Làng vẫn còn đây...

BẢO ANH 03/07/2019 16:16

Sau mấy phen tách, nhập và nhất là đợt sắp xếp các đơn vị hành chính cấp thôn đã và đang được triển khai đại trà hiện nay, kết cấu làng xã ở nông thôn đã bị tác động khá lớn. Nhiều ngôi làng bị cắt làm đôi, làm ba để “biên chế” về các thôn khác nhau. Không ít làng được sáp nhập, hợp nhất vào nhau để hình thành đơn vị hành chính thôn theo quy định mới...

Một góc thanh bình của làng Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước. Ảnh: BẢO ANH
Một góc thanh bình của làng Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước. Ảnh: BẢO ANH

KHI thực hiện việc này, một số người - nhất là những người lớn tuổi, tỏ ra “tâm tư”, ngẫm ngợi, lo lắng... Tuy vậy, cũng có nhiều người rất bình thản, bảo sao cũng được, có khi cắt - tách - nhập cũng lại là điều hay... Như mới đây, khi làng Thuận An, xã Tam An (Phú Ninh) được hợp nhất với làng An Thiện để thành lập thôn An Thiện, một số người tỏ ý tiếc nuối vì cho rằng sau khi nhập xong, “học hiệu đất học Thuận An” không khéo sẽ mất đi. Ngược lại, vẫn có nhiều người lạc quan, rằng làng An Thiện (cũ) cũng là “đất học” vang danh không thua gì Thuận An, nhập vào thì “học hiệu” của hai làng càng được củng cố, trở nên “bề thế” hơn.

Còn với cụ Lê Văn M., ở xã Đại Cường (Đại Lộc), khi một phần thôn Thanh Vân của cụ được nhập chung với 2 thôn Quảng Đại 1 và Quảng Đại 2 để thành lập thôn Quảng Đại, cụ bảo thấy thôn to hẳn ra nhưng vẫn thấy lo lo, bởi biết đâu một thời gian nữa, cái tên Thanh Vân sẽ bị người ta quên mất. Tuy nhiên, lại có nhiều người khác cho rằng, lo lắng của cụ M. là không sai nhưng có vẻ... hơi thừa, bởi lẽ tên gọi của các thôn sau khi hợp nhất, sáp nhập chỉ là tên gọi hành chính, còn những giềng mối làng xóm đã định hình từ xưa đến nay vẫn được giữ nguyên. Các bậc khai canh, thánh thần làng nào vẫn làng ấy thờ cúng, các nghi thức tâm linh, những tri thức cội nguồn về đất đai, quê xứ... ở đâu vẫn còn nguyên đấy chứ không hề bị “cộng dồn” theo kiểu cơ học.

Tên làng Bàu Tròn (Đại An, Đại Lộc) vẫn được người dân lưu nhớ dù tên gọi hành chính đã nhiều lần thay đổi.
Tên làng Bàu Tròn (Đại An, Đại Lộc) vẫn được người dân lưu nhớ dù tên gọi hành chính đã nhiều lần thay đổi.

Theo một cán bộ ngành văn hóa huyện Đại Lộc, những lo nghĩ, day dứt và cảm giác như bị mất một cái gì đó thiêng liêng, sâu thẳm... khi tiến hành tách, nhập thôn, làng ở nông thôn là tâm trạng có thật, nhất là ở những người lớn tuổi. Tuy nhiên, chỉ cần giải thích, vận động một cách đầy đủ, chỉ ra những ích lợi lâu dài khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp thôn, thì những “tâm tư” kiểu như thế sẽ nhanh chóng được giải tỏa. “Vào cuối tháng 3 vừa rồi, huyện Đại Lộc đã hoàn thành việc sắp xếp từ 160 thôn, khu phố trong toàn huyện xuống còn 113 thôn, khu phố. Mọi việc diễn ra nhanh chóng, suôn sẻ một phần cũng nhờ trước đó các ban ngành chức năng và chính quyền các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích, vận động trong cộng đồng dân cư” - vị cán bộ này nói thêm.

Tìm hiểu tình hình tại một số nơi vừa thực hiện sắp xếp thôn, khối phố xong, có thể dễ dàng nhận thấy mọi việc hầu như... không thay đổi. Thay đổi - trong sự nhận biết của người dân sở tại, chủ yếu vẫn là việc ông A. thôi làm trưởng thôn, chức trưởng thôn mới đã do ông B. đảm nhận; hoặc so với hồi chưa sắp xếp thì bây giờ mỗi khi họp thôn phải... đi xa hơn chút. Còn những thay đổi bên trong thì ít ai nói tới, hoặc có nói thì cũng chỉ dừng lại ở những ưu tư về sự mất - còn của những cái tên gọi cũ, quen thuộc một thời mà thôi. Nhưng quan trọng là trên thực tế, tên gọi và cả những ký ức về làng xưa cảnh cũ vẫn được người dân nhiều nơi lưu giữ một cách chắc chắn, bất chấp những đổi thay hành chính. Như làng Phú Trang, trước thuộc xã Quế Xuân (Quế Sơn). Từ năm 2004, khi Quế Xuân tách thành 2 xã Quế Xuân 1 và Quế Xuân 2, làng này bị tách làm đôi, và mỗi nửa làng ấy được nhập cùng với làng khác để hình thành 2 đơn vị hành chính cấp thôn thuộc 2 xã khác nhau. Ấy vậy mà từ đó đến nay, mọi hoạt động của làng Phú Trang (cũ) vẫn được giữ nguyên; thậm chí đình làng không những trở thành nơi hội họp, sinh hoạt của dân làng mà còn của các tổ chức đoàn thể cả 2 thôn...

Ở xã Tiên Cảnh (Tiên Phước) có hai ngôi làng nổi tiếng là Lộc Yên và Thạnh Bình, sau mấy lần đổi thôn, thay tổ do yêu cầu của tình hình kinh tế - xã hội và quản trị hành chính, hai cái tên mỹ miều và thơ mộng ấy cũng không hề suy suyển... Cũng vậy, làng Bàu Tròn, xã Đại An (Đại Lộc) trước đây từng có lúc bị biến thành thôn với cái tên mới là một con số, nhưng rồi cái tên gọi dung dị, gần gũi ấy vẫn được mặc định trong lòng người nơi đây chứ không hề bị xóa, bị mất đi. Trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp thôn lần này, Bàu Tròn được nhập vào một đơn vị mới, có tên là thôn Phú Phước. Vừa rồi về đây ăn giỗ, hỏi chuyện các cụ về chuyện nhập thôn, ai cũng xua tay hoan hỉ: Phú Phước là vừa có phước vừa giàu, còn cái tên làng Bàu Tròn của mình vẫn còn y đó chớ có mất đi đâu mà lo!...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng vẫn còn đây...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO