Ngày nay, làng hương Quán Hương (Hà Lam - Thăng Bình) đã trở nên nổi tiếng nhờ sản phẩm chất lượng và được tiêu thụ rộng rãi trong toàn tỉnh và ở một số tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; thậm chí còn được xuất khẩu sang Lào, sang Campuchia... Máy móc đã dần thay thế sức lao động của con người trong các khâu sản xuất như giã bột, nhồi trộn bột, pha màu, xe hương...
Đường vào làng Quán Hương. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
1. Cách đây hàng trăm năm, những nghệ nhân xưa đã làm hương bằng phương pháp thủ công với những dụng cụ thô sơ tự chế nhưng vẫn góp cho đời những nén hương cháy đượm, thơm ngát khói nhang...
Theo những lão nghệ nhân và những cụ cao niên ở làng Quán Hương thì nghề làm hương của làng không phải được du nhập từ Nghệ An như người ta thường nghĩ mà có nguồn gốc từ chính những người dân trong làng. Lúc đó Quán Hương chỉ là một làng quê nghèo thuần nông thuộc xứ Bàu Đỏa, làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình. Xuất phát từ việc mày mò tự làm hương thắp cho ông bà tổ tiên với bột hương được tận dụng làm từ những loại cây lá quanh nhà, nghề làm hương dần dần được hình thành vào những năm giữa thế kỷ 18.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì có thể người khai sinh ra làng hương Quán Hương là cụ Võ Tấn Thơ. Lúc đó, vì nhà nghèo nên cụ Võ Tấn Thơ đã đến tá túc phụ giúp ở chùa Ngọc Sơn (Bình Phục, Thăng Bình). Cụ Thơ đã ít nhiều học được kinh nghiệm làm hương của cha mình nên trong thời gian ở chùa, cụ Thơ cũng bắt đầu làm hương để thắp ở chùa. Sau khi lấy vợ sinh con, nghề làm hương tiếp tục được cụ Thơ truyền lại cho con trai là cụ Võ Tấn Túc. Cùng với vợ là cụ bà Võ Thị Thơ, cụ Võ Tấn Túc đã phát triển và mở rộng sản xuất nghề làm hương của cha mình. Khi đã có nơi tiêu thụ thường xuyên, việc buôn bán thuận lợi cụ Võ Tấn Trúc và vợ đã thuê người đi kiếm lá, thuê người chẻ chu hương (tăm hương), nhúng bột, xe hương... còn việc trộn bột hương với những bí quyết do cha truyền lại do vợ chồng cụ đảm nhận.
Thấy vợ chồng cụ Túc - cụ Thơ khấm khá lên nhờ làm hương nên các hộ trong làng cũng học nghề làm theo và rồi làng nghề làm hương dần dần được hình thành từ đó. Khi hai vợ chồng cụ Túc, cụ Thơ đã được nhiều người biết đến với nghề làm hương thì người ta đã gọi làng là làng Quán Hương bà Túc (lấy theo tên chồng). Khi cụ Túc, cụ Thơ mất, nghề làm hương được truyền lại cho cụ Võ Tấn Đồng (sinh năm 1917) tiếp tục nối nghề mở rộng sản xuất. Hiện nay một số người con của cụ Đồng vẫn kế tục nghề truyền thống của tổ tiên để lại và ngoài việc sản xuất hương truyền thống, họ còn chế biến bột hương để xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... Tính đến nay nghề làm hương truyền thống ở Quán Hương đã kế tục qua 5 đời với lịch sử hình thành và phát triển hơn 250 năm.
2. Buổi ban đầu khi làng hương mới hình thành, việc làm hương hết sức khó khăn do hoàn toàn làm bằng tay. Khó nhất là việc tìm các loại lá có mùi thơm để làm bột hương. Hàng ngày những người làm hương phải lặn lội đi bộ khắp nơi để tìm lá có hương thơm đem về phơi khô rồi giã nát để làm bột hương, có khi phải lên đến tận vùng núi Tiên Phước, Trà My. Các loại lá thường được sử dụng để làm bột hương thời đó như lá sim, lá tu hú, lá mơ răng, lá dang tốc, lá bạch đàn, lá bướm bay... Còn lá quế thì phải lên tận những vùng núi, vào những nhà trồng quế xin quét hốt lá khô rơi rụng đem về. Lá hái về trải đều trên nong tre phơi cho thật khô rồi cho vào cối gỗ dùng chày tay giã nát, sau đó dùng giần tre sàng nhiều lần để lấy phần lá khô đã được giã mịn nhất để làm bột hương. Người thợ sẽ pha chế, trộn lẫn các thành phần nguyên liệu theo tỷ lệ thích hợp bằng kinh nghiệm và phương pháp gia truyền.
Làm hương ở làng Quán Hương. Ảnh: AN TRƯỜNG |
Để nhuộm cho bột hương có màu vàng, các cụ ngày xưa đã dùng các bộ phận của cây dung như thân, cành, lá luộc lấy nước rồi cho vôi bột vào khuấy đều để cho ra màu vàng trộn làm bột hương. Nhưng khi sử dụng thì hương rất chậm cháy và khó giữ lửa. Sau đó, người ta dùng nghệ giã nát rồi hòa với nước để trộn bột hương. Còn chất để tạo sự kết dính bột hương vào chu hương thì ngày xưa người ta dùng lá bời lời giã nát lấy nước để trộn lấy bột.
Trước kia, để làm chu hương người ta dùng cọng tranh để xe hương nhưng cọng tranh yếu cây hương dễ gãy và không đứng thẳng được nên chuyển qua dùng tre non. Bột hương sau khi nhuộm phẩm màu được viên lại thành từng cục cỡ bằng ngón tay rồi một tay cầm cục bột hương một tay cầm chu hương vê từ dưới lên trên sao cho bột hương bám đều quanh chu hương rồi kẹp giữa hai bàn tay xe đều. Cách làm này vừa mất công vừa không đều cây hương khiến cho chỗ to chỗ nhỏ nên các cụ ngày xưa đã nghĩ ra việc đóng chiếc bàn xe hương và tay bàn xe. Chính nhờ sáng kiến này nên việc xe hương thuận lợi hơn, nhanh hơn và cây hương cũng tròn đều hơn...
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, những hưng thịnh của thị trường, thị hiếu người dùng, cho đến nay làng hương Quán Hương vẫn tồn tại, phát triển và có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nghề hương Quán Hương cũng chính là nét văn hóa đặc trưng của làng và trong tương lai sẽ thu hút khách du lịch tìm đến để tham quan, trải nghiệm.
AN TRƯỜNG