu chính sách đề ra của các làng nghề, xem ra còn lắm chông gai…

Đầu tư thiếu hiệu quả

Sớm có chủ trương phát triển ngành nghề nông thôn, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và hợp tác xã, trong đó, đặc biệt ưu tiên phát triển làng nghề, Quảng Nam đã xác lập vị thế của làng nghề trong cơ cấu phát triển kinh tế cũng như bảo tồn văn hóa địa phương. Các chính sách đã phân loại rõ các nhóm làng nghề để có hướng hỗ trợ cụ thể, bao gồm: làng nghề gắn với hoạt động du lịch, quy hoạch lại những làng nghề gây ô nhiễm môi trường, khôi phục những làng bị mai một. Nhiều địa phương còn quy hoạch cụm làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để có hướng đầu tư hiệu quả, như Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Đông Khương của thị xã Điện Bàn; tiếp tục dành ưu đãi cho những doanh nghiệp làng nghề, như Xí nghiệp mây tre lá Âu Cơ (Núi Thành), Công ty TNHH Mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp, Gỗ nghệ thuật Âu Lạc…; hay dành nhiều sự đầu tư cho các làng nghề gắn với du lịch, như gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng; kể cả việc quy hoạch vùng nguyên liệu làng nghề như vùng trồng mây ở Đông Giang hay vùng dừa nước Cẩm Thanh…

Làng nghề dệt lụa Mã Châu đang hoạt động cầm chừng với rất nhiều khó khăn. Ảnh: LÊ QUÂN
Làng nghề dệt lụa Mã Châu đang hoạt động cầm chừng với rất nhiều khó khăn. Ảnh: LÊ QUÂN

Thế nhưng không phải sự đầu tư nào cũng có hiệu quả. Ông Nguyễn Trường Thiên - Giám đốc Xí nghiệp Mây tre lá Âu Cơ - cho biết, ngành thủ công mỹ nghệ của Quảng Nam gặp phải sự cạnh tranh rất khốc liệt của các địa phương khác. Đặc biệt, đối với ngành mây tre lá, theo ông Thiên, nếu các làng nghề không thay đổi công nghệ, nhạy bén với thị trường thì rất khó để nắm bắt cơ hội. Cùng với đó, quy hoạch nguyên liệu làm nghề cũng là vấn đề đặt ra của rất nhiều làng nghề khác trên con đường phát triển. Ông Thiên nói ông đã từng mang giống cây mây lên các địa phương ở phía tây Trường Sơn nhưng lại không được người ở đó nhận trồng, cuối cùng ông tự làm một vùng nguyên liệu ở Tam Hiệp để cung ứng cho xí nghiệp mình. Ngay tại một nơi có khá nhiều ưu đãi cho người làm nghề truyền thống như Điện Bàn, cũng rất khó để kêu gọi người làm nghề tập trung vào cụm làng nghề Đông Khương như đã quy hoạch, bởi họ không thể nhìn thấy tương lai phát triển của mình.

Cần tính đến yếu tố thị trường

Rất nhiều người làm nghề truyền thống chia sẻ, nếu những sản phẩm thủ công không còn phù hợp với thị hiếu tiêu dùng thì dù có cố khôi phục làng nghề, nghề truyền thống cũng vẫn “chết” vì không còn nghệ nhân và cũng không có “đầu ra”. Ngược lại, những nghề đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường thì vẫn phát triển mạnh mẽ. Những hộ bao năm qua tự “đứng vững” bằng nghề truyền thống, họ không cần đến sự bao cấp của Nhà nước về vốn, nguyên liệu, nhân lực hay “đầu ra”. Tại Hội nghị phát triển làng nghề gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và nông thôn mới vừa diễn ra hồi tháng 3.2017, rất nhiều người làm nghề cho rằng, các đề án phát triển làng nghề hiện nay đều mắc phải lỗi “cào bằng”, “bao tất cả trong một” để “rót tiền” mà không tính đến đặc thù của từng ngành, từng nghề cụ thể.

Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Tiển cho biết, nếu muốn phát triển tốt thì chỉ có cách người làm nghề phải tự thích ứng. “Nên để các làng nghề tự thích ứng với nhu cầu của thị trường, cụ thể như làm ra những sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng, áp dụng phương thức sản xuất mới, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Nếu làm được thì sẽ tồn tại, còn không thì bị đào thải. Khi phát triển bằng nội lực của chính mình và phù hợp với quy luật của thị trường thì sẽ không phải trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước” - ông Tiển nói. Trong khi đó, ông Trần Hữu Phương của HTX tơ lụa Mã Châu lại cho rằng, sự đầu tư không có chủ đích của các đề án, chính sách hỗ trợ, với những hạng mục đầu tư không xác đáng với nhu cầu của người làm nghề, cũng là một cách làm khó họ.

Ở câu chuyện đầu tư phát triển làng nghề gắn với du lịch, nhiều nghệ nhân nhận định, địa phương chỉ mới dừng lại ở mức tận dụng cảnh quan sẵn có của không gian làng nghề cũng như tri thức nghề mà không hề có sự san sẻ lợi nhuận với họ. Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng cho biết, trong khi ông dốc sức đầu tư cải tạo cảnh quan cho khu sản xuất của gia đình mình, rất nhiều đoàn khách đã lui tới “nhìn ngó”, ông vẫn không nhận được bất cứ hỗ trợ nào từ phía các hãng lữ hành hay địa phương. “Sản phẩm nói bán cho khách du lịch càng không thể, bởi họ chỉ tới coi rồi đi, bản thân tôi chưa hề có thu nhập từ du lịch” - ông Sướng nói.

Ông Nguyễn Văn Tiếp - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam - cũng cho biết, nếu để phát triển làng nghề gắn với du lịch thì hiệp hội du lịch cũng như các ngành liên quan phải đứng ra quản lý chặt chẽ các hãng lữ hành cũng như đội ngũ hướng dẫn viên tự do. Ngay cả việc gắn con dấu xác thực “Craft in Quảng Nam” trên các sản phẩm truyền thống làng nghề vẫn chưa nhận được nhiều sự hưởng ứng của người làm nghề. Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Tuấn, chủ cơ sở sản xuất chổi đót Chiêm Sơn (Duy Xuyên) lại kể câu chuyện nhập nhằng về đào tạo nghề thủ công truyền thống trong chương trình khuyến công của tỉnh. Ông Tuấn nói, trong khi địa phương tổ chức dạy nghề truyền thống cho lao động thì lại toàn những người đã biết nghề, chủ yếu là nhân công ở cơ sở của ông, học đi học lại rất nhiều lần. Rõ ràng, có quá nhiều bất cập trong câu chuyện đầu tư hỗ trợ làng nghề truyền thống, mà không ai khác, chính những người quản lý cần phải suy xét lại.

LÊ QUÂN

CHỌN LỐI NÀO PHÁT TRIỂN?

Nhiều vấn đề nan giải ở câu chuyện phát triển làng nghề cần sự vào cuộc tháo gỡ của từ chính quyền tỉnh đến các ban ngành liên quan…

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh:

Khoanh vùng làng nghề để đầu tư

Cần xác định làng nghề nào tiếp tục được đầu tư mạnh, những làng nghề nào nên khoanh vùng lại? Những làng nghề có điều kiện phát triển mạnh thì phải tiếp tục như thế nào? Chưa kể vùng nguyên liệu cần phải được quy hoạch thích hợp. Các cơ chế chính sách giữa các sở, ban ngành phải cộng hưởng và tích hợp để làng nghề phát triển. Theo đó, UBND tỉnh sẽ có nghiên cứu định kỳ 6 tháng/lần rà soát đánh giá thực hiện các cơ chế chính sách để xem xét các làng nghề được thụ hưởng như thế nào và sẽ có điều chỉnh, củng cố thích hợp. Một làng nghề phát triển tại Quảng Nam phải làm được 3 tiêu chí: phát triển làng nghề gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nông thôn và nông thôn mới; làng nghề phải ổn định và bền vững, có khả năng cạnh tranh để tồn tại; làng nghề phải đảm bảo về môi trường và giữ gìn văn hóa đặc trưng của địa phương.

Với việc sản xuất các sản phẩm, cần sự liên kết chuỗi để sản xuất nông nghiệp sạch, hiện tạm thời vẫn duy trì kinh tế hộ nhưng sau này phải phát triển cao hơn theo hướng này. Riêng đề án mỗi làng một sản phẩm, tỉnh sẽ khẩn trương xây dựng và có một hội nghị chuyên đề, cùng với đó sẽ tổ chức các kênh bán hàng. Với sản phẩm du lịch làng nghề, làm sao để chia sẻ lợi ích cộng đồng, giữa người làm du lịch và hộ sản xuất. Tôi sẽ đề nghị cắt giảm chi phí đầu tư hạ tầng giao thông ở các làng nghề để tăng hỗ trợ chi phí cho hoạt động sản xuất, đầu tư gắn với nhu cầu của người làm nghề. Riêng với các doanh nghiệp làng nghề, nghệ nhân làm nghề, quan điểm của tôi là sẽ ứng xử khác biệt hơn một chút, nghĩa là sẽ có những ưu đãi. Tỉnh đang nghiên cứu đầu tư cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp, không phân biệt bất kể là doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp siêu nhỏ như hộ làm nghề…
Bà Saeko Noda – chuyên gia kinh tế cộng đồng của Tổ chức Cứu trợ - Phát triển quốc tế (FIDR):

Cần chính sách thông thoáng cho làng nghề

Nếu Quảng Nam muốn đưa các làng nghề trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh, mạnh và bền vững thì phải chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều khâu. Thời gian đến tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu ban hành những chính sách thông thoáng hơn nhằm tạo điều kiện cho các làng nghề xây dựng bài bản kết cấu hạ tầng thiết yếu. Ưu tiên hỗ trợ những kênh vốn vay ưu đãi để những hợp tác xã, chủ cơ sở đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại và mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các ngành công thương, khoa học công nghệ, nông nghiệp và chính quyền 18 huyện, thị xã, thành phố cần tích cực hỗ trợ các đơn vị, cá nhân ở các làng nghề trong vấn đề định hướng thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh việc liên doanh liên kết để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Theo tôi, chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng cần hết sức quan tâm đến việc phát triển ngành du lịch theo hướng gắn kết chặt chẽ với các làng nghề nhằm đưa những sản phẩm của làng nghề đến tay du khách.
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT:

Phải xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 44 làng nghề và làng nghề truyền thống với tổng cộng 3.005 cơ sở sản xuất tham gia hoạt động, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 6.000 lao động với mức thu nhập bình quân 2 - 6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên các cơ sở sản xuất chủ yếu tập trung vào một số ngành nghề như trồng rau củ quả, chế biến nước mắm, hải sản, làm hương, bánh tráng, phở sắn, dệt vải, dệt thổ cẩm, dệt chiếu cói, gốm sứ, gỗ gia dụng, mây tre đan, chổi đót, rèn, đóng tàu... Mặc dù những năm qua UBND tỉnh cùng một số địa phương đã ban hành không ít cơ chế nhằm tạo đòn bẩy cho việc khôi phục, phát triển các làng nghề và làng nghề truyền thống nhưng thực tế cho thấy lĩnh vực này vẫn chưa thực sự có bước chuyển biến mạnh mẽ.

Đặc biệt, thời gian qua vấn đề xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa chưa được các cơ quan có trách nhiệm cũng như những chủ cơ sở sản xuất quan tâm đúng mức. Cũng có một nghịch lý là, trong khi nhiều làng nghề đang loay hoay tìm cách xây dựng thương hiệu để tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn thì tại không ít nơi dù đã có thương hiệu sản phẩm nhưng việc sản xuất không đủ sản lượng cung ứng cho nhu cầu của thị trường. Ví dụ như bưởi trụ Đại Bình đã được đăng ký thương hiệu sản phẩm nhưng những năm qua do quy mô sản xuất quá nhỏ lẻ nên nguồn cung thường bị thiếu hụt trước sức mua khá lớn. Đây là vấn đề cần hết sức lưu tâm, giải quyết. Nếu không, tại các vùng quê, làng nghề của tỉnh sẽ thường xuyên xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa hoặc khủng hoảng thiếu sản phẩm.

XUÂN HIỀN - VĂN SỰ (ghi)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng nghề Quảng và cái nhìn vào trong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO