Dù gắn trách nhiệm của nhà trường với lao động sau khi kết thúc khóa đào tạo, nhưng nhiều vấn đề phát sinh trong thực tế làm việc, khiến cho nguồn lao động sau đào tạo dần thưa thớt.
Phần lớn lao động của Nam Giang nghỉ việc sau sự cố tại Công ty may Minh Hoàng 2. Ảnh: D.L |
1. Trường Trung cấp nghề thanh niên dân tộc - miền núi Quảng Nam phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Giang tổ chức mở lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 88 lao động trên địa bàn huyện Nam Giang ngay sau đợt tuyển sinh đầu tiên. Đến cuối tháng 4.2017 kết thúc khóa học, nhà trường cũng đã bàn giao 74 lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Công ty TNHH MTV công nghiệp Germton (KCN Đông Quế Sơn, xã Hương An, huyện Quế Sơn) nhận 20 lao động; Công ty TNHH Max Planning Vina (KCN Hòa Cầm, phường Hòa Thọ, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) nhận 19 lao động; Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 (KCN Điện Nam - Điện Ngọc, TX. Điện Bàn) nhận 35 lao động. Nếu thuận lợi, đây sẽ là khóa đào tạo thành công đầu tiên để làm điểm cho cả tỉnh.
Thế nhưng mọi việc không như mong muốn. Ngày 16.5.2017, Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 đã xảy ra tình trạng công nhân đình công do doanh nghiệp chậm trả lương, chậm đóng BHXH cho người lao động. Lãnh đạo Trường Trung cấp nghề thanh niên dân tộc - miền núi tỉnh nhanh chóng có mặt để xem tình hình lao động của nhà trường đang làm việc tại doanh nghiệp này. Dù học sinh nhà trường không tham gia cuộc đình công, nhưng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Ông Nguyễn Quí Quý - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề thanh niên dân tộc - miền núi Quảng Nam, cho biết: “Vấn đề này đã ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, làm cho các em dao động về công việc, tương lai của mình. Một số em đã có suy nghĩ bỏ việc về lại gia đình. Nhà trường đã gặp mặt giải thích, động viên các em trước sự việc trên; đồng thời làm việc với Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 để làm rõ lại các vấn đề liên quan về thu nhập, chế độ chính sách cho học sinh”. Sau đó, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng đã giúp Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 ổn định tiếp tục sản xuất. Lao động của trường nghề đào tạo theo Quyết định 3577 tiếp tục làm việc, công ty đã chuyển tiền hỗ trợ thực tập cho học sinh trong tháng 4.2017.
2. Mặc dù đã được nhà trường và các bên liên quan nhanh chóng vào cuộc giải quyết sự cố, thế nhưng có đến 20 lao động nghỉ việc, chỉ còn 15 người tiếp tục gắn bó. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quí Quý cho hay, sau khi học sinh về địa phương, nhà trường cùng với lãnh đạo các xã đã trao đổi, động viên lao động trở lại làm việc tại Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 nhưng họ không đồng ý. Sau đó, nhà trường tư vấn, giới thiệu một số doanh nghiệp khác và có 10 lao động đồng ý với phương án này. Trong đó, Công ty TNHH MTV KAD industrial SA Việt Nam (KCN Hòa Khánh mở rộng, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) nhận 9 người vào làm việc; Công ty TNHH Max Planning Vina nhận thêm một người. Đối với những lao động còn lại đang ở địa phương, nhà trường cho biết sẽ tiếp tục kiên trì vận động các em đi làm việc trở lại.
Liên lạc với một số lao động đã về lại địa phương qua điện thoại, phần lớn đều phân vân, chưa muốn trở lại làm việc. Theo chị Zơrâm Hoài (SN 1996, xã La Dêê, Nam Giang), vì đang ở giai đoạn đầu thai kỳ nên không thể xa gia đình đi làm. Chị Hoài nói: “Vì lý do sức khỏe nên tôi không thể tiếp tục làm việc. Bây giờ ở nhà kinh tế đều do chồng đảm nhận từ việc làm thuê, làm rẫy được đồng nào hay đồng đó”. Còn chị Pơloong Ưu (cũng ở xã La Dêê, Nam Giang) vì con còn quá nhỏ nên không thể đi làm xa như dự định. Chị Ưu nói: “Em bỏ việc về nhà ngay sau vụ đình công. Lúc đó đã nhận được 500 nghìn đồng tiền công ty hỗ trợ thực tập. Em muốn đi làm lắm, nhưng vì điều kiện con nhỏ nên phải về, chứ vụ đình công không phải là lý do chính”.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần cơ chế ràng buộc chặt chẽ giữa người lao động và doanh nghiệp, để việc đào tạo không trở nên lãng phí. Chưa kể, đối tượng hưởng lợi chính là người lao động và doanh nghiệp nhưng họ thiếu gắn bó sâu sát trong mối quan hệ cung - cầu, nên ảnh hưởng dây chuyền như vấn đề nêu trên.
HOÀNG LINH