Trong bối cảnh nhu cầu sắp xếp, bố trí dân cư vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ngày càng bức thiết, Quảng Nam đặc biệt quan tâm tìm kiếm những đề xuất về mô hình quy hoạch làng mang các giá trị văn hóa đặc trưng. Nhiều kỳ vọng được đặt ra, để hình thành một “bộ khung” chiến lược cho các địa phương trong chặng đường sắp đến.
NHẬN DIỆN CHUYỂN BIẾN
Làng truyền thống ở miền núi đang biến đổi một cách rõ rệt và phức tạp. Yêu cầu nhận diện đầy đủ những chuyển biến đó để đưa vào quy hoạch và quản lý mô hình định cư trong giai đoạn mới được đặt ra khá cấp bách, để phù hợp với chiến lược xây dựng NTM bền vững.
Điểm nhìn
Trải qua nhiều biến động của lịch sử, đồng bào các DTTS còn bảo lưu nhiều di sản quý giá. Có thể kể như: nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, lễ hội, âm nhạc, ẩm thực truyền thống… và nhiều tri thức bản địa. Tuy nhiên, theo đánh giá, vẫn chưa có một tầm nhìn và những đầu tư thỏa đáng cho sự phát triển đời sống văn hóa các DTTS, nhất là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống trong không gian sống và sinh hoạt của cộng đồng: làng miền núi.
Theo TS.Tạ Thị Hoàng Vân - Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng), việc đầu tư chưa đúng tầm; xuất phát điểm thấp; thiếu những chương trình dài hơi; thiếu hoạch định giải pháp, chính sách, cơ chế cho bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa truyền thống là thực trạng chung không chỉ ở Quảng Nam. Kết cấu nông thôn phát triển chậm, chưa đồng đều, nhất là các xã miền núi đặc biệt khó khăn bộc lộ nhiều tồn tại cần khắc phục.
“Cấu trúc làng ở miền núi tồn tại hai khu vực là làng truyền thống và tái định cư. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống không có nghĩa là bắt một hệ thống cũ cùng tồn tại trong hoàn cảnh hiện tại mà nó không thể đáp ứng. Sinh kế của đồng bào chủ yếu là hoạt động kinh tế nương rẫy lâu dài, khá phụ thuộc vào thiên nhiên. Làm mới cấu trúc làng trong bối cảnh hiện nay phải đáp ứng mục tiêu thụ hưởng những lợi ích của các chương trình kinh tế - xã hội nhưng phải gìn giữ được bản sắc văn hóa, phù hợp định hướng phát triển của địa phương. Do đó, cần nhận diện và đề xuất mô hình quy hoạch làng truyền thống miền núi, đáp ứng thực tiễn tái định cư, sắp xếp dân cư phù hợp yêu cầu” - TS. Tạ Thị Hoàng Vân chia sẻ.
Nghiên cứu của Viện Kiến trúc quốc gia cho thấy, có nhiều đề tài đã và đang được tiếp cận ở nhiều góc độ, xây dựng một bức tranh về nông thôn, miền núi Quảng Nam khá sống động. Tuy nhiên, dễ nhận thấy sự thiếu vắng trong việc đánh giá liên ngành để có một tiếp cận thẳng đến vướng mắc hiện tại. Do đó, định vị điểm nhìn, nhận diện thách thức, tìm hướng kế thừa và lựa chọn các yếu tố giá trị truyền thống thích hợp để khai thác, lồng ghép trong quy hoạch phát triển NTM là yêu cầu bắt buộc.
Những tác động
Nhiều tồn tại được chỉ ra trong việc triển khai xây dựng NTM ở các huyện miền núi, như tốc độ phát triển thấp, thiếu bền vững, sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển so với miền xuôi, tiềm năng chưa được khai thác đúng mức. Những vấn đề trong công tác tái định cư và sắp xếp dân cư phải đảm bảo điều kiện an sinh, lựa chọn vị trí phù hợp, đồng thời lưu tâm đến yếu tố tâm thức của tộc người, bố cục làng, cũng như mối quan hệ trong làng.
Đối với những vùng miền núi, việc ưu tiên bố trí, sắp xếp dân cư và ổn định đời sống với đầy đủ cơ sở hạ tầng là hết sức cần thiết để giúp người dân từng bước thoát nghèo.
“Chủ trương gom lại để phát triển, quan tâm đến ý kiến người dân và đặc biệt là tái định cư không tách rời truyền thống văn hóa sẽ kết nối và tạo được động lực cho sự phát triển tập trung của từng khu vực. Việc lựa chọn vị trí tái định cư cũng cần có những thay đổi theo hướng gắn với rừng, hạn chế những can thiệp cơ giới hóa; bố trí theo thế mạnh/thói quen sản xuất. Khu dân cư phải gắn với đất sản xuất, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế bộ mặt nông thôn mới ở các làng miền núi không phải là xã điểm chưa thực sự rõ nét. Vấn đề cần giải quyết là khó khăn về quỹ đất xây dựng do yếu tố địa hình, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Thêm vào đó, sức ỳ của phong tục, lối sống, những khó khăn về cơ chế chính sách và nguồn vốn đầu tư cũng là bài toán đang cần lời giải” - TS.Tạ Thị Hoàng Vân nhấn mạnh.
Tại nhiều cuộc họp đánh giá về kết quả xây dựng NTM ở miền núi, bài học chung thường được nhắc đến là các làng mới phải có sự phát triển tiếp nối truyền thống, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa tộc người, văn hóa vùng. Điển hình như huyện Tây Giang, quy hoạch sắp xếp, bố trí dân cư được xem là “cánh cửa” mở ra quá trình đầu tư, quy hoạch tiếp theo bao gồm xây dựng công trình dân sinh, triển khai thực hiện tiêu chí xây dựng NTM để có thể nâng cao đời sống. Tuy nhiên, giá trị truyền thống phải được giữ sau khi tính toán việc chuyển đổi về đất đai, dân cư, nghề nghiệp, không gian quy hoạch, kiến trúc nhà ở… Tiếp biến gần như là yêu cầu bắt buộc, trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng những tác động và tìm cách kiểm soát trong quá trình triển khai sắp xếp, bố trí dân cư miền núi.
TÌM HƯỚNG THÍCH NGHI
Kinh nghiệm của một số địa phương trong công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư ở miền núi cộng với những tính toán căn cơ, khoa học, bám sát nguyên tắc ứng xử với các giá trị văn hóa truyền thống sẽ là hướng đi phù hợp cho mô hình định cư hiện nay. Đây cũng là quan điểm vững chắc cho việc lựa chọn quy hoạch thí điểm làng của đồng bào DTTS gắn với xây dựng NTM trong tương lai.
Ứng xử linh hoạt
Được đánh giá là địa phương đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh về quy hoạch, sắp xếp và bố trí dân cư miền núi, huyện Tây Giang xác định phải giữ vững các giá trị truyền thống trong triển khai thực hiện đồ án quy hoạch NTM. Sắp xếp làng là việc cần làm đầu tiên, ổn định được vấn đề này mới có thể tính toán đầu tư các công trình dân sinh, xây dựng và nâng cao tiêu chí NTM. Trong đó, chú trọng giữ cấu trúc làng cũ, xây dựng hệ thống thiết chế hỗ trợ cộng đồng. Chủ trương này đã đạt được kết quá khả quan bước đầu trong quá trình triển khai.
Theo ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, rất nhiều điểm dân cư được sắp xếp theo cấu trúc hình bầu dục. Không gian sinh hoạt, tập quán sản xuất tương đối ổn định, gươl làng thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, đáp ứng các tiêu chí NTM, nhưng vẫn đảm bảo chức năng theo giá trị truyền thống. Kiến trúc này giúp nâng cao chất lượng sống trong điều kiện đất đai ngày càng chật hẹp, song vẫn giữ mối liên hệ cần thiết với cấu trúc và không gian truyền thống của mô hình định cư.
Nếu như Tây Giang chọn cách xây dựng các mặt bằng lớn để tái định cư cho cả cộng đồng làng, thì Nam Trà My khuyến khích bà con tái định cư tại chỗ. Để hạn chế thấp nhất can thiệt của cơ giới hóa, chính quyền vận động người dân làm mặt bằng theo cách thủ công, đồng thời bố trí nhà cửa theo truyền thống. Cách làm này vừa giải quyết bài toán bảo tồn nguyên bản làng của đồng bào DTTS, vừa tôn trọng lựa chọn của chính cộng đồng trong việc tái thiết làng.
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - Hồ Quang Bửu cho hay: “Kinh phí của Nhà nước có hạn nên chúng tôi dựa vào kinh nghiệm của người dân. Đến nay, trong 115 khu tái định cư của Nam Trà My, chưa hề xảy ra sạt lở. Điều cốt lõi là phát huy được tinh thần hiến đất của người dân, duy trì sinh kế, đồng thời tranh thủ nguồn lực hỗ trợ để bà con làm nhà. Từ tư vấn của ngành chuyên môn, chúng tôi đã thí điểm việc xây dựng nhà bằng vật liệu thay thế và đang đánh giá hiệu quả để có thể nhân rộng”.
Hài hòa các điều kiện
Ông Mai Ký - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT&DL) cho rằng, việc triển khai khu tái định cư phải được tính toán một cách hài hòa với cấu trúc làng của đồng bào DTTS. Cấu trúc làng xét về mặt dân tộc học có sự khác biệt theo từng huyện, từng tộc người, do đó quy hoạch phải phù hợp với đặc trưng văn hóa của từng nhóm địa phương, dân tộc. Nhiều vấn đề nảy sinh khi sắp xếp cũng phải được tính toán như an ninh trật tự, môi trường, quản lý xã hội, quản lý cộng đồng.
Giữa bảo tồn và phát triển bao giờ cũng phải có khoảng chông chênh mà chính quyền cần có sự lựa chọn hợp lý. “Nếu chỉ áp dụng các tiêu chí NTM một cách cứng nhắc, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề không thể giải quyết trong bố trí, sắp xếp dân cư của đồng bào DTTS. Việc tìm quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa, mà cụ thể là sân vận động là điều khó khả thi ở một số nơi. Làng là thiết chế xã hội bền vững từ bao đời, văn hóa làng đã ăn sâu vào tiềm thức đồng bào, do đó chỉ có thể sắp xếp không gian sinh tồn, không thể sắp xếp tập quán người dân. Điều này đặt ra yêu cầu phải dự lường được ảnh hưởng sau khi sắp xếp. Một số kiến trúc và cấu trúc không thể mở rộng theo yêu cầu tiêu chuẩn NTM. Chẳng hạn như gươl của người Cơ Tu, là trí tuệ và tri thức dân gian, mang giá trị truyền thống, là nét văn hóa độc đáo. Chúng ta không thể áp dụng ý chí của cơ quan quy hoạch vào công trình này, mà phải tôn trọng ý chí cộng đồng. Phải hài hòa được các yếu tố đó, mới giải được bài toán giữa bảo tồn và phát triển” - ông Ký nói.
THÁCH THỨC BẢO TỒN
Các mô hình định cư truyền thống nên được xem xét, nhìn nhận trong sự phát triển tiếp nối. Thách thức đặt ra là phải tìm kiếm sự cân bằng mới cho làng, trên cơ sở để những giá trị văn hóa truyền thống thích ứng với thay đổi của thời cuộc.
Giữ truyền thống
Hiện nay ở làng đồng bào còn lưu giữ nhiều nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, sản xuất và chế biến rượu cần, làm gốm, chế tác các nhạc cụ… Điều đó cho thấy hệ thống các giá trị văn hóa tiêu biểu ở làng của đồng bào DTTS là khá đồ sộ. Làng cũng là không gian bảo tồn nghệ thuật điêu khắc khá độc đáo, vừa là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống.
TS.Trần Tấn Vịnh cho rằng: “Cùng với lợi thế về thiên nhiên, đất đai, nguồn nước, di sản văn hóa là tài nguyên quan trọng của làng, đồng thời cũng là nhân tố tạo nên sự ổn định bền vững, quyết định sự thành công trong xây dựng NTM gắn với sắp xếp dân cư. Nhiều di sản, vật thể, phi vật thể có tính tiêu biểu cao. Do đó, phải tính toán kỹ lưỡng những biến động, tìm phương án phù hợp nhất để không đánh mất các giá trị này khi thực hiện sắp xếp, bố trí dân cư miền núi”.
Đối với các tộc người thiểu số, lễ hội thường liên quan đến môi trường cư trú gắn với núi rừng, làng, mang đậm bản sắc truyền thống. Đứng về mặt tâm lý tộc người, làng chính là môi trường đào tạo nhân cách, tri thức, kinh nghiệm trong sản xuất, phương thức ứng xử trong đời sống. Đây là những yếu tố quan trọng cần được đặc biệt ưu tiên khi tính toán đến việc xây dựng cấu trúc làng và sắp xếp bố trí dân cư vùng đồng bào DTTS.
Tính “đường dài”
Nghiên cứu của Viện Kiến trúc quốc gia cho thấy, qua khảo sát đặc điểm làng truyền thống của 4 DTTS đông dân ở Quảng Nam gồm: Giẻ Triêng, Co, Cơ Tu và Xê Đăng có thể thấy điểm chung khi chọn đất lập làng. Những tiêu chí bắt buộc là phải gần nguồn nước; không quá xa khu vực sản xuất; địa hình cao ráo, độ dốc thấp và đặc biệt là phải được sự “đồng ý” của thần linh.
Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh chia sẻ, đến nay diện mạo NTM ở miền núi đã có rất nhiều thay đổi. Đặc biệt, chính sách liên quan đến Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh và quan điểm từ Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy được đánh giá là đầy tính nhân văn.
“Qua 3 năm triển khai, một nguồn vốn khổng lồ đã được đầu tư phục vụ cho đồng bào miền núi ổn định chỗ ở. Theo tôi, đây là chính sách rất phù hợp của Quảng Nam, được người dân đón nhận. Tuy nhiên, liên quan đến việc sắp xếp dân cư, hiện vẫn thiếu một bộ tiêu chí chung cho thôn ở miền núi. Có thể mở rộng, phân tích thành các khu vực cụ thể như thôn đặc biệt khó khăn, thôn thụ hưởng chính sách theo Chương trình 30a, 30b, thôn ở vùng trung du hoặc núi cao để phù hợp với thực tiễn theo từng nơi, làm kim chỉ nam cho các địa phương trong quy hoạch” - ông Lợi nói.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - ông Lê Minh Hưng cho rằng, Quảng Nam đã thực hiện sắp xếp, bố trí dân cư từ rất sớm, trước cả khi có chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện, do nhu cầu bức bách nên đã có nhiều khu tái định cư được xây dựng. Bất cập nảy sinh ở những nơi này là rất lớn. Như khu tái định cư của dự án thủy điện A Vương (Đông Giang); Sông Tranh (Bắc Trà My), nguyên nhân là do nghiên cứu, quy hoạch chưa đúng, có nơi tái định cư được đặt giữa rừng phòng hộ, người dân thiếu đất sản xuất.
“Tôi cho rằng, nên rút kinh nghiệm từ sai lầm ở các khu tái định cư thủy điện, khi xây dựng một quy hoạch chung về cấu trúc làng, bố trí dân cư cần đảm bảo yếu tố bền vững, mang tầm nhìn chiến lược. Đồng thời phải gắn sinh kế của người dân với rừng” - ông Hưng nhấn mạnh.
KINH NGHIỆM TỪ QUÁ KHỨ
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề sắp xếp, bố trí dân cư của vùng DTTS trong xây dựng NTM, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng: “Đã có một quá trình biến đổi dài để đi đến hiện trạng của các làng miền núi ngày nay. Chúng ta phải phân tích được trong số những biến đổi đó, yếu tố nào là thuần tự nhiên, yếu tố nào là do tác động của cơ chế chính sách, sự giống và khác nhau của quá trình tự nhiên với quá trình mang tính cưỡng bức. Để xây dựng được một quy hoạch chung về cấu trúc làng và bố trí, sắp xếp dân cư, cần phải nhìn nhận được những thách thức về bảo tồn văn hóa trong quá trình ổn định chỗ ở, phát triển hạ tầng giao thông… Bởi việc di dân, xây dựng hạ tầng có thể tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa, thách thức văn hóa bản địa”.
Đề cập thêm những giải pháp phát huy giá trị cảnh quan, đảm bảo nguồn lực đầu tư, môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh đến sự tham gia của cộng đồng trong xây dựng NTM và các chính sách, chủ trương liên quan di dân, lập làng. Ngành chức năng vẫn phải tính toán tiêu chuẩn, định mức để hỗ trợ đầu tư, song chỉ nên căn cứ trên phần lõi, phần cứng nhất định, để cộng đồng tham gia phần còn lại. Nhất là không gian sinh hoạt chung, diện tích, kiến trúc, mỹ thuật, kỹ thuật phải dựa vào cộng đồng, chính quyền chỉ nên đưa ra khuyến nghị, không áp đặt.
“Phát triển sản xuất là bộ phận của NTM, của sắp xếp dân cư, cần có quy hoạch phù hợp, hạn chế kiểu cũ, vừa ảnh hưởng đến môi trường, vừa không đảm bảo mỹ quan. Đồng thời phải tính đến phát triển du lịch từ làng của đồng bào DTTS. Năm năm tới là quãng đường chiến lược của Quảng Nam, ngoài các chương trình mục tiêu của trung ương, tỉnh có thể sẽ tính toán đến việc xây dựng đề án sắp xếp dân cư gắn với bộ tiêu chí làng văn hóa ở đồng bào DTTS. Tuy nhiên, mọi chính sách, nếu không cẩn trọng trong hoạch định và triển khai thực hiện, có thể dẫn đến việc đánh mất bản sắc văn hóa. Do đó, cần nhìn nhận nghiêm túc, tổng thể mọi vấn đề trong mối quan hệ chung của cộng đồng. Một mô hình quy hoạch chung, nhiều gợi mở sẽ đóng góp thiết thực vào việc lựa chọn cách thức sắp xếp, bố trí dân cư phù hợp trong xây dựng NTM, đảm bảo vừa nâng cao đời sống người dân, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa miền núi” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.