Cung ứng lao động cho doanh nghiệp

LÊ DIỄM - GIA KHANG 25/06/2021 07:55

Đào tạo gắn với thực tế của doanh nghiệp, điều không mới nhưng đang là vấn đề cấp bách hiện nay khi các dự báo cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề của doanh nghiệp Quảng Nam sẽ gia tăng sau khi dịch Covid-19 được khống chế.

Dự báo nhiều doanh nghiêp sẽ ổn định lao động trong 5 năm tới.
Dự báo nhiều doanh nghiêp sẽ ổn định lao động trong 5 năm tới.

Thiếu nhân lực chất lượng cao

Công ty TNHH Điện khí Quốc Quang Việt Nam (trụ sở chính ở Trung Quốc) bắt đầu vận hành thử nghiệm tại Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) từ tháng 10.2020.

Qua hơn 8 tháng vận hành, Quốc Quang thu hút khoảng 400 lao động, dự kiến sau khi đi vào hoạt động ổn định tổng số lao động làm việc của công ty sẽ đạt 1.200 người. Dù vậy, đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp vẫn không thể tuyển đủ lao động, nhất là nhân lực kỹ thuật trình độ cao.

“Vấn đề lớn nhất hiện nay của công ty là thiếu kỹ sư chuyên nghiệp bởi có quá ít doanh nghiệp trong ngành sản xuất điện tử ở miền Trung nên chúng tôi rất khó tuyển dụng” - ông Pang Hao Wen - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện khí Quốc Quang cho biết.

Để đủ nhân sự, ngoài tuyển dụng nhân lực từ các tỉnh phía Bắc, công ty phải điều động kỹ sư từ trụ sở chính sang, đồng thời mở các lớp nghề nội bộ nhằm đào tạo cho nhân viên, lao động địa phương. Cũng theo ông Pang Hao Wen, sắp tới đơn vị sẽ phải phối hợp với các trường đại học trong khu vực nhằm tuyển chọn nhân lực phù hợp. Tuy nhiên, sẽ khó cho đơn vị để có ngay hàng trăm nhân lực cao cấp.

Thực tế cho thấy, tại các KCN trên địa bàn tỉnh, nỗi lo lớn nhất vẫn là nhân lực cao cấp. Ông Nguyễn Ngọ - Trưởng ban Quản lý (BQL) KCN Điện Nam - Điện Ngọc cho hay, lao động công nhân trong KCN hiện đã đủ. Do phần lớn doanh nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định, chưa kể còn được bổ sung một lượng lớn lao động từ ngành du lịch mất việc sang, nếu thiếu hụt chỉ là sự dịch chuyển lao động qua lại giữa các đơn vị.

“Bây giờ lao động phổ thông tuyển lúc nào cũng có, chỉ thiếu lao động cao cấp, nhưng lực lượng này không nhiều” - ông Ngọ nói.

KCN Điện Nam - Điện Ngọc hiện có 75 dự án đang triển khai hoạt động với khoảng 27 nghìn lao động, tập trung nhiều nhất ở doanh nghiệp may mặc, da giày, thực phẩm, điện tử… Dự báo, trong 5 năm tới sẽ không có sự biến động lớn về lao động công nhân do đa số doanh nghiệp đã lấp đầy và đi vào hoạt động quy củ.

Đặc biệt, với chủ trương của tỉnh trong việc xúc tiến thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có trình độ công nghệ và sử dụng ít lao động nên sẽ không tạo biến động lớn về lao động trong thời gian tới.

Theo bà Nguyễn Thị Thảo Sương - Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp (BQL Khu Kinh tế mở Chu Lai), trong tổng số 55 nghìn lao động đang làm việc tại các KCN thuộc BQL Khu Kinh tế mở Chu Lai quản lý, bên cạnh một vài doanh nghiệp dệt may cần lao động thì biến động lao động không lớn.

Ngoài ra, trong tình hình dịch bệnh hiện nay không phải doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu mở rộng kinh doanh hoặc tuyển dụng lao động. Do đó, nhu cầu lao động trong 5 năm tới sẽ không cao, nếu có chỉ tập trung vào nhân lực tay nghề cao.

Kết nối cơ sở đào tạo nghề

Thống kê từ năm 2016 - 2020, bình quân mỗi năm toàn tỉnh đào tạo nghề cho khoảng 35 nghìn người ở tất cả trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, nghề dưới 3 tháng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của tỉnh chỉ mới đáp ứng được nhu cầu lao động phổ thông, nên mối quan hệ liên kết trong đào tạo song hành giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo là điều cần thiết. 

Theo ông Trần Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đào tạo lao động kỹ thuật các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư thu hút nhiều lao động luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của công tác đào tạo nghề. Trong giai đoạn mới, tỉnh sẽ thực hiện rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động doanh nghiệp tham gia dạy nghề; ưu tiên ngân sách cho các khóa dạy nghề gắn kết với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, đảm bảo được số lượng người lao động sau khi học nghề có việc làm và thu nhập ổn định (không phân biệt loại hình cơ sở đào tạo).

Hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy - học, đổi mới phương pháp đào tạo, nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ giáo viên để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật. Trong đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp GDNN với doanh nghiệp là tiền đề quan trọng giúp đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng.

“Doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải cùng phối hợp xây dựng tiêu chuẩn, kỹ năng nghề, thiết kế chương trình… Đồng thời doanh nghiệp cũng phải tham gia quá trình giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của người học nghề, để người học sau tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải chủ động khảo sát, điều tra để có được thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp (nghề, trình độ, mức độ kỹ năng...). Từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo sát đúng với thực tiễn thị trường lao động. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp về nhu cầu về lao động của mình” - ông Chiến phân tích.

Dự báo, đến năm 2025, dân số Quảng Nam là 1,543 triệu người; trong đó dân số từ 15 tuổi trở lên là 1,182 triệu người và số lượng người tham gia lực lượng lao động là 932 nghìn người. Lao động qua đào tạo khoảng 680 nghìn người (tỷ lệ 70 - 75%). 

Giai đoạn 2021 - 2025 hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh xác định mục tiêu đào tạo mới và đào tạo lại khoảng 125 nghìn lượt người. Đến năm 2025, tổng quy mô tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả công lập và tư nhân là 25 nghìn người/năm. Trong đó, lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp là 3.500 người; công nghiệp - xây dựng: 10.500 người; thương mại - dịch vụ: 11 nghìn người. Với số lượng nhân lực được đào tạo nghề như trên, ước tính sẽ đáp ứng được phần lớn nhu cầu của doanh nghiệp về nguồn lao động, cũng như đáp ứng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cung ứng lao động cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO