Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, làng Thanh Tú, xã Điện Thắng Nam (huyện Điện Bàn) là chiếc nôi cách mạng ở địa phương. Chi bộ đảng đầu tiên của xã Điện Thắng được ra đời tại vùng quê này, lãnh đạo quân và dân đấu tranh vũ trang phá bốt, đánh tề, diệt ngụy. Những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, nơi đây đã nuôi giấu, đùm bọc cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Năm 1954 làng Thanh Tú có 12 người con tập kết ra miền Bắc, số còn lại tiếp tục hoạt động và xây dựng cơ sở ở quê nhà. Luật 10/59 của địch khiến nhiều gia đình trong làng bị địch bắt bớ, tù đày; song ai nấy vẫn một lòng trung thành với Đảng, chấp nhận nhục hình để bảo tồn cơ sở. Nhiều gia đình đào hầm bí mật trong nhà, ngoài vườn nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ như gia đình các ông Nguyễn Văn Điểm, Võ Tâm, các mẹ Đỗ Thị Trạch, Trần Thị Hồ, Nguyễn Thị Sáu, Nguyễn Thị Tý, Nguyễn Thị Yến… Nhiều gia đình sẵn sàng động viên con cháu lên đường chiến đấu, tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn Tương, cả 4 người con đều thoát ly, trực tiếp chiến đấu, trong đó người con trai cả là chiến sĩ tàu không số đã anh dũng hy sinh tại Vũng Rô được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm 1964, làng Thanh Tú là nơi củng cố tổ chức đảng để xã Điện Thắng tổ chức Đại hội Đảng lần thứ I tại thôn Phong Lục Nam. Tháng 6.1964, nơi đây làm điểm xuất phát đánh đồn Ngũ Giáp và thu nhiều chiến lợi phẩm, mở ra thế kèm, tiến đến đồng khởi. Mùa xuân 1965, Mỹ tràn vào làng, chúng đốt nhà, bắt bớ dân lành. Để ngăn chặn bước tiến của giặc, tại đây diễn ra trận đánh giữa lực lượng du kích với Mỹ. Kết thúc trận đánh, du kích xã diệt 3 tên Mỹ, 1 tên bị thương, đồng chí Lê Mực - Xã đội phó anh dũng hy sinh. Đây cũng là trận đánh Mỹ đầu tiên trên quê hương Điện Thắng. Năm 1966, giặc chiếm đóng tại Trảng Nhật, ngày đêm tổ chức thanh trừng những gia đình tham gia cách mạng. Sống trong cảnh áp bức nhưng người làng vẫn quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời”, bám trụ giữ làng, đào hầm, nuôi giấu cán bộ và thành lập Đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi. Năm 1969, giặc Mỹ lập vành đai điện tử, chúng cày ủi biến làng quê này trở thành vùng trắng đất, trắng dân, theo đó dồn dân vào vành đai để dễ quản lý. Không để bọn giặc khống chế, quân và dân làng Thanh Tú tiếp tục đấu tranh tổ chức cắt vành đai, mở đường máu để bảo vệ cán bộ, bộ đội. Nhà mẹ Lê Thị Kiểu trở thành trạm liên lạc của Huyện ủy và các đơn vị quận 1, quận 2 TP.Đà Nẵng. Năm 1973 Hiệp định Paris ký kết, làng Thanh Tú là nơi địch đưa vào tầm kiểm soát, thường xuyên lùng sục để tiêu diệt cơ sở cách mạng. Nhưng những âm mưu thâm độc của chúng đều thất bại trước tinh thần đấu tranh của cán bộ và nhân dân. Chiến dịch mùa xuân lịch sử năm 1975, nơi đây các đồng chí lãnh đạo của huyện, tỉnh chọn làm sở chỉ huy đề ra kế hoạch chuẩn bị giải phóng quê hương.
Đất nước hoàn toàn giải phóng, làng Thanh Tú có 13 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 54 liệt sĩ và 22 thương bệnh binh. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, cán bộ, nhân dân làng Thanh Tú không ngừng phấn đấu chung sức, chung lòng hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng diện mạo quê hương ngày càng khởi sắc. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, Ban nhân dân thôn vận động người dân mạnh dạn đầu tư, thâm canh, chăm bón cây trồng đúng kỹ thuật. Nhiều nông dân mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, mua sắm máy móc thực hiện cơ giới hóa đồng ruộng. Mô hình kinh tế trang trại, gia trại hoạt động có hiệu quả, theo đó đời sống của nhân dân được cải thiện. Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa và lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng. Công tác khuyến học, khuyến tài được chi ủy, chính quyền, tộc họ quan tâm. Cán bộ và nhân dân trong thôn hưởng ứng tích cực phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Thôn Thanh Tú được cấp trên công nhân “Khu dân cư tiên tiến”, thôn văn hóa tiêu biểu 10 năm liền. Đây là cơ sở để cán bộ và nhân dân thôn Thanh Tú cùng chung tay với xã nhà thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để mở ra một diện mạo mới tươi đẹp, ấm no hơn.
HỮU DŨNG