Làng vẫn xanh như thuở đã xanh...

Bút ký TRUNG VIỆT 06/08/2016 08:24

Từ  cầu Bà Rén nhìn lên, bức tường với cây thánh giá vút cao, như án thư của làng.

1.Tôi hỏi Hải qua điện  thoại, hắn nói mi cứ chạy qua khỏi chợ heo, tau đang làm chỗ nớ… Tôi lạ chi chỗ nớ, làng nớ. Hơn 25 năm trước, tôi đạp xe mòn đường chết cỏ ăn ngủ nhà Hải. Bữa tôi đưa Hải xuống bến xe An Cựu ở Huế để ra về, lòng bùng lên cay đắng. Năm tháng đi qua, những biện giải cũng èo uột trôi sông trước những ngả rẽ đời người, tôi đều dồn vào một túi mà nhân loại đã đúc rút, rằng số phận rồi. Ai cũng có một vì sao chiếu mệnh,  nói như Aristote, bởi những duyên cớ khác nhau. Hải cũng học tổng hợp văn, nhưng chưa hết học kỳ 1 đã xách rương thùng về quê, rồi từ đó quăng quật áo cơm, con cái. Ai cũng già đi với chính mình, với mắt thiên hạ, chỉ có con sông Bà Rén, nhà thờ kia, làng xanh đó, như còn nguyên.

Cây cầu này sẽ sớm được làm mới.Ảnh: Trung Việt
Cây cầu này sẽ sớm được làm mới.Ảnh: Trung Việt

“Mi cứ chạy lên nhà tau, chỗ nớ…”. Tôi nhìn mắt Hải, mệt mỏi và ấm áp, nhìn cây thánh giá ánh lên trong nắng, nhớ ngày xưa ngày đó, ngày xanh lên khung trời. Ở ngay đầu xóm này, là Tân Tây thuộc thôn Phước Mỹ 3 thị trấn Nam Phước, là giáo xứ Xuân Thạnh, nơi an ủy linh hồn cho bao con chiên đâu chỉ dân Nam Phước, mà cả Quế Xuân, Quế Phú. Tôi đã vào đây một lần, năm đó là lớp 12, theo chân Tám. Tám ở làng trên tôi một chút, chủ nhật nào cũng đi nhà thờ, có bữa nói mi theo tau đi cho biết, ừ thì biết. Với tôi, nhà thờ cũng như chùa, sự trang nghiêm và thân thiện thoáng qua trong trí nhớ học trò như ông thầy giáo già. Mải miết theo nghề, có bữa chột dạ, cái làng ấy giờ ra sao?

“Thì cũng như rứa, bao nhà báo về viết rồi, có được chi mô”. Đó là Hải nói cây cầu bắc từ làng Tân Tây sang bên kia, đâm thẳng vô Cống Định trên đường lên huyện. Hồi đó, đã là cầu tre, mùa mưa thì gỡ, chèo ghe, bao người đã té, xúm lại làm cầu ván bập bênh, học trò rớt sông không ít.  Gần 30 năm, vẫn chưa có cầu  bê tông, giấc mơ và nỗi ám ảnh bị bao vây mùa lũ, khó khăn trong vận chuyển nông sản, đi làm đồng, đi học, vẫn quẫy đạp dân xóm này. Từ đây, nếu đau ốm, nếu có cầu, là chạy một mạch lên huyện, khỏi vòng xuống Bà Rén rồi mới chạy lên.

Tôi ra nhìn cầu, một bà đang cố gắng gồng mình lội giữa ván đã mục, xâm xấp nước và lục bình, vừa đi vừa cúi vịn ván, không có lan can, lơ mơ là rớt cái ình liền. Bất an kinh khủng. “Răng không lút, nước tới cổ”. Hải nói ngắn gọn về chuyện lũ về mỗi năm. Tôi nhớ bờ tre sát sông trước nhà Hải, tết đến uống rượu, thấy bùn non còn bện quyện ở đó. Tôi đọc mấy báo đưa tin cây cầu, đều phỏng vấn Hải với chức thôn phó, xót xa và ao ước cây cầu. Huyện Duy Xuyên muốn làm lắm, nhưng phải có 20 tỷ đồng mới xong.

2. Ký ức trôi ngược những ngày tháng trường huyện. Giữa đám học trò trưa nóng đói bụng muốn đạp cái ào về để ăn, Nhân, lúc ngẩng lúc cúi đầu đi như hành giả. Nhân ở xóm này, nhà nghèo không có tiền mua xe đạp, xuân thu nhị kỳ đều bộ hành, mà không bỏ học. Bao năm rồi tôi vẫn nhớ dáng Nhân dong dỏng cao, giờ không biết anh dạt về đâu. Ngày đó, Nhân cũng đi tắt như thế, từ đây qua sông lên trường mới kịp, chứ đi vòng xuống bật lên ngã ba Nam Phước, dứt khoát trễ học. Và Vinh nữa, bạn đồng khóa, đã ra đi trong u buồn trọng bệnh…

Người đâu vắng, chỉ có sông buồn thiu và những mảng xanh đến mềm lòng của làng. Cái làng này xanh bốn mùa. Đất ven sông, phù sa đãi người, cây lá sung thiệm. Đang mùa bắp, đám trổ cờ, đám đang chờ  trái lớn, đám đã chặt. Xanh ngăn ngắt như nhát cọ lớn quét ngang dọc ở làng. Đường bê tông đã kín đến bờ sông. Ở xóm bên ni và xóm bên kia, giữa con đường nhỏ, là giàn mướp hoa vàng và trái lủng lẳng đan qua, rợp bóng, như khung nhà, như rạp hát màu xanh ai dựng lên đó. Một người phụ nữ đạp xe lọt vào khung hình, tôi vội vã bấm máy. Chị cười thân thiện. Thanh bình đến ngỡ ngàng. Bỗng nhớ dân phượt, sao không về đây mà… tự sướng?

“Làm có đủ ăn không ?”. Toàn đáp: “Đủ chứ, quanh năm, con tau lớn hết rồi, nhưng phải làm, không nghỉ”. Tôi phì cười, nói cũng bằng thừa, làm nông có bao giờ nghỉ, mà làm chi cũng rứa thôi, tay làm hàm nhai, ai tiền bạc đầy rương không làm nữa, thì đầu óc cũng chưa hẳn đã yên. Ở đây làm bắp, lúa, sắn, la-ghim quanh năm. Đất tốt mỡ màng. Tôi nhớ năm đó Toàn ra chơi ở ký túc xá, đòi đấu với Long Bum khoa hóa. Ai ở ký túc xá 27 Nguyễn Huệ - Huế những năm 90,  thảy biết Long, khét tiếng đánh lộn, giang hồ có số, nhưng mã thượng, đàn anh. Toàn muốn thử, bởi học lò võ ông Nhựt, tức võ sư Lê Quang nổi tiếng ở đây. Không đánh, chẳng ai biết cao thấp, rồi ra về, bao năm rồi tôi mới gặp lại Toàn. “Khó lắm, tau nghe anh tau nói huyện quyết tâm làm, mỗi khi lụt về là lo, nhưng chưa có tiền”. Lại nói chuyện cây cầu. Đầu năm rồi, tôi về Đại An - Đại Lộc, có  ông Lê Tất Dũng, bỏ tiền túi 300 triệu ra làm cầu phao cho dân đi, bao người được cứu, bởi nửa đêm đau nặng, nếu không có cầu thì phải chạy 17km mới tới bệnh viện huyện, giờ có cầu là thoắt tới liền; rồi 200ha đất của dân Đại An bên kia sông Vu Gia, có cây cầu, bỗng nhiên như cười với chủ. Con sông rộng chừng 80m, trước khi có cầu phao, không biết bao người đã bỏ mạng nơi đây. Cây cầu này là sản phẩm thông minh của ông nông dân học lớp 4. Hai đầu cầu, ông đổ các trụ bê tông vững chắc để nối hệ thống dây cáp kéo căng khiến cầu không bị uốn cong bởi dòng nước. Phía dưới mỗi hàng ngang, thay vì thông thường chỉ làm 2 thùng phuy, ông dùng tới 4 thùng được hàn chặt với nhau để giữ cầu thăng bằng; lan can được làm bằng dây cáp. Độc đáo hơn nữa, là tới mùa mưa lũ, ông mở đầu níu bên kia, kéo nó dạt bên này, neo cứng lại, hết lụt, lại cột vào. Trong khi chờ tiền, mà tiền thì ở mô mô không ai biết, răng không về đó mà học để làm hả trời?

3. Vẫn xanh như rút ruột mà xanh. Tôi ngồi xuống bên hàng đu đủ sân vườn ai đó, nhớ bạn phương xa, đám bạn đang hít khói xe, bụi và huyết áp cứ trồi lên miết chốn thị thành, ai cũng than, sao mình ngu quá bỏ làng lên phố làm gì, giờ chỉ muốn có tiền mua miếng đất, làm vườn, nuôi gà. Hết đường lui rồi. Đó là bi kịch hiện đại mà ai cũng muốn đóng vai, cũng muốn thử và khao khát giã từ.

Bữa trước ở Sài Gòn, tôi được kéo ra ngồi quán ven sông ở Bình Chánh, ngó qua bên kia là đất quận 7, bỗng thấy giữa rạch Ông Lớn, có ghe chở khẳm mấy chục cái lu da lươn. Bạn giảng rằng lu đó làm ở Lái Thiêu, chở đi bán tại miền Tây cho bà con đựng nước, làm mắm, ôi thôi cồn cào nhớ những lu đựng nước một thuở, cái thuở làng chưa bị đồ sắt đồ nhựa tràn về. Nước ta có cái nghịch lạ lùng, nông thôn thì mê thành thị, còn  chốn phồn hoa thì ráng mọi cách bày biện đồ quê mùa, đồ của rơm rạ suối ngàn sông hồ về phố, thiên hạ nháo nhào vô đó để thấy gót chân lấm bùn một thuở còn vương, ai dân thành thị thứ thiệt cũng nhào vô với triết lý… sống chậm!  

Giờ mình tôi ngồi đây, cả cười mà rằng, đi đâu xa, về cái làng ni, là có.  Nông thôn mới là chi, hẳn phải là cơm no áo ấm, là giữ được hồn vía của làng, không phải lo tai họa giáng xuống thình lình, không phải hồn cốt bị ô-xi hóa bởi những trò tào lao mang mã mác văn minh. Tôi nói thẳng, hô hào cái gọi là bản sắc văn hóa dân tộc, mà không hiểu nó là chi, là hại tàn canh. Bao nhiêu làng mạc làm nông thôn mới, mà hồn vía làng bay đi mất, hóa ra là tận diệt văn hóa, mà cái họa này là kinh khủng không thua chiến tranh hủy diệt. Nông thôn mới cả nước nợ hơn 8 ngàn tỷ, đã nợ thì sao đổi đời được? Nợ đó, tiền mô trả, có phải rút ra từ ngân sách, từ tiền thuế dân đóng không? Ai mạnh dạn khảo sát nghiêm túc những xã làm nông thôn mới, đưa ra minh bạch ý kiến người dân, từ ngày mang danh nông thôn mới, đời sống vật chất tinh thần có khá hơn không?

“Thôn của tau thuộc thị trấn, nên làm chi có nông thôn mới”. Lời Hải không biết buồn hay vui. Thú thiệt, tôi vui, bởi tôi sợ lắm rồi. Cần cái thật, chứ không và không nên thèm cái danh hão, được lợi cho ai không biết, chứ mộng hão huyền không nên đùa với áo cơm nhà nông. Làm nông thôn mới mà thật sự là mới nhưng không hại làng, khổ dân, khổ cán bộ cơ sở, đó là điều cần làm để đời sống làng quê khởi sắc thật sự, còn không thì thôi.

“Làng tau lâu ni vẫn rứa, có chi khác đâu”. Gửi mảnh hồn làng vẹn toàn, khao khát và tự hào đó đâu chỉ riêng Hải. Tôi điện lần nữa, giọng Hải hồ hởi: “Chiều hôm qua có thông tin là Bộ GTVT sẽ làm cầu đó, gần làm rồi,  dự kiến một năm”. Ôi là mừng!…

Bút ký TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng vẫn xanh như thuở đã xanh...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO