Hỗ trợ cấp thiết và chuyện an sinh lâu dài

DIỄM LỆ - HÀ SẤU 31/10/2021 07:02

Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh Quảng Nam về hỗ trợ người lao động (LĐ) không giao kết hợp đồng LĐ (LĐ tự do), một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và hỗ trợ chi phí có liên quan cho các đối tượng cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh được ban hành ngày 22.7.2021. Theo đó, việc hỗ trợ người LĐ tự do theo Nghị quyết này, tính đến ngày 27.10.2021, đã có 6.117 LĐ (trong tổng số dự kiến khoảng 10 nghìn LĐ thuộc diện này) được nhận hỗ trợ với tổng số tiền hơn 9,3 tỷ đồng. Khoản hỗ trợ này mang tính cấp thiết, nhằm chia sẻ những khó khăn trước mắt cho những LĐ tự do mất việc làm. Chuyện lâu dài là vấn đề an sinh, việc làm bền vững, sinh kế tồn tại trong và sau cơn đại dịch của những người thuộc diện yếu thế này cần sớm được cơ quan chức năng tính toán.

Lao động nhận hỗ trợ khó khăn do dịch bệnh Covid - 19. Ảnh: DIỄM LỆ
Lao động nhận hỗ trợ khó khăn do dịch bệnh Covid - 19. Ảnh: DIỄM LỆ

NHỮNG MẢNG MÀU ĐEN TRẮNG

Trong vòng xoáy khó khăn chung của nền kinh tế vì đại dịch Covid, LĐ tự do lại càng chật vật hơn trong việc xoay xở cơm, áo, gạo, tiền. Với họ lúc này, sự hỗ trợ nào, dù ít dù nhiều đều đáng quý. Mặc dù vậy, vì những lý do khách quan, chủ quan nên không ít trường hợp thực sự cần vẫn chưa được tiếp cận gói hỗ trợ.

Nhiều lao động tự do vẫn còn rất mông lung tương lai phía trước khi dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường. Ảnh: L.T
Nhiều lao động tự do vẫn còn rất mông lung tương lai phía trước khi dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường. Ảnh: L.T

Chật vật xoay xở

Gần hai năm ròng, công việc của nhiều LĐ tự do lao đao vì dịch bệnh. Chị Trân (xã Cẩm Hà, Hội An), làm việc tại một quán ăn  tại Hội An, công việc của chị thường xuyên bị ngắt quãng mỗi lần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16. Kể cả các thời điểm quán xá được phép mở thì lượng khách cũng rất “hẻo” so với trước.

Chị Trân cho biết đã làm đơn đề nghị hỗ trợ vào năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hỗ trợ. 

“Đợt đó lo làm giấy tờ mấy lần để nộp, xã nói chờ thông báo nhận tiền nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Còn đợt này thì tôi không nghe thông báo gì cả nên cũng chưa đăng ký nhận hỗ trợ” - chị Trân nói.

Nhà chị Trân còn 2 người nữa cũng là LĐ phổ thông, công việc long đong vì dịch nhưng đến nay cũng chưa nhận được hỗ trợ theo chính sách.  

Sau gần 3 tháng đóng cửa vì dịch, tiệm trà sữa của Phạm Kiều Giang (xã Điện Dương, Điện Bàn) mới có thể hoạt động trở lại. Khách dù chỉ lác đác nhưng cũng giúp hai vợ chồng có đồng ra, đồng vào.

Khá mơ hồ khi nghe đề cập chuyện đăng ký nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh, chị Giang nói: “Trước giờ cũng nghe có nhiều gói hỗ trợ mà không biết mình có thuộc diện nào không, thực tế bản thân cũng chưa nhận được hỗ trợ từ gói nào. Do đó tôi cũng không đủ thông tin về chính sách hỗ trợ nên chưa làm đơn đề nghị hỗ trợ”. 

Mông lung phía trước

Đại diện quán bida Ni Ty (Thanh Hà, Hội An) cho biết, sau một vài đợt phải đóng cửa vì dịch thì nhiều tháng nay lượng khách vắng vẻ hẳn. Phần lớn người LĐ là khách quen ở quán đều gặp khó khăn trong công việc nên họ buộc phải giảm tần suất ghé chơi, giải trí và dự kiến tình trạng này sẽ còn kéo dài trong một thời gian nữa. Quán cũng đành chấp nhận thực tế này, bởi đó là khó khăn chung. Và chủ quán cũng không làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ, bởi tâm lý sợ thủ tục giấy tờ rườm rà. 

Là LĐ tự do đã được nhận hỗ trợ, chị Ngô Thị Thanh Tuyền (Hòa Thuận, Tam Kỳ) - nhân viên một spa chăm sóc sắc đẹp ở Tam Kỳ, cho biết nguồn hỗ trợ dù chỉ 2 triệu đồng cho 40 ngày mất việc làm này cũng giúp chị có khoản nhỏ để trang trải lúc ngặt nghèo. Theo chị Tuyền, khoảng thời gian trước mắt cũng mông lung lắm. Spa chăm sóc sắc đẹp là ngành liên tục phải dừng việc khi dịch bệnh xảy ra.

Chị Tuyền tâm sự: “Con trai đầu của tôi mới bước vào lớp 1, tôi đang có thai 5 tháng, công việc của chồng cũng bấp bênh vì dịch bệnh. Tôi mất việc làm nhưng là LĐ tự do, không có đóng bảo hiểm nên cũng không có bảo hiểm thất nghiệp như công nhân làm việc ở công ty. Chồng tôi làm nhân viên bán hàng, công việc cũng bị ảnh hưởng.

Nhận được sự hỗ trợ là niềm động viên cho gia đình chúng tôi. Nhưng tính toán chi cho tương lai cũng khó khăn lắm! Trước mắt thì tôi sẽ nghỉ việc luôn để sinh con đã, rồi sau đó sẽ tính tiếp. Chỉ mong được tiêm vắc xin, rồi dịch bệnh được kiểm soát để cuộc sống trở lại bình thường, người LĐ lại có việc làm như trước kia”.

NƠI NHIỀU NƠI ÍT

Việc hỗ trợ LĐ tự do theo Nghị quyết 45 ở các địa phương có sự khác nhau. Nơi nào thực hiện giãn cách xã hội nhiều hoặc liên quan các ca F0, F1 phải dừng hoạt động nhiều thì chắc chắn số người được hỗ trợ nhiều hơn. Số LĐ mất việc làm ở nơi khác về lại địa phương cũng là câu chuyện đáng quan tâm.

Theo Sở LĐ-TB&XH, đến ngày 27.10 đã có 6.117 LĐ tự do (trong tổng số dự kiến khoảng 10 nghìn LĐ thuộc diện này) được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 9,3 tỷ đồng.

Các địa phương thực hiện hỗ trợ nhiều là Điện Bàn với 2.498 LĐ - kinh phí gần 5 tỷ đồng, Duy Xuyên 581 LĐ - hơn 853 triệu đồng, Đại Lộc 434 LĐ - hơn 819 triệu đồng, Hiệp Đức 293 LĐ - hơn 278 triệu đồng, Tam Kỳ 93 LĐ - 185 triệu đồng. Nhưng có những địa phương chưa chi hỗ trợ LĐ tự do mà chỉ chi hỗ trợ người cách ly tập trung, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Theo giải thích từ các địa phương, nơi nào thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 nhiều thì LĐ tự do mất việc làm tại các quán ăn, quán cà phê, khu kinh doanh dịch vụ... nhiều hơn, vì vậy hỗ trợ nhiều hơn. Các huyện không thực hiện giãn cách xã hội thì ít LĐ tự do bị ảnh hưởng nên số người được hỗ trợ sẽ ít.

Ông Tăng Ngọc Đức - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tiên Phước nói: “Tiên Phước có thời gian thực hiện Chỉ thị 15, 16 và 19, nhưng đến lúc này chỉ mới có 15 LĐ tự do có gửi đơn đến UBND cấp xã, thị trấn đề nghị và đã được hỗ trợ. Chúng tôi tuyên truyền thường xuyên qua hệ thống loa phát thanh về tận khu dân cư, nhưng LĐ không đến đăng ký.

Quan điểm thực hiện hỗ trợ của huyện là có đơn đề nghị sẽ xác minh cụ thể, chỉ hỗ trợ trường hợp thực sự khó khăn, mất việc làm như quy định tại Nghị quyết 45. Thực sự thì LĐ tự do của Tiên Phước chủ yếu làm nghề nông nghiệp, làm rừng, nên sự ảnh hưởng mất việc làm do dịch bệnh cũng ít hơn so với các địa phương khác có sự phát triển thương mại, dịch vụ mạnh”.

Ông Lê Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết mới có 4 LĐ tự do đề nghị và nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 45. Lý do là huyện không thực hiện giãn cách xã hội, nên không có tình trạng LĐ bị mất việc làm do quán xá đóng cửa. Còn ở Phú Ninh có 29 LĐ tự do nhận hỗ trợ, cũng vì huyện không thực hiện giãn cách xã hội nhiều đợt như các địa phương khác.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết: “Huyện đã thông tin, tuyên truyền sâu rộng về các chính sách hỗ trợ LĐ, trong đó có Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh. Nhưng số LĐ tự do mất việc rất ít do địa phương không thực hiện giãn cách xã hội.

Thêm nữa, khi tuyên truyền chính sách đến người dân thì họ có vẻ chần chừ, có tâm lý đợi chính sách sau có lợi hơn chính sách trước nên không làm đơn đề nghị hỗ trợ. Huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền chính sách này đến LĐ, đặc biệt là LĐ của huyện đi làm tự do về từ các địa phương khác, để người dân được tiếp cận với chính sách này”.

VỪA THỰC HIỆN VỪA THÁO GỠ VƯỚNG MẮC

Theo ghi nhận, có những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện nên các địa phương vừa thực hiện vừa tháo gỡ để đưa chính sách đến với người lao động (LĐ).

Lao động nhận hỗ trợ ở Hội An. Ảnh: L.T
Lao động nhận hỗ trợ ở Hội An. Ảnh: L.T

Qua các đợt giãn cách xã hội kéo dài mới đây, lượng người bị ngừng việc lại tăng thêm so với dự kiến. Tại Hội An, ước tính có đến hơn 14 nghìn trường hợp thuộc diện được hưởng hỗ trợ từ Nghị quyết 68 của Chính phủ, Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh.

Đến nay có tổng cộng 8.421 LĐ được hỗ trợ từ các chính sách với số tiền hơn 13,8 tỷ đồng. Với thị xã Điện Bàn, đã có 2.697 trường hợp được chi trả hỗ trợ, với số tiền hơn 4,7 tỷ đồng theo các chính sách. Bên cạnh đó, cũng có 555 hồ sơ khác đã được UBND thị xã Điện Bàn duyệt kinh phí hỗ trợ nhưng chưa chi trả.

Nhằm tạo điều kiện cho LĐ sớm tiếp cận các gói hỗ trợ ý nghĩa này, trình tự thủ tục đăng ký đã được rút gọn rất nhiều, người LĐ không cần xác nhận ở nhiều nơi nhưng phải chịu trách nhiệm với bản kê khai của mình.

Thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An, các xã, phường đang tiếp tục rà soát xây dựng hồ sơ trình về phòng hơn 6.000 hồ sơ, dự kiến sẽ thẩm định, trình thành phố phê duyệt trong tháng 10.2021. Dù không có quy định về niêm yết công khai danh sách nhưng tại Hội An, các xã, phường đều thực hiện niêm yết để đảm bảo sự minh bạch, công bằng.

Theo quy định, khoảng 15 ngày từ lúc người LĐ nộp hồ sơ xét duyệt sẽ được chi trả hỗ trợ, tuy nhiên trên thực tế vẫn có độ chênh nên trung bình phải khoảng 1 tháng thì khoản hỗ trợ này mới đến được với người LĐ, các trường hợp nhanh nhất cũng phải mất 25 ngày.

Lý giải vấn đề này, ông Lê Viết Phúc - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An cho biết, các xã, phường không thể cứ tiếp nhận 5 đến 10 hồ sơ rồi tổ chức một lần họp xét mà phải chờ nhận đủ hồ sơ theo từng thôn, khối phố. Sau đó lại mất vài ngày rà soát lại các hồ sơ, tổng hợp tiến hành niêm yết.

Thực trạng này dẫn đến một lần có cả vài nghìn hồ sơ gửi về Phòng LĐ-TB&XH nên không thể nào thực hiện chi trả nhanh được. Đó là chưa kể LĐ về từ các địa phương khác, người thẩm định phải liên hệ với địa phương nơi LĐ làm việc để tìm hiểu thông tin giãn cách xã hội ở từng nơi, rồi mới xác định khoảng thời gian người LĐ được hưởng chế độ.

Ông Phúc cho biết: “Nếu các xã, phường linh động thì vẫn có thể rút ngắn thời gian chi trả cho người dân. Cụ thể là làm theo phương thức “gối đầu”, lúc lên danh sách xong ở cấp xã thì đã nắm được nhu cầu về kinh phí, nên địa phương làm báo cáo nhu cầu bố trí kinh phí thực hiện, trên cơ sở đó cơ quan tài chính cấp huyện phân bổ kinh phí, sau đó có quyết định phê duyệt thì làm dự toán bổ sung. Như vậy thì sẽ nhanh hơn chứ cứ đợi trình lên xong bước này mới tiếp tục tuần tự các bước tiếp theo thì sẽ bị chậm”. 

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, trong khoảng thời gian đầu khi thực hiện hỗ trợ thì phát sinh một số vướng mắc, nhưng sau khi có công văn từ tỉnh quy định cụ thể về một số trường hợp như LĐ tự do cư trú hợp pháp ở Quảng Nam hàng ngày sang địa phương khác để làm việc hoặc những nghề, công việc người LĐ tự do đang làm hàng ngày bị tạm dừng, mất việc… thì khó khăn đã được tháo gỡ và lượng người đủ điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ mở rộng nhiều hơn.

Tuy vậy, với LĐ tự do ở các tỉnh, thành phố khác về lại địa phương thì sẽ phát sinh khó khăn trong xác minh từng trường hợp để hỗ trợ kịp thời. Nhất là LĐ trở về từ phía Nam, khi về không kịp mang theo giấy tờ chứng minh đã làm việc ở các tỉnh đối với LĐ có hợp đồng LĐ, còn LĐ tự do thì càng khó xác định hơn.

Điện Bàn dự lường những tình huống này, nếu phát sinh vướng mắc sẽ báo cáo ngay cơ quan thường trực là Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính xin ý kiến để thực hiện. Bà Hằng cũng kiến nghị nếu vượt nguồn ngân sách đã phân bổ thì tỉnh cần quan tâm hỗ trợ sớm, để kinh phí hỗ trợ kịp thời đến với người LĐ.

TÍNH KẾ LÂU DÀI

Các chính sách hỗ trợ đều mang tính cấp thiết, tuy nhiên cần sớm tính toán giải pháp an sinh bền vững cho lực lượng LĐ, chứ không thể mãi trông chờ vào chính sách hỗ trợ.

Đời sống của lao động tự do gặp nhiều khó khăn do đại dịch. Ảnh: L.T
Đời sống của lao động tự do gặp nhiều khó khăn do đại dịch. Ảnh: L.T

LĐ tại chỗ của tỉnh, LĐ của tỉnh trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam đều cần được hỗ trợ về việc làm, về học nghề, về sinh kế lâu dài. Đây cũng là trăn trở của lãnh đạo tỉnh để ổn định tình hình kinh tế, xã hội. Chỉ khi nghề nghiệp, đời sống người dân được ổn định, thì mới có thể “mở cửa” vừa làm ăn vừa chống dịch. 

Chị Phạm Thị Hồng Ân (Đông Phú, Quế Sơn) trở về từ TP.Hồ Chí Minh vào tháng 7.2021 do dịch bệnh quá phức tạp. Công việc của chị là làm ở vị trí nhân sự, hành chính.

Chị Ân chia sẻ: “Tôi đã đi làm trong TP.Hồ Chí Minh 10 năm rồi, trở về cũng không kịp mang theo hồ sơ giấy tờ gì. May là tôi có tham gia BHXH nên chỉ cần đề nghị, cơ quan BHXH tra cứu thông tin là chứng minh được công việc của bản thân để nhận hỗ trợ theo quy định.

Những khoản tiền hỗ trợ rất cần thiết, giúp chúng tôi đỡ khó khăn lúc dịch bệnh, nhưng chúng tôi cũng không thể mãi trông chờ hỗ trợ được. Tôi chỉ mong muốn tìm được một công việc phù hợp, ổn định ở trong một DN nào đó để ổn định ở quê, không đi lại nữa”.

Tại cuộc làm việc mới đây với các sở, ngành và các địa phương trong thực hiện các chính sách hỗ trợ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đã giao Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh có văn bản giao trách nhiệm các đơn vị và địa phương thực hiện hỗ trợ nhanh chóng, đúng đối tượng.

Phải bám sát cơ sở, khảo sát, thống kê, lập danh sách cụ thể nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ, kết quả tổ chức thực hiện giải ngân đến nay, báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời các ngành, địa phương xác lập lộ trình có thời gian nhất định, trên cơ sở đó, có kế hoạch nhằm đảm bảo hỗ trợ kịp thời các trường hợp còn lại, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách và bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện.

Các địa phương đều đang khảo sát nhu cầu của người LĐ để hỗ trợ, kết nối, giới thiệu việc làm, cho vay vốn tự tạo việc làm tại chỗ, nhưng rất chậm. Ông Trần Anh Tuấn yêu cầu các địa phương phải đẩy nhanh việc khảo sát, xem giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho LĐ là nhiệm vụ quan trọng trong lúc này nhằm đảm bảo an sinh xã hội lâu dài. Bởi lẽ, nhu cầu của các DN trong tìm kiếm nguồn LĐ vẫn rất lớn cũng như nguồn vốn vay cho người LĐ có nhu cầu không thiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ cấp thiết và chuyện an sinh lâu dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO