Đã lâu lắm rồi, đời sống văn học Quảng Nam mới lại “dợn sóng” khi trường ca “Sóng Thu Bồn” của Nguyễn Giúp được phát hành. Hiện tượng “dợn sóng” này là phản ứng dễ hiểu, bởi với Quảng Nam - nơi được xem là một trong các “vùng đất của thi ca” nổi tiếng của cả nước, thơ không thiếu, nhưng trường ca thì cực hiếm.
Chọn cách tiếp cận từ hình tượng sông mẹ Thu Bồn để xây dựng tác phẩm, trường ca “Sóng Thu Bồn” của Nguyễn Giúp mang đầy ắp âm hưởng, vóc dáng, thanh âm của vùng đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm. Tác phẩm cũng vì thế mà có tính khái quát cao và có những giá trị mang tính biểu tượng.
Đó không chỉ là những con sóng/ cơn sóng từ phía sông: “Đêm nghe tiếng cá quẫy/ Thu Bồn nhập một Trường Giang”. Đó còn là những con sóng/ cơn sóng lòng người và cuộc đời: “Sớm mai sông vẫn miệt mài và gió thung lũng vẫn thổi/ ngực ta nâng cánh chim hoang/ Bay về phía mặt trời/ phía những ngọn núi/ nhô lên”. “Sóng Thu Bồn” cứ thế vỗ tràn lên những câu thơ, gõ nhịp lúc lao xao khi miên man cùng đời sống rộng dài.
Suốt theo trường ca “Sóng Thu Bồn”, Nguyễn Giúp bày ra trên mặt chữ, đan cài vào từng câu thơ những cảm xúc da diết, hào sảng, lãng mạn, trữ tình và đầy yêu thương về đất và người Quảng Nam. Cùng với những “Ly Ly sông con/ Thu Bồn sông mẹ/ nước quê mang theo lời đất quê” mải miết tỏa bồi phù sa về muôn nẻo là một “Vu Gia/ vừa trôi vừa ngủ” đẹp mơ màng.
Bên những đau đáu nhớ thương từ “Lời bả trạo bi ai mà lẫm liệt/ dẫn dụ linh hồn cư dân quay về cõi sóng” là sự trải lòng trước hoang mê tươi đẹp đại ngàn “Trà My/ ta yêu em như tên gọi”. Nhiều hình ảnh thân thương, mộc mạc được tác giả chuyển hóa thành những thi ảnh đẹp, đầy cảm xúc và giàu chất thơ: “Rong ruổi những người đàn bà/ quang gánh/ triền dâu/ bãi sông/ Những làng chài vạm vỡ/ những trung du môi mật”.
Đọc “Sóng Thu Bồn”, có cảm giác như tác giả trôi tự do cùng nhịp vỗ những con sóng thực của các dòng sông có thật lẫn nhịp sóng từ sâu thẳm tiềm thức. Nhưng thật lạ, không hề có dấu hiệu lạc dòng mà vẫn đĩnh đạc một vóc dáng trường ca. Khả năng lập tứ, dựng ý, liên kết nghĩa, chuyển hóa hình ảnh và cảm xúc của tác giả khá nhuần nhuyễn...
Cả 4 chương của “Sóng Thu Bồn” (chương I: Chảy cùng những nhánh sông; chương II: Gió thung lũng; chương III: Những vỉa tầng phù sa; chương IV: Tiếng tre nghiến hay những bông hoa bù xít nở trắng) không chỉ mạch lạc, khúc chiết, chặt chẽ, hợp lý về kết cấu, chương đoạn... mà còn rất gợi, rất thơ. Có lẽ nhờ vậy mà tác phẩm có bóng dáng và mang tính sử thi, dung chứa khá đầy đủ các phẩm chất và yêu cầu cần phải có của thể loại trường ca.
Đọc “Sóng Thu Bồn”, chợt nghe lòng lao xao mà an yên trước những con sóng, “những ký tự phục sinh” từ muôn phương, từ sông suối quê nhà...