Quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài: Bám sát từng trường hợp

DIỄM LỆ 29/10/2019 12:47

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là hướng thoát nghèo hiệu quả, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu như người lao động (NLĐ) không đi theo con đường chính thống. Ngành chức năng của tỉnh cho biết đang cố gắng bám sát từng trường hợp để không xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Người có nhu cầu XKLĐ cần phải nghe tư vấn kỹ, đi qua kênh chính thống để hạn chế rủi ro. Ảnh: D.L
Người có nhu cầu XKLĐ cần phải nghe tư vấn kỹ, đi qua kênh chính thống để hạn chế rủi ro. Ảnh: D.L
Nắm thông tin liên tục

Thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, năm 2019 có 85 người trên địa bàn tỉnh đi XKLĐ; trong đó có 47 NLĐ đi làm việc ở Nhật Bản gồm Chương trình IM Japan (miễn phí) và qua kênh của Công ty CP Thương mại tạp phẩm Sài Gòn; có 36 NLĐ sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS (miễn phí) được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc, và 2 NLĐ đi làm việc điều dưỡng ở CHLB Đức. Ông Võ Văn Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “NLĐ đi qua kênh trung tâm thì bộ phận chuyên trách công tác XKLĐ đều nắm rõ từng trường hợp. Từ đó có thể bằng nhiều cách để liên lạc với NLĐ qua facebook, zalo, mail, điện thoại... để nắm thông tin cụ thể. Quan điểm của trung tâm là chú trọng thị trường uy tín, chất lượng để giới thiệu cho NLĐ đi làm việc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức. Những công ty phối hợp cũng phải là công ty uy tín, được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép, có thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ trên địa bàn tỉnh. Điều này nhằm giúp NLĐ có được những hợp đồng XKLĐ tốt, có hiệu quả thì mới tác động mạnh đến phong trào XKLĐ của tỉnh. Và từ đó cũng hạn chế được những rủi ro không đáng có”.

Theo quy định, khi NLĐ hết hạn hợp đồng về nước thì doanh nghiệp (DN) phải báo cáo với Sở LĐ-TB&XH hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tỉnh quản lý, nhưng trong thực tế, nhiều DN chưa quan tâm việc này. Thế nên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phải thường xuyên liên hệ trực tiếp với NLĐ để làm công tác tư tưởng, động viên NLĐ khi hết hạn hợp đồng thì về nước để có thể tiếp tục đi trở lại, không trốn ở lại bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến những người đi sau. Đồng thời, qua đó cũng nắm được thông tin của từng NLĐ nếu họ chuyển đổi visa lưu trú tại nước sở tại.

Không lơ là cả tin

Theo Sở LĐ-TB&XH, đến nay toàn tỉnh có khoảng 3.000 NLĐ đang làm việc ở nước ngoài, trong đó chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức, một số nước Trung Đông. NLĐ có thể đi làm việc ở nước ngoài theo 4 con đường; trong đó đi theo kênh của Trung tâm Lao động ngoài nước, kênh hợp đồng cá nhân thì Sở LĐ-TB&XH nắm được thông tin từng người vì có đăng ký với sở. Còn NLĐ đi qua kênh trực tiếp với DN, trước đây DN không báo cáo thì không nắm được, nhưng nay có phần mềm quản lý bắt buộc DN phải cập nhật thông tin trên phần mềm nên Sở LĐ-TB&XH nắm bắt được, tuy nhiên vẫn không đầy đủ. Và có thêm một kênh nữa là khi DN trong nước trúng thầu hợp đồng làm việc ở nước ngoài thì tổ chức đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc. Trong tỉnh thực tế có NLĐ đi theo diện này, theo quy định DN phải báo cáo cho Sở LĐ-TB&XH nhưng họ không báo cáo nên sở không nắm được.

Ông Võ Văn Lân, Phó Trưởng phòng Lao động - việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, đối với việc quản lý DN thì sở nắm thông tin được khi DN đến liên hệ với sở để được giới thiệu về địa phương thực hiện công tác tuyển dụng NLĐ đi xuất khẩu. Nhưng không có quy định nào bắt buộc DN phải thông qua sở, nên vẫn còn DN đến trực tiếp các địa phương cấp huyện, xã trình giấy tờ để được giới thiệu thông tin, tuyển dụng NLĐ. Nếu chính quyền xã nào cẩn thận thì họ điện thoại đến Sở LĐ-TB&XH để báo cáo và xác minh về DN đến liên hệ. Vẫn có những xã vùng sâu vùng xa không nắm được thông tin thì họ không liên hệ đến sở, nên DN đến địa phương thực hiện XKLĐ nhưng sở không thể nắm được thông tin. Đây là một kẽ hở dễ dẫn đến những vụ lừa đảo XKLĐ nếu như các địa phương không thận trọng. Từ thực tế đó, Sở LĐ-TB&XH đã thường xuyên có công văn gửi đến các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, vừa để các địa phương phối hợp với DN tốt hơn trong công tác XKLĐ, vừa yêu cầu các địa phương nắm rõ thông tin và quản lý địa bàn tốt hơn, tránh để NLĐ bị lừa đảo qua các kênh đi làm việc ở nước ngoài không chính thống. Ông Lân cũng khuyến cáo NLĐ chỉ nên đi XKLĐ qua những kênh chính thống, không nên nghe người khác “rỉ tai nhau” mà đi làm việc ở nước ngoài để hạn chế những rủi ro đáng tiếc xảy ra.

Theo số liệu mà Sở LĐ-TB&XH nắm được từ Trung tâm Lao động ngoài nước, toàn tỉnh hiện có khoảng 130 NLĐ hết hạn hợp đồng làm việc nhưng ở lại làm việc bất hợp pháp ở các nước. Sở LĐ-TB&XH nắm danh sách này, có văn bản gửi đến các huyện xác minh lại thông tin để loại trừ những trường hợp được phép cư trú lâu dài, còn NLĐ bỏ trốn ở lại làm việc chui thì địa phương làm việc trực tiếp với gia đình, vận động họ về nước. Qua đó cũng tuyên truyền để gia đình của NLĐ thấy được những hệ lụy, nguy hiểm rình rập đối với họ nếu cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài: Bám sát từng trường hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO